22:48 07/12/2023 Vào thời điểm giao mùa, thời tiết trở nên “khó chịu” hơn khi nóng – lạnh, nắng – mưa thất thường khiến cơ thể con người chưa kịp thích nghi ngay nên rất dễ mắc bệnh. Đặc biệt, đối với người cao tuổi, khi hệ miễn dịch đã suy giảm thì nguy cơ mắc bệnh khi thời tiết giao mùa thường chiếm tỉ lệ cao hơn. Vì thế, vào những ngày này, người cao tuổi cần phải tăng cường sức khỏe để phòng tránh bệnh tật.
Thời gian qua, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tiếp nhận nhiều trường hợp người cao tuổi nhập viện, trong đó, chủ yếu các bệnh lý về hô hấp: viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; tăng huyết áp, suy tim, tai biến mạch máu não, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng,…; đáng chú ý có một số người bệnh ở nhà mắc bệnh nhưng do chủ quan không đi khám nên đã tự mua thuốc về dùng, chỉ đến khi bệnh nặng lên mới nhập viện.
Mỗi ngày, tại Khoa khám bệnh Bệnh viện Kiến An tiếp nhận hàng chục bệnh nhân cao tuổi đến thăm khám, trong đó các bệnh chủ yếu là bệnh tim mạch và bệnh đường hô hấp, đau nhức xương khớp.
Trời lạnh là yếu tố bất lợi với người mắc bệnh tăng huyết áp, đặc biệt là người cao tuổi. Khi nhiệt độ thấp khiến các mao mạch co lại, huyết áp đột ngột tăng cao, dễ gây các biến chứng đột quỵ.
Các bác sĩ Bệnh viện Kiến An chia sẻ, sự thay đổi huyết áp do thời tiết phổ biến hơn ở người trên 65 tuổi. Do đó người bệnh cần chú ý tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim...
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới và 80% số này là người bị tăng huyết áp. Điều đáng nói, bệnh nhân đột quỵ tăng 15 - 20% vào mùa đông; khoảng 60 - 70% bệnh nhân bị đột quỵ vào nửa đêm và sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều.
Theo các chuyên gia y tế, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời. Hàng năm, trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
Điển hình trường hợp cụ N.T.H., 82 tuổi, tại địa chỉ tại xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp đã được lập sổ mạn tính nhưng dùng thuốc không đều, bệnh nhân ở nhà thì đột ngột có biểu hiện cấm khẩu không nói được, toàn thân tê liệt được người nhà đưa vào cấp cứu tại bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp.
Sau khi làm các xét nghiệm và chụp CT scanner sọ não, chụp cộng hưởng từ sọ não và được Hội chẩn kết luận bệnh nhân bị nhồi máu não diện rộng bán cầu đại não trái. Hiện tại bệnh nhân vẫn đang được điều trị tích cực đồng thời phục hồi chức năng hạn chế di chứng của tai biến.
Theo các chuyên gia y tế, những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não chủ yếu do tâm lí chủ quan không dùng thuốc, khi thấy cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt tự mua thuốc điều trị nên khi điều trị không đúng dẫn đến bệnh nặng hơn nhất là vào thời điểm giao mùa như hiện nay.
Do đó ở những gia đình có người cao tuổi nên trang bị một máy đo huyết áp, đường huyết… tự theo dõi sức khỏe tại nhà và người thân nên quan tâm chú ý đến sức khỏe cho người cao tuổi, khi thấy có các dấu hiệu bất thường cần đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám tư vấn và điều trị kịp thời.
Tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hoặc tự ý mua thuốc theo đơn cũ khi chưa đi thăm khám lại. Không được lấy đơn thuốc của người khác có biểu hiện bệnh như mình để mua thuốc tự điều trị bệnh cho mình.
TS.BS Đỗ Mạnh Thắng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho biết, Người cao tuổi sức khỏe ngày càng yếu dần do vậy, các chức năng của cơ thể cũng suy giảm, hệ miễn dịch giảm làm cho các khớp cứng lại, khó vận động như: cổ tay, ngón tay, cổ chân, ngón chân, khớp gối, đau cổ, vai, gáy,... sự suy giảm chức năng ở mỗi người cao tuổi thường không giống nhau.
Phần lớn người cao tuổi dễ mắc bệnh khi tuổi càng cao, bệnh mạn tính cũng hay bị tái phát vào mùa lạnh do suy giảm chức năng đề kháng của cơ thể và các bệnh cũng theo đó mà phát sinh.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo trong những ngày thời tiết rét đậm kéo dài, mọi người, nhất là người cao tuổi luôn phải mặc ấm, hạn chế tối đa việc ra ngoài vào ban đêm hoặc dậy sớm tập thể dục khi ngoài trời lạnh sâu. Tránh những nơi gió lùa, không nên thay đổi cơ thể nóng lạnh đột ngột.
Ngoài ra, nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc mới ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, nhất là bữa sáng. Thêm vào đó, ăn nhiều rau xanh, hoa quả; sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia... Riêng với người bị tăng huyết áp, cần tuân thủ lối sống khoa học, kiểm soát tốt chỉ số huyết áp nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra.
Không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh khi chưa được thăm khám và tư vấn của bác sĩ. Những người mắc bệnh mãn tính như: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... tuyệt đối tuân thủ y lệnh của bác sĩ trong quá trình theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc điều trị bệnh tại nhà.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc các bệnh về đường hô hấp cần đưa người cao tuổi đến cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán bệnh. Đồng thời xác định các bệnh căn bệnh kèm theo để có hướng điều trị thích hợp. Nếu điều trị sớm các bệnh về đường hô hấp sẽ giúp kiểm soát và loại bỏ nhanh chóng bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm.
VŨ DUYÊN
15:49 22/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết