20:43 23/01/2019 Thời gian qua, những tiến bộ trong việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào lĩnh vực chăn nuôi, thú y đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; kiểm soát, khống chế tốt tình hình dịch bệnh không để bùng phát, lây lan ra diện rộng. Vậy kết quả đạt được cụ thể ra sao? Và trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh thì thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ làm gì? Để làm rõ những vấn đề trên, báo ANHP đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phạm Văn Công - Chi cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố.
Tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước
PV: Xin ông cho biết, 5 năm qua (2013-2018), công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào chăn nuôi, thú y được đơn vị triển khai như thế nào? Kết quả đạt được ra sao?
Ông Phạm Văn Công:
Những năm qua, trước những tổn thất không nhỏ do tình hình dịch bệnh gây ra đối với ngành chăn nuôi, khó khăn cho việc kiểm soát VSATTP, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng cộng đồng, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố đã đặc biệt chú trọng đến giải pháp KHCN nhằm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh động vật, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Trong 5 năm, đơn vị đã thực hiện hiệu quả 14 nhiệm vụ nghiên cứu KH, trong đó có 3 nhiệm vụ cấp thành phố, 11 nhiệm vụ cấp cơ sở với tổng kinh phí thực hiện gần 1,2 tỷ đồng.
Cụ thể, ở lĩnh vực chăn nuôi, Chi cục đã tập trung nghiên cứu các giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng các thành tựu KH về giống, công nghệ vi sinh để tạo ra những sản phẩm có lợi thế về ATVSTP; xây dựng các mô hình thực nghiệm nuôi các giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao.
Sau khi được nghiệm thu, kết quả của các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu KH đều được đơn vị áp dụng trực tiếp vào công tác chỉ đạo sản xuất, chuyển giao tới các hộ dân, nhà sản xuất. Tiêu biểu như các giống gà công nghiệp cao sản siêu thịt, siêu trứng, sau khi nuôi khảo nghiệm, chuyển giao vào sản xuất trong các trạng trại đã cho năng suất vượt trội, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phong trào nuôi gà thịt, gà đẻ trứng trên địa bàn thành phố.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ nghiên cứu KHCN vào sản xuất nên ngành chăn nuôi thành phố đang phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại. Đàn gia súc phát triển ổn định, đàn gia cầm tăng trung bình 2,89%/năm (từ 7 triệu con năm 2013 lên 7,988 triệu con năm 2018); giữ ổn định sản lượng thịt hơi ở mức 73.000 - 75.000 tấn/năm.
Đối với lĩnh vực thú y, nhờ ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài “Đánh giá thực trạng các cơ sở giết mổ GSGC trên địa bàn thành phố Hải Phòng và đề xuất giải pháp quy hoạch, quản lý CN theo hướng giết mổ tập trung”, từ một địa phương không có bất cứ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) tập trung nào. Từ năm 2013 trở về trước, hoạt động giết mổ động vật hoàn toàn mang tính tự phát tại 1.580 điểm giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác trong các khu dân cư, đặc biệt là trong đô thị, gây ra tình trạng báo động về vấn nạn mất VSATTP, VSMT. Từ năm 2014 đến nay, toàn thành phố đã xây dựng, đưa vào hoạt động 8 cơ sở giết mổ tập trung.
Từ đó xóa sổ hoàn toàn 518 điểm giết mổ nhỏ lẻ trong các khu dân cư đô thị tại 7 quận nội thành, góp phần quan trọng vào công tác kiểm soát, hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan, đảm bảo vệ sinh thú y, VSATTP, VSMT trên địa bàn thành phố.
Kết quả này thể hiện rõ nhất ở công tác kiểm soát dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn. Nếu như từ năm2012 trở về trước, dịch tai xanh ở lợn là nỗi ám ảnh kinh hoàng, thường xuyên xảy ra, bùng phát thành đại dịch, gây tổn thất lớn cho chăn nuôi lợn của cả nước nói chung, Hải Phòng nói riêng. Đặc biệt, năm 2010 dịch tai xanh bùng phát trên địa bàn thành phố gây thiệt hại kinh tế ước tính 150,3 tỷ đồng. Thì từ năm 2013, nhờ ứng dụng kết quả của đề tài nghiên cứu KH về sự lưu hành, thử nghiệm vắc xin phòng bệnh tai xanh ở lợn, Hải Phòng đã hoàn toàn khống chế được dịch bệnh.
Cùng với việc tăng cường công tác kiểm soát, phải đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN vào công tác ngăn chặn, khống chế dịch bệnh động vật
PV: Trước những diễn biến bất thường của tình hình thời tiết cũng như dịch bệnh trên đàn GSGC và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, thời gian tới đơn vị sẽ làm gì để góp phần phát triển ngành chăn nuôi theo hướng ứng dụng CNC, công nghệ sinh học; tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi?
Ông Phạm Văn Công:
Song song với việc tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu chọn tạo, ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong lai tạo, kỹ thuật tế bào gen, sản xuất giống GSGC mang lại hiệu quả kinh tế cao, phục vụ chế biến, xuất khẩu (như nghiên cứu ứng dụng, hoàn thiện công nghệ sinh sản, đặc biệt là công nghệ tế bào động vật trong đông lạnh tinh, phôi và cấy chuyển hợp tử); Chi cục sẽ chú trọng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực hệ thống xét nghiệm chẩn đoán bệnh GSGC; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng trị dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất chăn nuôi bền vững.
Xây dựng quy trình kỹ thuật, mô hình vùng an toàn sinh học, dịch bệnh đối với một số bệnh quan trọng ở Hải Phòng, mô hình xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo VSMT.
Mặt khác đơn vị cũng làm tốt chức năng quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát VSMT tại các cơ sở chăn nuôi tập trung, trang trại công nghiệp, các cơ sở giết mổ, chế biến thịt GSGC. Phấn đấu đến năm 2020, sản lượng sản phẩm chăn nuôi đảm bảo đáp ứng 75% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố, còn 25% dành cho xuất khẩu...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Khánh Chi thực hiện
17:14 23/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết