16:41 27/08/2023 Ung thư luôn là mối quan tâm hàng đầu về gánh nặng bệnh tật của ngành y tế và toàn xã hội. Nếu phát hiện bệnh muộn khiến chi phí điều trị tốn kém, gây đau đớn về thể xác, tinh thần cho cả người bệnh và gia đình. Vì vậy, chủ động phát hiện sớm ung thư sẽ giúp người bệnh giành lợi thế trong “cuộc chiến” cam go này.
Không phải ngẫu nhiên, ung thư được Bộ Y tế xếp vào nhóm các bệnh hiểm nghèo. Một người mắc ung thư ở giai đoạn nặng có thể phải tạm dừng mọi hoạt động trong đời sống để tập trung điều trị, bởi bệnh đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Hơn thế, không chỉ bản thân người mắc bệnh mà gia đình họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự hoành hành của căn bệnh này.
Bên cạnh những tổn hại về sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người bệnh và người thân, chi phí điều trị ung thư vẫn luôn là gánh nặng lớn của người dân toàn cầu, nhất là với nước đang phát triển như Việt Nam.
Theo thông tin ghi nhận, một bệnh nhân ung thư ở giai đoạn nặng có thể tiêu tốn hàng tỷ đồng mỗi năm cho chi phí điều trị bệnh. Điển hình như các phương pháp xạ trị, hóa trị và đặc biệt điều trị đích ung thư (sử dụng thuốc làm hạn chế sự tăng trưởng và lan rộng của khối u) rất tốn kém, không phải người bệnh nào cũng có khả năng chi trả. Bởi vậy, nhiều gia đình phải phó mặc tính mạng cho số phận mà không thể tiếp tục lộ trình điều trị.
Chị Vũ Thu Hiền, phường Nam Sơn, quận Kiến An, chia sẻ: “Bố tôi phát hiện ung thư vòm họng vào giai đoạn cuối. Chứng kiến bố tôi đau đớn về thể xác, tóc rụng, nôn ói, không thể ăn uống trong những đợt xạ trị, lòng tôi cũng đau như cắt, tinh thần suy kiệt, chẳng thể tập trung làm việc gì được.
Không ít trường hợp phát hiện ung thư khi ở giai đoạn muộn và kết thúc bằng 2 chữ “giá như”, điển hình như câu chuyện buồn trong gia đình anh P.V.B. tại quận Lê Chân.
Anh B. chia sẻ: Gia đình tôi có bố mắc ung thư phổi đã mất. Nỗi buồn chưa nguôi ngoai, anh cả và anh hai của tôi đồng thời phát hiện bị ung thư phổi. Tuy nhiên, khối u được phát hiện muộn và đã di căn não. Hai anh ra đi lần lượt vào năm 2021 và 2022. Đó là cú sốc lớn nhất của gia đình tôi. Lúc này, rất nhiều sự tiếc nuối đặt ra khi gia đình đã có tiền sử ung thư nhưng lại chủ quan và không tầm soát phát hiện bệnh sớm hơn.
Liên tiếp mất đi những người thân yêu nhất, không khí gia đình anh B. một thời gian dài bao trùm sự u buồn. Vượt qua được giai đoạn khó khăn, cả gia đình động viên anh B. chủ động đi tầm soát ung thư ngay lập tức để không đi theo “vết xe đổ” của bố và hai anh trai.
Theo các chuyên gia y tế, nhiều người dân mặc định nghĩ rằng ung thư là “bản án tử”. Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của y học, ung thư hoàn toàn có thể phát hiện sớm và điều trị hiệu quả”. Trong “cuộc chiến” chống ung thư cam go, “thắng” hay “thua” nằm ở hai chữ “sớm”, “muộn”. Chính vì vậy, chủ động tầm soát ung thư sớm là cực kỳ quan trọng.
Theo thống kê của Hội Ung thư Việt Nam, tỷ lệ phát hiện sớm tương đối thấp, khoảng 60-70% số người bệnh mắc ung thư được phát hiện ở giai đoạn tiến triển - tiên lượng thời gian sống thêm của người bệnh giảm đi nhiều. Trong khi đó, để điều trị bệnh ung thư thể nặng, người bệnh có thể tiêu tốn hàng tỷ đồng mỗi năm với các giải pháp như xạ trị, hóa trị, điều trị đích, điều trị giảm nhẹ, sử dụng thuốc để hạn chế sự lan rộng của khối u… Đây là số tiền lớn mà không phải người bệnh nào cũng có khả năng chi trả.
Số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho thấy, năm 2021 trên thế giới có 20 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và có 10 triệu người tử vong do căn bệnh này. Còn tại Việt Nam, tình trạng người mắc ung thư đang trở nên đáng báo động khi cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới và 106 người tử vong do ung thư. Điều này ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của con người. Chính vì thế, tầm soát ung thư là việc làm quan trọng cần được thực hiện định kỳ.
Tại Hải Phòng, theo thống kê của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp ghi nhận ung thư năm 2019 có 6.030 người bệnh đang khám và điều trị, trong đó có 974 ca mắc mới. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) tiếp nhận và điều trị nội trú khoảng hơn 21 nghìn lượt người bệnh; khám và cấp thuốc ngoại trú khoảng gần 2 nghìn người bệnh; phẫu thuật hơn 800 người bệnh.
Đáng lo ngại, tỷ lệ người bệnh ung thư ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng cao do môi trường sống ngày càng ô nhiễm, thói quen sống không khoa học. Các bệnh ung thư thường gặp như: ung thư gan, phổi, vú, dạ dày, tuyến tiền liệt, tuyến giáp…
Ung thư có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đáng lo ngại hiện nay tỷ lệ ung thư ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng cao, cùng với đó là phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn do vấn đề tâm lý chủ quan của người trẻ đã dẫn đến là kết quả điều trị rất kém.
Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm điều trị kịp thời hầu hết lại có thể chữa trị khỏi. Chính vì vậy, chiến lược sàng lọc phát hiện sớm ung thư luôn được Ngành Y tế coi trọng và đầu tư phát triển.
TS.BS Đỗ Mạnh Thắng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp chia sẻ, việc tầm soát phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu mang lại hiệu quả điều trị cao, giúp kéo dài thời gian sống và thậm chí có thể khỏi bệnh hoàn toàn.
Việc nhận biết ung thư ở giai đoạn sớm giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn, giảm thiểu thời gian điều trị, từ đó, chi phí điều trị đỡ tốn kém hơn rất nhiều khi phát hiện ở giai đoạn muộn và phải sử dụng đến các phương pháp điều trị phức tạp kéo dài hàng năm trời.
Khi người bệnh phát hiện các dấu ấn có nguy cơ gây ung thư tiềm tàng trong cơ thể, người dân được bác sĩ cảnh báo kịp thời, được tư vấn thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng phù hợp và có ý thức chủ động kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn.
VŨ DUYÊN
15:49 22/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết