Chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cho trẻ lúc giao mùa

    09:55 20/04/2024

    Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, 3 tháng đầu năm nay, số trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng cao nhất là một số bệnh tay - chân - miệng, tiêu chảy, sốt virus… Cụ thể, toàn thành phố ghi nhận 51 ca bệnh tay - chân - miệng; 26 ca thủy đậu; 154 ca cúm. Ngoài ra, tại các cơ sở y tế còn ghi nhận hàng trăm ca trẻ mắc tiêu chảy và hàng chục ca mắc hội chứng lỵ...

    Các chuyên gia y tế nhận định, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều trẻ mắc bệnh truyền nhiễm như hiện nay là do thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển trong khi cơ thể trẻ không kịp thích nghi, bị nhiễm bệnh rồi lây cho trẻ khác trong lúc đi học, đi chơi, sinh hoạt ngoài cộng đồng. Đặc biệt, có 12 bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa xuân - hè gồm: sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm da, sởi, viêm não, cúm, hen suyễn, nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi, quai bị, sốt phát ban, tiêu chảy.

    Hiện, “nóng” nhất vẫn là bệnh tay - chân - miệng, đỉnh điểm từ tháng 3 đến tháng 5. Bệnh rất thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Một số dấu hiệu và triệu chứng nhận biết là: Sốt, đau họng, tổn thương loét đỏ và đau ở miệng, sẩn hồng ban không ngứa. Ở một số nơi như lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đôi khi có bóng nước, trẻ thường quấy khóc, bỏ bú và biếng ăn… Riêng sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do siêu vi Dengue gây ra thông qua vết đốt của muỗi vằn cái mang mầm bệnh.

    Đây là bệnh nguy hiểm vì chưa có vắc-xin phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, sau khi khỏi, trẻ vẫn có thể bị mắc lại. Bên cạnh đó, bệnh ho gà do vi khuẩn Bordetella pertussis xâm nhập vào đường hô hấp của cơ thể. Trẻ bị nhiễm khuẩn thường có những cơn ho dữ dội không kiểm soát và khó thở. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm vắc-xin.

    3 tháng đầu năm 2024, số trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng so với cùng kỳ

    Trước tình trạng số trẻ mắc bệnh truyền nhiễm gia tăng nói trên, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế, nhất là hệ thống y tế dự phòng tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã tiếp nhận đủ 10 loại vắc-xin trong hoạt động tiêm chủng định kỳ hằng tháng và tiêm chủng bù mũi cho trẻ nhập học đầu cấp năm học 2023 - 2024; hỗ trợ chuyên môn tiêm chủng viêm gan B sơ sinh tại các bệnh viện và giám sát, tiếp nhận thông tin, hỗ trợ các đơn vị trong quá trình triển khai tích hợp thông tin lên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.

    Trung tâm còn phối hợp với y tế các quận, huyện phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mùa đông - xuân ở các lứa tuổi.

    Bên cạnh đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh toàn địa bàn thành phố đang tập trung thực hiện phân loại sàng lọc bệnh truyền nhiễm; khám, chẩn đoán phát hiện sớm các ca bệnh sởi, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo đồng thời chủ động về thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị điều trị cho người bệnh.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông