18:30 06/01/2022 Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, toàn ngành Công thương thành phố Hải Phòng đã nỗ lực, nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết, chương trình của Chính Phủ, Thành ủy, các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND thành phố về phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn. Nhờ vậy, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp năm 2021 ước tăng 18,15% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Sở Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt 587.730,9 tỷ đồng, tăng 22,85% so với cùng kỳ. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP ước đạt 42,8%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 50%. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 ước tăng 18,15% so với năm 2020.
Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với năm trước và đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành như sản xuất hóa chất tăng 98,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 76,09%; may trang phục tăng 56,07%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 43,96%; sản xuất săm, lốp cao su tăng 38,62%; sản xuất phân bón tăng 21,75%; sản xuất giày dép tăng 21,74%...
Một số sản phẩm năm 2021tăng cao so với cùng kỳ như cửa gỗ, cửa ra vào bằng gỗ tăng 224,42%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại tăng 191,08%; giấy và bìa nhăn tăng 100,48%; xe có động cơ chở dưới 10 người tăng 76,09%; màn hình tăng 74,54%; quần áo các loại tăng 54,25%; sổ sách, vở giấy thếp tăng 44,09%; máy hút bụi các loại tăng 51,21%; nến, nến cây tăng 44,08%,...
Theo đánh giá của Sở Công thương, năm 2021, mặc dù dịch Covid -19 diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như ở Việt Nam, thành phố Hải Phòng vẫn cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nên tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành công thương trên địa bàn vẫn có bước tăng trưởng ổn định, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thống kê cho thấy, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26.509,8 triệu USD, tăng 23,99% so với cùng kỳ (trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 23.760,4 triệu USD, tăng 25,29% so với cùng kỳ); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25.767,9 triệu USD, tăng 25,84% so với cùng kỳ (trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 21.327,25 triệu USD, tăng 26,48% so với cùng kỳ). Cán cân thương mại hàng hóa của thành phố thặng dư 741,9 triệu USD.
Thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Hải Phòng tiếp tục được duy trì ở 133 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trao đổi thương mại hàng hóa của Hải Phòng với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (82%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của Hải Phòng. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu, chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả thành phố. Tiếp đến là Hồng Kông (13%), ASEAN (12%); Nhật Bản (9%), Trung Quốc (7%). Ước trị giá xuất nhập khẩu giữa Hải Phòng với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ (6%), châu Âu (8%), châu Đại Dương (0.3%) và châu Phi.
Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 còn có thể kéo dài. Đối với thành phố, sự ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện, sự lan tỏa của cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã ký kết hoặc tham gia sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho phát triển kinh tế xã hội thành phố nói chung, nhất là phát triển công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; thành phố phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, trong đó rủi ro lớn nhất vẫn là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Trong năm 2022, ngành Công thương thành phố phấn đấu đạt mục tiêu chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 19 – 20%; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010)đạt720.117,5 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 31.000 triệu USD; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 30.770 triệu USD….
Để đạt được những chỉ tiêu này, toàn ngành Công thương tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống. Tăng cường nắm bắt tình hình doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, tham mưu cho thành phố cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp…
LIÊM ĐOÀN
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế