18:42 27/04/2024 Những năm qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) đã được Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo triển khai quyết liệt góp phần kiềm chế tối đa tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án diễn biến rất phức tạp, khó lường, tính chất ngày càng manh động, tàn ác, vô nhân tính, gây bức xúc trong dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong Nhân dân…
Diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng
Qua 5 năm (2018-2023) triển khai, Luật VK, VLN, CCHT đã đạt được những kết quả rất tích cực trong công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ tổ quốc, giữ gìn ANQG, bảo đảm TTATXH, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, Bộ Công an đã phát huy vai trò nòng cốt, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, 5 năm qua, triển khai Luật VK, VLN, CCHT, các lực lượng chức năng đã đấu tranh phát hiện, bắt giữ gần 19.400 vụ, bắt trên 31.000 đối tượng vi phạm về VK, VLN, CCHT. Riêng tội phạm chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ (dao, kiếm …), linh kiện để lắp ráp là 14.804 vụ (chiếm 76%), bắt 22.532 đối tượng (chiếm 72,6%); tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép linh kiện để lắp ráp vũ khí là 743 vụ (chiếm 3,8%), bắt 745 đối tượng (chiếm 2,4%). Như vậy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ và sử dụng các loại dao gây án tiếp tục diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Theo phân tích, đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự thì các đối tượng bị bắt giữ trong các chuyên án điển hình về VK, VLN, CCHT chủ yếu có độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi, không có công ăn, việc làm ổn định, có hiểu biết về công nghệ thông tin và cơ khí để tiến hành chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép VK, VLN, CCHT trên không gian mạng, sử dụng dịch vụ bưu chính. Đối tượng vi phạm thường tập trung ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT hoặc khu vực biên giới.
Đáng chú ý, hiện nay nổi lên tình trạng các nhóm đối tượng, nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí tự chế như dao, kiếm, mã tấu... để đâm chém, giải quyết mâu thuẫn cá nhân, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công cụ, diễn biến phức tạp tại một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước tình hình đó, Công an các địa phương đã quyết liệt vào cuộc, áp dụng linh hoạt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ các đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Điển hình có thể kể đến ngày 22/8/2022, Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự đấu tranh triệt phá thành công chuyên án bắt giữ 13 đối tượng, thu giữ 366 khẩu súng các loại.
Trong đó, có 12 khẩu súng có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng; 46 khẩu súng CCHT, 308 khẩu súng xếp loại đồ chơi nguy hiểm cùng các loại thiết bị, máy móc dùng để gia công, chế tạo lắp ráp súng.
Tiếp đến, ngày 17/3/2023, Công an tỉnh Đồng Nai tập trung xoá phá chuyên án bắt 7 đối tượng, thu giữ 18 khẩu súng, 1.059 viên đạn các loại và nhiều máy móc, thiết bị để chế tạo lắp ráp súng. Ngày 2/4/2023, Công an tỉnh Thanh Hoá phá chuyên án bắt giữ 4 đối tượng về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, CCHT, thu giữ 1 khẩu súng AK, 216 khẩu súng các loại, 79 viên đạn quân dụng, 40 kg đạn bi sắt, 1,5 tấn đạn chì, 700 kg kim loại chì và máy móc, thiết bị dụng cụ dùng để sản xuất đạn chì.
Hay ngày 28/7/2023, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ 31 đối tượng về hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, thu 4 khẩu súng ngắn, 1 quả nổ tự chế, 1 bình xịt hơi cay, 1 áo chống đạn và 3 con dao…
Yêu cầu bức thiết cần phải nghiên cứu, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT
Qua phân tích, đánh giá của lực lượng chức năng cho thấy hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép VK, VLN, CCHT, linh kiện lắp ráp VK, CCHT trên không gian mạng, dịch vụ bưu chính vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu diễn ra ở các tỉnh, thành phố lớn, địa bàn phức tạp ANTT. Các đối tượng đã triệt để lợi dụng mạng xã hội để tiến hành kết nối, hình thành các đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển trái phép VK, VLN, CCHT với số lượng lớn, liên tỉnh.
Các đối tượng có nhu cầu mua, sử dụng vũ khí, công cụ để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như trưng bày, phục vụ sở thích (tò mò cá nhân), phòng thân, phô trương thanh thế, khoe khoang trên mạng, sử dụng làm hung khí gây án, hoặc mua đi bán lại để kiếm lời từ đó đủ để hình thành “thị trường” mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Trong khi đó, việc quảng cáo, giao dịch mua bán VK, CCHT, hướng dẫn lắp ráp, chế tạo, gia công cải tạo các loại súng thông qua các kênh mạng xã hội thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Việc sử dụng các hình thức liên lạc, thanh toán, vận chuyên qua sim rác, tài khoản ảo bưu chính, thu hộ không có sự xác thực thông tin cá nhân dẫn đến các đối tượng có thể che giấu thông tin; việc kiểm soát hàng hóa vận chuyển (qua bưu chính, qua vận tải hàng hóa, dịch vụ thu hộ...) còn nhiều sơ hở để các đối tượng lợi dụng hoạt động đang là những vấn đề đặt ra trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực này.
Từ thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến VK, VLN, CCHT cho thấy, đây là loại tội phạm có “độ ẩn” cao, luôn có sự đề phòng, cảnh giác, lợi nhuận thu được lớn. Một số đối tượng có thể tự học, nghiên cứu theo các hướng dẫn trên mạng xã hội để mua các linh kiện về chế tạo, sản xuất để bán kiếm lời dễ dàng.
Trong khi đó, công tác xử lý hành vi phạm tội lại gặp không ít khó khăn, khó xử lý hình sự nếu không phải vũ khí quân dụng hoặc vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.
Đã vậy, các đối tượng lại vô cùng xảo quyệt. Để đối phó với lực lượng chức năng, chúng thường chia nhỏ các bộ phận, linh kiện ra tiến hành gửi nhiều lần gây khó khăn cho công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý.
Đáng quan ngại hơn là chế tài xử lý hiện còn gặp nhiều khó khăn, không tương xứng với hành vi vi phạm, phạm tội của đối tượng, chủ yếu là xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa…
Nguyên nhân của thực trạng trên là do Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT chưa quy định cụ thể về các loại vũ khí tương tự vũ khí quân dụng (súng bắn hơi ga, hơi cồn, sử dụng khí nén); quy định về quản lý của các loại linh kiện chế tạo, sản xuất VK, CCHT nên các đối tượng đã triệt để lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ và linh kiện để lắp ráp vũ khí.
Nếu các hành vi phạm tội nêu trên không được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANQG, TTATXH.
Thực tiễn nêu trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết cần phải nghiên cứu, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT nhằm góp phần bảo đảm giữ vững ANTT trong tình hình mới.
Khánh Chi
16:33 22/12/2024
14:01 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết