Bộ Kim phẩm Đền nghè lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng được Chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia

19:50 02/01/2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1712/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 13) với 33 bảo vật được công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó có Bộ kim phẩm Đền Nghè, niên đại đầu thế kỷ XX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng.

Theo đó, đây là bộ hiện vật có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với người dân Hải Phòng khi gắn liền với tín ngưỡng thờ Nữ tướng Lê Chân, người đặt nền móng hình thành nên thành phố Hải Phòng ngày nay và được nhân dân suy tôn là Thánh Mẫu, Thành hoàng của thành phố.

Bộ kim phẩm đền Nghè có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, gồm 16 nhóm hiện vật: Lá trầu vàng; Chùm cau vàng; 4 Thẻ bài vàng; 1 Lá vàng trơn; 1 Quạt vàng; 3 Đôi bông tai vàng; 2 Hộp sáp môi vàng; Đôi vòng vàng; Chuỗi hạt vàng; Bộ cúc vàng.

Bộ kim phẩm Đền Nghè, niên đại đầu thế kỷ XX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng

Bộ kim phẩm được chế tác thủ công, làm khá công phu, tinh xảo. Cho thấy, người chế tác là thợ kim hoàn lành nghề, có kỹ thuật cao, nguyên liệu được chọn lọc tỉ mỉ. Qua đó nổi bật được ý nghĩa, giá trị và mục đích sử dụng của bộ kim phẩm.

Trong quá trình chế tác bộ kim phẩm, người thợ đã sử dụng nhiều kỹ thuật cao, đòi hỏi có kinh nghiệm lâu năm. Vàng trong bộ kim phẩm được sử dụng là loại vàng ta 24K (vàng có hàm lượng trên 90%), tương đối mềm, dễ kéo dài, dát mỏng, ít pha tạp kim loại màu khác (tỷ lệ pha tạp thấp nhất 0.09%; cao nhất 8%).

Bộ kim phẩm được chế tác thủ công, làm khá công phu, tinh xảo

Bộ kim phẩm Đền Nghè được nhân dân cung tiến, dâng lên Thánh mẫu Lê Chân. Căn cứ vào các tài liệu lưu trữ, nghiên cứu về lịch sử hình thành, tồn tại của đền Nghè và đặc trưng về phong cách nghệ thuật, trang trí mỹ thuật trên hiện vật, Bảo tàng Hải Phòng xác định Bộ kim phẩm Đền Nghè được chế tác vào thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX.

Cặp kim bài có chữ “Dực Bảo Trung Hưng” - “Trang Huy Thượng Đẳng Thần".

Nữ tướng Lê Chân là một nhân vật lịch sử, một võ tướng giữ chức “Chưởng quản binh quyền” dưới thời Hai Bà Trưng. Bà chiến đấu anh dũng, chống quân Đông Hán xâm lược, lập nhiều công lao, giúp Hai Bà xưng Vương, lập nước, mở nền độc lập cho dân tộc Việt Nam những năm đầu công nguyên.

Hiện vật lá trầu vàng; Chùm cau vàng

Nữ tướng Lê Chân còn là người khai phá vùng đất ven biển từ vùng bãi bồi sình lầy hoang vu thành làng mạc trù phú, đặt nền móng cho việc hình thành thành phố Hải Phòng ngày nay, một trung tâm kinh tế - văn hóa - khoa học phát triển, độ thị loại I cấp quốc gia, có vị trí chiến lược trong bảo vệ an ninh quốc phòng và là đầu tàu đưa đất nước hướng ra biển lớn.

Công trình kiến trúc Đền Nghè, nơi bộ kim phẩm được cung tiến vào, đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1975. Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông