16:18 29/06/2022 Ngày 26-4-2022, UBND TP đã ban hành Quyết định số 1233/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Mục tiêu chung mà Quyết định này hướng tới là nhằm phát huy lợi thế phát triển chăn nuôi theo hướng giảm dần chăn nuôi quy mô nông hộ, phân tán sang chăn nuôi quy mô trang trại, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và tác động bất lợi về môi trường, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đồng thời, huy động và đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; hướng tới xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
Trong Quyết định này, thành phố đã xác định các mục tiêu cụ thể phấn đấu thực hiện như sau: Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình giai đoạn 2021-2025 đạt 1,3%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 50% giá trị sản xuất nông nghiệp.
Tổng đàn lợn 250 nghìn con, tổng đàn gia cầm đạt 9,2 triệu con, tổng đàn trâu 3,5 nghìn con, tổng đàn đàn bò 8,37 nghìn con. Phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại 120 nghìn tấn. Tăng quy mô và tỷ trọng chăn nuôi quy mô trang trại đạt 50-55%. 100% trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn đạt cơ sở an toàn dịch bệnh.
Tỷ trọng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn thành phố được giết mổ tập trung đạt 50-60%. 100% cơ sở giết mổ áp dụng dây chuyền bán công nghiệp, công nghiệp.
Đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình giai đoạn 2026-2030 đạt 1,05%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm trên 55% giá trị sản xuất nông nghiệp. Tổng đàn lợn tăng lên đạt 318 nghìn con, tổng đàn gia cầm đạt 9,3 triệu con, tổng đàn trâu 2,8 nghìn con, tổng đàn đàn bò 7,8 nghìn con.
Phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại 133 nghìn tấn. Tăng quy mô và tỷ trọng chăn nuôi quy mô trang trại đạt 60-65%. Tỷ lệ chăn nuôi an toàn dịch bệnh là 50% trang trại chăn nuôi đạt cơ sở an toàn dịch bệnh, 40% vùng chăn nuôi tập trung đạt vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tỷ trọng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn thành phố được giết mổ tập trung 70% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn thành phố được giết mổ tập trung, áp dụng công nghệ giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp…
Phấn đấu đến năm 2045, trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi thành phố Hải Phòng thuộc nhóm đầu của các nước khu vực Đông Nam Á, trở thành ngành sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp từ khâu sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở vật nuôi và các bệnh từ vật nuôi lây nhiễm sang người.
Để thực hiện hiệu quả chiến lược chăn nuôi, thành phố đã xây dựng hệ thống 14 nhóm giải pháp trọng tâm sau: giải pháp về chính sách (đất đai; tài chính, tín dụng; thương mại), khoa học công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi (lợn, gia cầm, bò thịt và một số biện pháp kỹ thuật khác), thức ăn chăn nuôi; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; giải pháp đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi; đổi mới tổ chức sản xuất; tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi và thú y; khuyến nông và thông tin tuyên truyền; liên kết tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, phát triển thương hiệu sản phẩm; bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; các chương trình, đề án ưu tiên sẽ triển khai thực hiện sau khi có hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về huy động nguồn vốn, ngoài nguồn ngân sách nhà nước cấp theo quy định, thành phố sẽ huy động lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, chương trình, kế hoạch, dự án khác cùng nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA (nếu có); tổ chức, cá nhân đầu tư và các nguồn vốn huy động khác.
Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong chăn nuôi, ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực quản lý ngành chăn nuôi, thú y; kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo tồn và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa, quý, hiếm; dự trữ sản phẩm chăn nuôi thiết yếu phù hợp với từng thời kỳ.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi, thú y; chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, thành phố giao Sở NN&PTNT là đơn vị chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn, tổ chức triển khai chiến lược; xây dựng, trình UBND TP phê duyệt kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với Chiến lược phát triển chăn nuôi và ban hành quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2030.
Rà soát, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, phối hợp lồng ghép những chương trình phát triển kinh tế - xã hội để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển sản xuất chăn nuôi trên địa bàn thành phố.
Sở Kế hoạch & Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư các dự án phát triển ngành chăn nuôi theo quy định của Luật Đầu tư.
Riêng Sở Tài chính thì tiến hành tham mưu, trình UBND TP bố trí, cân đối nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước thực hiện Chiến lược trên cơ sở đề án, cơ chế, chính sách theo quy định…
Các Sở, Ban, ngành, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm tham gia, tạo điều kiện thực hiện đề án, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi của thành phố phù hợp với định hướng quy hoạch chung.
Về phía UBND các huyện, quận, căn cứ nội dung chiến lược phát triển chăn nuôi triển khai thực hiện chiến lược; phối hợp Sở NN&PTNT, các sở, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trong quá trình phát triển sản xuất chăn nuôi trên địa bàn. Bố trí quỹ đất tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung, khu chăn nuôi tập trung theo quy hoạch.
Được biết, để từng bước hiện thực hoá chiến lược chăn nuôi của thành phố tại Quyết định trên, Sở NN&PTNT đang tham mưu cho UBND TP triển khai các nội dung sau: Xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2025 phù hợp với Chiến lược phát triển chăn nuôi; xây dựng quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đến năm 2030 (theo dự kiến UBND TP sẽ xem xét, phê duyệt trong tháng 7-2022)…
Khánh Chi
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh