Đón xuân cùng những người bám biển gác rừng

22:42 09/01/2025

Chúng tôi đến Vườn Quốc gia Cát Bà đúng thời điểm diễn ra một buổi sinh hoạt tập thể của các cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm. Tất cả đang cùng hát vang một bài ca truyền thống của ngành: “Ta lại lên đường, lên đường tuần tra. Yêu rừng núi quê hương như thể yêu nhà, đường gập ghềnh gian nan đâu có xá, vẫn nở nụ cười vang khúc nhạc tuần tra... Đi ta đi giữa rừng núi quê hương, hiến cả trái tim dòng máu tươi hồng”. Những tiếng hát cất lên từ trái tim, họ đã truyền lửa cho chúng tôi, thắp lên một niềm tin lớn lao về tình yêu rừng, yêu nghề, về quyết tâm kế thừa lịch sử, truyền thống, về khát vọng cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ rừng, bảo vệ màu xanh môi trường và sự bình yên cho biển đảo quê hương.

Vượt lên những khó khăn

Nói đến việc bám biển giữ rừng, hẳn chúng ta đều nhớ và thấm ý nghĩa của câu nói: “Muốn giữ được rừng, trước hết phải giữ được người”. Điều đó tưởng dễ mà không dễ. Là vườn quốc gia có cả rừng cả biển, việc bám biển, giữ rừng của kiểm lâm ở Cát Bà có những điều rất khác.

Phải theo chân các anh đến từng trạm gác mới có thể hiểu được phần nào những vất vả, gian truân ấy. Đoàn chúng tôi đã chọn điểm đến là trạm Giỏ Cùng - trạm kiểm lâm xa và khó khăn nhất ở đây. Có hai cách để đến Giỏ Cùng: đi bộ xuyên rừng hoặc đi bằng xuống máy trên biển. Chúng tôi quyết định đi đường biển, vừa nhanh hơn, lại có thể thỏa sức ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt đẹp của vịnh Lan Hạ.

Xuất phát từ bến Bèo, thoáng chốc làng chài Cái Bèo nức tiếng đã hiện ra trước mắt. Đây chính là làng chài cổ có quy mô lớn nhất nước ta, được hình thành từ thời tiền sử với tuổi đời trên 7000 năm. Cái Bèo là nơi cư trú của ngư dân cổ, là cái nôi văn hoá cổ của hai giai đoạn văn hoá: tiền Hạ Long và Hạ Long. Nghìn đời nay, những ngư dân này vẫn bền bỉ bám biển, tiếp nối nghề biển và nếp sinh hoạt truyền thống của cha ông trên biển. Những người con của biển ấy luôn đủ mạnh mẽ mà vượt qua thách thức, giông gió của cuộc đời, mà từng ngày trụ vững và vươn mình lớn dậy.

Chúng tôi biết, để phù hợp với sự phát triển chung của đất nước, của thành phố này, rất có thể một mai, làng chài mấy ngàn năm tuổi này sẽ chỉ còn trong ký ức. Nhưng kỷ niệm về nó thì còn mãi trong tâm thức chúng tôi, trong tâm thức của tất cả những ai từng đến nơi này. Bởi vậy, chúng tôi đang cố gắng lưu giữ càng nhiều càng tốt những hình ảnh đẹp đẽ, độc đáo và vô cùng ấn tượng về làng chài cổ Cái Bèo.

Đến trạm kiểm lâm Giỏ Cùng, trạm kiểm lâm bè nổi đầu tiên ở Việt Nam, nhân sự chỉ vỏn vẹn có 4 người. Cây me và cây chanh này được trồng để làm gia vị chế biến món ăn. Nhưng dường như ở cái trạm xa xôi và khó khăn như Giỏ Cùng, cây cũng biết đồng cam, biết cộng khổ, biết đồng cảm, biết sẻ chia để mang đến niềm vui cho con người. Cây chanh này, cứ Tết đến là ra trái trĩu cành. Các cán bộ kiểm lâm chỉ cần mua thêm một cành đào trưng cùng nó là đã thấy không khí ấm áp lắm rồi. Mơ ước của họ thật là bình dị.

Giống như nhiều trạm kiểm lâm trên biển  khác, sóng điện thoại ở đây rất yếu, các anh phải cắt ống nhựa để treo điện thoại lên bắt sóng nhưng cũng chập chờn, lúc được lúc không. Nhiều khi có việc quan trọng cần liên lạc với đất liền, phải chạy xuồng về gần đảo mới bắt được sóng. Ở đây, nước ngọt là thứ quý giá vô cùng. Tiêu chuẩn mỗi người 1 tháng chỉ có 1,5m3 nước, nếu dùng hết phải tự bỏ tiền cá nhân để mua.

Việc mua nước cũng không hề dễ dàng, may mắn gặp thì mua được của ngư dân đi qua, bằng không buộc phải chạy xuồng rất xa hàng chục cây số. Cả đi và về, riêng tiền xăng đã mất tới vài trăm ngàn đồng. Bởi vậy, anh em thường tắm nước biển rồi lên tráng nước ngọt, bằng cách ngồi vào chậu để sau đó lấy nước tưới cây, dọn rửa vệ sinh. Nước ngọt ở đây được tận dụng một cách tối đa.

Cùng với nước ngọt, rau xanh cũng là thứ rất quý ở trạm kiểm lâm này. Trạm không có tủ lạnh, không dự trữ được rau xanh, các anh tranh thủ trồng được một chút trên bè. Sau mỗi buổi tuần tra, những bữa ăn với bát mì tôm thiếu rau như thế này đã quá quen thuộc rồi.

Để cải thiện bữa ăn hàng ngày, các anh thường tranh thủ những phút nghỉ ngơi hiếm hoi để câu cá. Câu cá không chỉ là thú vui sau những giờ tuần tra vất vả, mà còn là cách để tiết kiệm tiền mua thức ăn. Những loài thủy hải sản này được lưu giữ trong chiếc tủ lạnh thiên nhiên giữa biển, phòng khi cơ nhỡ hoặc khi biển động vẫn có thực phẩm, đảm bảo sức khỏe mà thực thi nhiệm vụ bám biển, giữ rừng.

Có trực tiếp đến đây, trực tiếp chứng kiến cuộc sống thường nhật của chiến sỹ kiểm lâm như thế này, mới thấy được sự hi sinh của các anh lớn đến nhường nào. Thế nhưng, kể cả đối với người đã có hàng chục năm sống và làm việc ở nơi bao la trời nước này, thì những thiếu thốn vật chất ấy có là gì so với những nỗi lo, những vất vả, nhọc nhằn và thách thức khác.

Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thiết chia sẻ: “Khó khăn nhất đối với chúng tôi là nước ngọt và nỗi sợ lớn nhất chính là mưa bão, biển động dài ngày dẫn đến thiếu nước ngọt. Một vùng quản lý với địa hình đặc biệt, vừa biển vừa rừng, sóng điện thoại không ổn định. Rồi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ đất liền, những lo lắng khi mình đi công tác xa mà vợ con, cha mẹ đau ốm hay gia đình xảy ra những việc hệ trọng”. Từng ngày, từng giờ đối mặt với những gian khổ, khó khăn là thế, nhưng những cán bộ kiểm lâm nơi đây vẫn luôn đoàn kết, quyết tâm khắc phục, vượt qua mọi trở ngại để sống với rừng, bảo vệ rừng.

Để làm tốt nhiệm vụ của mình, trước mỗi cuộc tuần tra, các anh luôn thực hiện việc hội ý cùng nhau và trao đổi thông tin với ngư dân. Việc trao đổi thường xuyên với người dân như thế giúp các anh nắm bắt kịp thời, sát sao tình hình khu vực được quản lý, từ đó thống nhất phương án tuần tra, kiểm soát địa bàn. Dựa vào dân với các anh là bài học luôn luôn khắc cốt ghi tâm.

Canh loài thú quý

Trạm Giỏ Cùng phụ trách quản lý 3.109 ha rừng và mặt nước với 7 tuyến trên đảo, 3 tuyến dưới nước, thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Cát Bà. Giữa vùng vịnh lặng sóng, việc tuần tra tưởng nhàn hạ nhưng lại tiềm ẩn không ít thách thức, hiểm nguy. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, vát vả, song toàn trạm luôn làm tốt nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, biển, song song với việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con ngư dân và khách du lịch thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái rừng và biển.

Cuộc đấu tranh bảo vệ rừng, bảo vệ biển luôn diễn ra âm thầm nhưng đầy cam go, phức tạp. Song, bằng trách nhiệm và lòng yêu nghề, những chiến sỹ này vẫn ngày đêm thầm lặng gắn bó với rừng, bảo vệ tốt nhất nguồn tài nguyên đa dạng, quý giá của Khu dự trữ sinh quyển thế giới này, trong đó có loài Voọc Cát Bà - loài linh trưởng quý hiếm trong sách Đỏ thế giới, luôn được cảnh báo nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ nguy cấp. Một trong nhiều công việc hàng ngày của các anh là phải giám sát, bảo vệ loài linh trưởng này.

Theo chân các cán bộ kiểm lâm, thật may mắn, chúng tôi đã gặp và thu vào ống kính những hình ảnh độc đáo, đẹp đẽ của loại Voọc quý hiếm. Không có bất cứ nơi nào khác trên hành tinh của chúng ta có được loài Voọc Cát Bà như ở Cát Bà. Có lẽ, bởi đây là nơi duy nhất mà loài linh trưởng này có thể thích nghi.

Voọc Cát Bà, loài linh trưởng quý hiếm của thế giới (ảnh Vũ Lâm)

Bằng bản năng tự nhiên nhất, Voọc đầu trắng đã chọn những khu rừng trên những dãy núi đá vôi cheo leo kia mà bám trụ. Đây là quê hương của chúng. Chỉ ở nơi đây, chúng mới có đủ điều kiện thích hợp để sinh tồn. Chỉ ở nơi đây, chúng mới cảm nhận được sự an toàn để quấn túm thành một cộng đồng. Chỉ ở nơi đây, Voọc mới có thể sinh con đẻ cái, duy trì và nối tiếp giống nòi. Trong hơn 6 tháng năm 2024 có 15 cá thể Voọc Cát Bà con được sinh ra, nâng tổng số quần thể lên hơn 90, con số cao nhất trong khoảng 100 năm qua.

Hình như đàn Voọc cũng biết, ở đây, những người giữ rừng, bám biển  luôn dành cho chúng sự quan tâm đặc biệt. Các anh đã mang lại hy vọng cho các loài động vật này bởi các anh luôn yêu chúng theo cách của chúng. Dường  như chúng cũng cảm nhận được những tình cảm yêu mến, những chăm lo, bảo vệ cho sự an toàn của mình, thế nên chúng mới nhởn nhơ, an nhiên tự tại đến nhường kia!

Vườn quốc gia Cát Bà không chỉ nổi bật với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn là nơi sinh sống của hàng trăm loài động thực vật quý hiếm. Các nhà khoa học đã từng khẳng định: Chúng ta không thể phát triển nếu như không biết cách bảo vệ thiên nhiên. Đất, rừng, nguồn nước, bầu không khí… là điều kiện sống cần thiết của mỗi con người, mỗi quốc gia. Và các chiến sỹ kiểm lâm đang bám biển, gác rừng ở Vườn quốc gia Cát Bà mà chúng tôi đã gặp, cùng với việc chứng kiến công việc thầm lặng và bền bỉ của các anh, lòng chúng tôi trào dâng niềm tin yêu, quý trọng và cảm phục vô cùng.

Một mùa Xuân mới đang đến. Khi đất trời bắt đầu chuyển mình, những cán bộ kiểm lâm vẫn âm thầm lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ của mình, từ việc tuần tra các khu rừng nguyên sinh đến việc giám sát hoạt động du lịch nhằm bảo vệ hệ sinh thái phong phú của vùng biển đảo. Họ chính là những người hùng thầm lặng, họ không quản ngại khó khăn, gian khổ để bảo vệ từng tán cây, từng loài động vật và cân bằng sinh thái nơi này, góp phần  hiện thực hóa các chính sách bảo vệ, phát triển rừng.

Mỗi ngày trôi qua, họ lại viết tiếp câu chuyện của mình bằng những hành động đầy trách nhiệm và tình yêu đối với thiên nhiên. Đón Xuân cùng họ, chúng ta không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của mùa mới mà còn thấy được tâm huyết và nỗ lực của những người bám biển, gác rừng, trong hành trình gìn giữ tài sản vô giá của đất nước.

Đặng Thị Thúy

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông