11:11 10/07/2017
Công an Quảng Ninh phối hợp điều tra tội phạm công nghệ cao
Từ đầu năm 2016 đến nay, riêng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác lập, phá thành công 5 chuyên án và khởi tố điều tra 10 vụ án, 29 bị can sử dụng công nghệ cao phạm tội. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của loại tội phạm này trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, công tác điều tra truy bắt đối tượng và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt gặp nhiều khó khăn.
Một trong những phương thức phổ biến của bọn tội phạm là thông qua mạng xã hội như facebook, zalo, twitter… để nhắn tin làm quen kết bạn, tạo sự tin tưởng. Tiếp đó, chúng viện lý do đang là quân nhân trong quân đội Mỹ, đóng quân ở Afganistan, hoặc chụp ảnh nằm viện do bị tai nạn, đang có một khoản tiền lớn trong ngân hàng nhưng không có người thân thụ hưởng, muốn chuyển làm từ thiện ở Việt Nam và nhờ bị hại nhận hộ. Theo đó, người nhận sẽ được hưởng 50%...
Khi nạn nhân chấp thuận, chúng giả kịch bản quà tặng đến cửa khẩu Việt Nam thì bị Hải quan tạm giữ do gửi chưa đúng quy định. Nếu muốn nhận quà phải nộp một số khoản phí vận chuyển, phí hải quan, phí bảo hiểm, phí chống rửa tiền và hướng dẫn các “con mồi” số tài khoản do chúng cung cấp...
Điển hình là vụ Trần Thị Bích Tuyền, sinh 1982, ở ấp Bình Ninh, xã Bình Phú, quận Gò Công Tây, Tiền Giang lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị Đặng Thị M., sinh 1968, ở TP Hạ Long. Đầu năm 2017, M. kết bạn qua facebook với một người đàn ông sử dụng tài khoản là “Patrick Paul”. Theo tâm sự, hiện anh ta đang trong quân đội Mỹ đóng tại Afghanistan và được cơ quan an ninh Mỹ cho 1,2 triệu USD, Patrick Paul muốn nhờ chị nhận hộ tại Việt Nam để trốn thuế, đồng thời mong muốn hỗ trợ cho chị M. số tiền này để trang trải trong cuộc sống.
Sau khi có một số thông tin về chị M. như số điện thoại, ngày tháng năm sinh, địa chỉ số tài khoản, Patrick Paul thông báo đã chuyển quà qua một công ty chuyển tiền, 3 ngày sau sẽ có người mang đến tận nhà cho chị. Ngày 3-5, Trần Thị Bích Tuyền gọi điện cho chị M., giới thiệu tên Hiền Thu, là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất và yêu cầu chị nộp tiền để nhận quà. Quá nhẹ dạ, chị M. đã chuyển tiền vào tài khoản Ngân hàng BIDV (Chi nhánh Tây Ninh) mang tên Ngô Thị Anh Thư 5 lần với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Mỗi lần chuyển tiền, đối tượng đều đưa ra lý do khác nhau như: nộp phí chuyển hàng, phí hải quan sân bay, phí thuê luật sư để làm giấy tờ chứng minh là tiền sạch do số lượng tiền gửi trong gói quà rất lớn.
Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Quảng Ninh qua điều tra đã làm rõ Trần Thị Bích Tuyền sống lang thang, chuyên giả danh để lừa đảo. Năm 2015, đối tượng chơi hụi và cho người khác vay nặng lãi dẫn đến vỡ nợ nên đã bỏ trốn khỏi địa phương, sau đó xuất cảnh sang Malaysia và quen một số đối tượng người Việt tại đây. Đám này đã cho Tuyền những thông tin về chị M. và ả đã dựng lên màn kịch hoàn hảo đưa M. vào bẫy. Được biết, Tuyền đã lừa đảo tiền, tài sản của nhiều bị hại khác trên cả nước.
Ngoài thủ đoạn trên, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng điện thoại gắn sim rác, xưng danh là cán bộ điều tra đe dọa để nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Một số tên giả mạo cán bộ ngân hàng gọi điện hoặc nhắn tin cho bị hại thông báo khách hàng có giao dịch chuyển tiền vào tài khoản nhưng giao dịch bị treo và yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tên đăng nhập, mật khẩu dịch vụ Internet banking và mã OTP để nhận tiền. Từ những thông tin trên, chúng thực hiện hành vi rút tiền có trong tài khoản của họ thông qua giao dịch Internet banking...
Có vụ cả nhóm đối tượng từ 2 đến 5 người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam dưới hình thức du lịch, cài đặt thiết bị công nghệ thông tin đánh cắp thông tin, mật khẩu thẻ của khách hàng sau đó sao chép thông tin vào thẻ giả để rút, chiếm đoạt tiền tại các máy ATM vào thời điểm người bị hại ít để ý đến tin nhắn do Ngân hàng thông báo tài khoản có giao dịch như khi chơi thể thao, ăn tối, xem thời sự, hoặc từ 23h ngày hôm trước đến sáng ngày hôm sau.
Qua điều tra, số tiền mà người bị hại gửi vào các ngân hàng do đối tượng cung cấp là những tài khoản chúng thuê người khác lập, sử dụng và chuyển qua các tài khoản khác (chủ yếu chúng rút tiền ở nước ngoài và các tỉnh biên giới ở khu vực biên giới Tây Nam). Hầu hết đối tượng chính ở nước ngoài nên rất khó khăn trong quá trình điều tra mở rộng, truy bắt đối tượng, số tài sản bị chiếm đoạt thường khá lớn song gần như không còn khả năng thu hồi.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, hiện Công an tỉnh đang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo hệ thống các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh có các giải pháp, biện pháp phòng, chống hữu hiệu đối với các hành vi trộm cắp thông tin của khách hàng tại các máy ATM; tăng cường kiểm soát các giao dịch trong thời điểm bọn tội phạm thường lợi dụng hoạt động; đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh để tuyên tuyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, nhằm nâng cao cảnh giác cho người dân.
Minh Châu
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Phòng An ninh kinh tế - CATP: Phát hiện, xử lý vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường
Chuyên mục luật phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh