Đăng ký đất đai là quy định bắt buộc

21:22 18/05/2014

 

Việc đăng ký biến động đất đai hiện đang được thực hiện tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp và tại các quận, huyện

Việc đăng ký biến động đất đai hiện đang được thực hiện tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất

một cấp và tại các quận, huyện

Đất đai là một nguồn tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia và trở thành một loại tài sản không thể thiếu, có giá trị to lớn đối với mỗi cá nhân và cộng đồng. Để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước nắm chắc thông tin và quản lý chặt chẽ toàn bộ đất đai theo pháp luật, từ đó đưa ra những biện pháp quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, Luật đất đai 2013 có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2014 quy định: Mọi đối tượng sử dụng đất, được giao đất để quản lý bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký đất đai.

Trước đây, Luật đất đai 2003 cũng đã quy định về thủ tục đăng ký đất đai, song với mục đích là “ghi nhận quyền sử dụng đất hợp pháp nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất”. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đô thị, sự biến động của đất đai đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và với nhiều hình thức.

Do đó, trong nhiều trường hợp, không phải người sử dụng đất nào cũng đảm bảo đủ các điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Bởi vậy, Luật đất đai 2013 xác định rõ mục đích của việc đăng ký đất đai là “ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính” mà không phải ghi nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của thửa đất đó.

Luật đất đai 2013 cũng mở rộng phạm vi đối tượng đăng ký đất đai, đó là mọi trường hợp sử dụng đất (kể cả không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hay được giao quản lý đất và tài sản gắn liền với đất. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận thì người đang sử dụng đất được sử dụng cho đến khi nhà nước có quyết định xử lý theo quy định. Nội dung đăng ký đất đai được ghi vào sổ địa chính gồm hiện trạng, nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất và các loại giấy tờ khác liên quan đến thửa đất.

Đặc biệt, Luật đất đai sửa đổi bổ sung quy định thời hạn bắt buộc phải đăng ký đất đai, đó là 30 ngày kể từ khi có biến động về đất đai như cho thuê; thế chấp; chuyển quyền; đổi tên; chia tách thửa đất; xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề; trường hợp thừa kế thì tính từ ngày phân chia xong di sản thừa kế. Bên cạnh đó, thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký là kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính để từ đó làm cơ sở xác định quyền và nghĩa vụ của người đăng ký.

Ông Phạm Văn San - quyền Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp, Sở TNMT cho biết thêm: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, sau khi hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương thì luật cũng bổ sung hình thức đăng ký điện tử. Việc đăng ký đất đai qua hệ thống điện tử có giá trị pháp lý như đối với hình thức đăng ký trên giấy. 

Kim Oanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông