17:53 13/09/2022 Thời gian gần đây, làn sóng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố. Chỉ tính riêng tại thành phố Hải Phòng từ tháng 1-2021 đến nay, đã có 128 cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc thì vấn đề này đang nóng trở lại. Việc “chảy máu chất xám” ở các tuyến y tế công lập đang đặt ngành y tế trước nguy cơ khủng hoảng do thiếu nhân lực đảm đương nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo báo cáo của các địa phương trên cả nước, giai đoạn năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, riêng năm 2021, con số này là hơn 5.200, và 6 tháng đầu năm 2022 là 4.113 (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 người công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).
Theo báo cáo của Bộ Y tế, một số tỉnh, thành phố có số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc cao như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…
Tại cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó chủ yếu là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Ngoài ra, còn do chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu.
Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Hầu hết cán bộ, nhân viên y tế khi nghỉ việc, chuyển việc được hỏi lý do đều cho biết, chế độ lương, đãi ngộ thấp, công việc căng thẳng, lại thêm tâm lý hậu “di chứng” của Covid-19 nên họ cảm thấy không yên tâm công tác.
Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua...
Tại thành phố Hải Phòng, theo thông tin từ Sở Y tế thành phố, từ tháng 1 năm 2021 đến nay, đã có 128 cán bộ nhân viên y tế bỏ việc, xin thôi việc hoặc chuyển sang các cơ sở y tế ngoài công lập.
Chị N.T.H, nhân viên y tế lâu năm công tác tại một trạm y tế trên địa bàn thành phố chia sẻ, trong điều kiện bình thường, thu nhập của chị sau khi trừ các khoản bảo hiểm còn khoảng hơn 7 triệu đồng, cộng với thu nhập tăng thêm khoảng hơn 1,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, dù lượng công việc nhiều hơn nhưng thu nhập cơ bản vẫn không tăng nhiều, trong khi đó giá cả vẫn leo thang từng ngày.
Chị N.T.H cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, trạm y tế nơi chị công tác đã có 2 nhân viên y tế chuyển sang cơ sở y tế tư nhân. Theo những nhân viên y tế này, làm việc trong môi trường tư, họ có môi trường làm việc năng động hơn, điều kiện trang thiết bị y tế hiện đại hơn hoặc được làm đúng chuyên ngành mà họ yêu thích, và quan trọng là thu nhập cao hơn mà không phải chịu nhiều áp lực như môi trường công.
Chị N.T.H chia sẻ, thực sự nếu thời gian tới dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc thiếu hụt nhân viên y tế là một gánh nặng đối với ngành Y tế. Quan trọng hơn, người dân sẽ bị thiệt thòi.
Theo các chuyên gia trong ngành, để giải quyết tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển công tác, cần có cơ chế trả lương riêng cũng như chính sách thu hút các y, bác sĩ, vì hiện một số tỉnh, thành đã có cơ chế này. Nếu cơ chế, chính sách không thay đổi thì sẽ tiếp tục có làn sóng nghỉ việc của cán bộ, nhân viên y tế trong hệ thống công lập. Do vậy, Chính phủ cần có những quy định cụ thể đối với người làm việc tại y tế cơ sở.
Để khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế, được biết, cuối tháng 5-2022, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tập hợp các kiến nghị của cán bộ, công nhân, viên chức ngành Y tế để gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó có kiến nghị chính sách viện phí được tính đúng, tính đủ chi phí để đảm bảo duy trì hoạt động của các bệnh viện, trong đó có chi phí đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế.
Đáng lưu ý, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam cũng kiến nghị lương khởi điểm của bác sỹ tương đương bậc 2 là 2,67, do ngành Y là một ngành có cơ chế đào tạo đặc thù, nhưng quy định hiện hành phải mất 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1.
Ngoài ra, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã kiến nghị về chế độ thâm niên; nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% và mở rộng một số đối tượng người lao động trong ngành y tế cùng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề. Đặc biệt, kiến nghị chế độ thu hút đối với các ngành nghề đặc thù như phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, hồi sức cấp cứu, giải phẫu bệnh...
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%; nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.
Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị. Bộ cũng chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế, huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế...
VŨ DUYÊN
15:49 22/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết