09:38 15/09/2019 Sáng kiến chứng nhận sinh thái cho tàu thủy du lịch của Quảng Ninh đi đầu trên cả nước và trong số ít các quốc gia trên thế giới. Với thành công trong xây dựng “sản phẩm du lịch” độc đáo này, Quảng Ninh ghi thêm một mốc son trong việc bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững…
Tàu thủy du lịch trên Vịnh Hạ Long
Bộ tiêu chí nhãn sinh thái Cánh buồm Xanh thuộc khuôn khổ dự án Hợp tác kinh tế “Thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh”, do JICA tài trợ giai đoạn 2, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường bền vững và chính sách phát triển du lịch. Sở Du lịch Quảng Ninh đã cùng các sở, ngành, địa phương đã phối hợp với nhóm chuyên gia JICA tổ chức điều tra, khảo sát, lấy ý kiến cộng đồng để xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá và trình Ban chỉ đạo Dự án tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh phê duyệt trong khuôn khổ Dự án.
Theo đó, nhãn sinh thái Cánh buồm Xanh là nhãn hiệu cấp cho các tàu thủy du lịch đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Đó là các tàu thủy du lịch đã có những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, góp phần bảo vệ các di sản, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương để phát triển du lịch bền vững... Nhãn Cánh buồm xanh được cấp trên cơ sở tự nguyện tham gia và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và quy trình thủ tục đánh giá.
Quảng Ninh xây dựng và cấp nhãn Cánh buồm Xanh nhằm khuyến khích, tạo động lực cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ tàu thủy du lịch, kể cả tàu tham quan và tàu trú hoạt động trong các vùng nước của tỉnh Quảng Ninh, tuân thủ thực thi đầy đủ các qui định pháp lý liên quan và áp dụng các thực tiễn tốt nhất về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Khi tham gia hệ thống nhãn Cánh buồm Xanh, các bên liên quan được hưởng rất nhiều lợi ích bởi tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích các đơn vị kinh doanh tàu thủy du lịch hưởng ứng tham gia đăng ký đánh giá và cấp nhãn Cánh buồm Xanh. Cụ thể, các đơn vị kinh doanh tàu thủy du lịch được cấp nhãn Cánh buồm xanh được ưu tiên: Gia hạn thêm thời gian hoạt động của các tàu, thuyền được cấp nhãn Cánh buồm Xanh, cấp quyền đóng mới thay thế tàu thuyền cũ đã quá niên hạn sử dụng với thời hạn tối thiểu là 1 năm; cấp phép mở rộng địa bàn hoạt động (các tuyến điểm mới, dành riêng cho những đơn vị được cấp nhãn Cánh buồm Xanh) và đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ trên vịnh như chèo thuyền kayak, các môn thể thao nước, ăn uống và tổ chức sự kiện, khai thác các bãi tắm, khám phá rừng trên núi…
Cùng với đó, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ về tiếp thị và quảng bá xúc tiến du lịch, đối với việc xây dựng và bảo vệ uy tín của thương hiệu nhãn Cánh buồm Xanh như: Được sử dụng biểu trưng, marketing và quảng bá thương hiệu nhãn Cánh buồm Xanh; được đưa vào danh sách chính thống thành viên trên trang web nhãn Cánh buồm Xanh, các trang web của UBND tỉnh, Sở Du lịch và các Sở ngành liên quan khác, UBND TP Hạ Long, Hiệp hội du lịch tỉnh, Trung tâm truyền thông tỉnh và đường liên kết trực tiếp tới trang web của đơn vị; Danh sách chính thống thành viên nhãn Cánh buồm Xanh được đăng tải trên các trang web của Bộ VHTTDL, Tổng cục du lịch, Báo và Tạp chí du lịch, trang web Bông sen Xanh, Hiệp hội du lịch Việt Nam, Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Hiệp hội khách sạn Việt Nam; được đưa vào trong các ấn phẩm in thường niên của nhãn nhãn Cánh buồm Xanh cũng như các ấn phẩm khác của ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh; được giới thiệu và quảng bá bởi nhãn Cánh buồm Xanh tại các triển lãm xanh, các sự kiện xúc tiến thương mại du lịch, giới thiệu trong các ấn phẩm và phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Đồng thời, có cơ hội kết nối với các đối tác trong ngành tại các sự kiện nhãn Cánh buồm Xanh như các FAM tour, hội chợ triển lãm… Tỉnh cũng hỗ trợ giảm 50% chi phí tham gia các hội thảo, triển lãm và hội trợ thương mại do Chương trình nhãn Cánh buồm Xanh của tỉnh hỗ trợ; hỗ trợ đăng ký tham gia các các triển lãm xanh, các sự kiện xúc tiến thương mại du lịch tổ chức trong nước và trên quốc tế; Được ưu tiên tiếp đón phục vụ các đoàn khách, các sự kiện của các cơ quan ban, ngành của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh cũng có các biện pháp hỗ trợ về kỹ thuật bao gồm: Hỗ trợ chi phí (một phần hoặc toàn bộ) của nhân viên tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch do các cơ quan ban ngành, trường nghề của tỉnh tổ chức; Hỗ trợ tìm kiếm và mời các đào tạo viên, thẩm định viên đến giúp doanh nghiệp đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ công tác tuyển dụng của đơn vị thông qua các chương trình và mạng lưới cơ sở hỗ trợ lao động và việc làm của tỉnh; Hỗ trợ tìm kiếm và mời các chuyên gia tư vấn đến giúp doanh nghiệp về kỹ thuật, kể cả tư vấn khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp.
Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh tàu thủy du lịch tại Quảng Ninh tham gia còn được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT để đầu tư các phương tiện, trang thiết bị phục vụ thẩm định tiêu chuẩn cấp nhãn sinh thái; miễn/ hoàn trả phí đăng ký tham gia thẩm định và cấp nhãn sinh thái.
Đến nay, hoạt động thí điểm cấp nhãn sinh thái Cánh buồm xanh đã cấp và trao logo chứng nhận Cánh buồm xanh cho 36 tàu thủy du lịch trên Vịnh Hạ Long. Thực tế cho thấy, hiện nay, ở Việt Nam chưa có nhãn sinh thái dành riêng cho tàu thủy du lịch, nhưng Quảng Ninh đã dựa trên các hệ thống nhãn sinh thái về du lịch để xây dựng bộ tiêu chí sinh thái cho tàu thủy du lịch. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước và trong số ít các quốc gia trên thế giới có sáng kiến chứng nhận sinh thái cho tàu thủy du lịch, một loại hình sản phẩm du lịch độc đáo, quan trọng và chiến lược của ngành Du lịch Việt Nam. Đây là thành công của Quảng Ninh trong việc bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững. Trong thời gian tới, các chuyên gia JICA sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội đồng thẩm định cấp nhãn sinh thái Cánh buồm Xanh trong việc quảng bá trong và ngoài nước, mở rộng quy mô cấp nhãn cho các tàu du lịch khác.
Thời gian qua, Quảng Ninh luôn là tỉnh quyết liệt trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ nâu sang xanh. UBND tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về bảo vệ môi trường, trong đó kiên quyết bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, để gìn giữ Hạ Long xanh như: Cấm vận chuyển các loại vật liệu rời, cấm sàng tuyển, bốc rót than trên Vịnh; tổ chức thu gom rác thải, di dời các nhà bè trên Vịnh; quy hoạch các điểm dân cư làng chài; tuyên truyền cho các chủ tàu, các đơn vị hoạt động du lịch và du khách nâng cao nhận thức, tuân thủ luật pháp về bảo vệ môi trường...
HẢI HẬU
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh