Hải Phòng chủ động ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm

    10:19 28/09/2018

    Ngành chăn nuôi cả nước đang phải đương đầu với nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài có khả năng xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động du lịch, thương mại, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Là một trong những địa phương có nguy cơ bị xâm nhiễm cao do nằm trên tuyến giao thương từ cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh vào nội địa Việt Nam, vậy Hải Phòng đã có những động thái gì để chủ động chặn đứng dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi, PV Báo ANHP đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Bùi Văn Luyện - Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố.

    PV: Chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng đang được xác định là ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn trong nền nông nghiệp Hải Phòng. Xin ông cho biết đôi nét về thực trạng tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố hiện nay?

    Ông Bùi Văn Luyện: Hiện, tổng đàn lợn nuôi trên địa bàn thành phố đạt 429.233 con, được phân bổ trong 210 trang trại chăn nuôi lợn, 9 trang trại tổng hợp lợn và gia cầm (chiếm 30% tổng đàn); 1.100 gia trại (chiếm 25% tổng đàn lợn) và trên 70.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm 45% tổng đàn). Điều này cho thấy, chăn nuôi trang trại đang phát triển, song về số lượng cũng như quy mô đàn còn chiếm tỷ lệ thấp, chăn nuôi gia trại, nhỏ lẻ theo hộ gia đình vẫn là chủ yếu.

    Đối với đàn lợn nái, hiện toàn thành phố vẫn duy trì ổn định 68.000 con. Trong đó, tỷ lệ lợn nái ngoại, nái lai đạt 65%, đáp ứng tốt nhu cầu tạo đàn.

    Lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi

    Từ đầu năm đến nay, nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên đàn lợn được duy trì, phát triển ổn định. Toàn thành phố không phát hiện lợn ốm, chết, tiêu hủy do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

    Mặc dù tổng đàn có thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 nhưng sản lượng thịt lợn hơi 9 tháng của thành phố ước đạt gần 52 nghìn tấn, tăng 1,45% so với cùng kỳ.

    PV: Trước cảnh báo của tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) về nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài có khả năng xâm nhiễm rất cao vào Việt Nam, trong đó có Hải Phòng, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Xin ông chia sẻ đôi nét về dịch bệnh này và để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, thành phố đã có những giải pháp nào?

    Ông Bùi Văn Luyện: Theo OIE và FAO, từ đầu tháng 8 đến ngày 9-9 vừa qua, trên lãnh thổ Trung Quốc đã xuất hiện 14 ổ dịch tả lợn Châu Phi, tại 6 tỉnh, khiến trên 38 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi (African Swine Fever) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày; ở thể cấp tính từ 3 - 4 ngày.

    Đây là loại vi rút có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami. Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, bị tiêu diệt ở nhiệt độ 560C trong 70 phút, ở 600C trong 20 phút; lây nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút, ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn. Bệnh xảy ra ở mọi loài lợn, mọi lứa tuổi lợn, lây lan nhanh, tỷ lệ chết cao đến 100%.

    Đáng chú ý, triệu chứng của bệnh dịch tả lợn châu Phi không khác nhiều so với triệu chứng của bệnh dịch tả lợn cổ điển đã, đang có tại Việt Nam. Việc chẩn đoán bệnh dịch này thông qua các triệu chứng lâm sàng là điều rất khó khăn. Để chẩn đoán xác định bệnh cần phải lấy mẫu gửi xét nghiệm phát hiện vi rút gây bệnh. Nghiêm trọng hơn, hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh này.

    Chính vì vậy mà ngay sau khi có Công điện khẩn của Thủ tướng chính phủ, Bộ NN&PTNT, về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, Chi cục đã tham mưu cho Sở NN&PTNT trình Chủ tịch UBND TP ban hành Công điện khẩn số 12/CĐ-CT ngày 13-9-2018 về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Hải Phòng. Lấy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch ngay ở phạm vi nhỏ, chưa lây lan.

    Cùng với đó, Sở cũng ban hành Hướng dẫn về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; Công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

    Hiện, các biện pháp phòng dịch chủ yếu đang được thành phố áp dụng là tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, ngăn chặn, giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ bệnh dịch cũng như các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhập vào địa bàn thành phố qua con đường vận chuyển lợn, các sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, nhập lậu qua biên giới.

     Lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi

    Và để làm tốt công tác kiểm soát, ngày 14-9-2018, Sở NN&PTNT đã có văn bản trình UBND TP phê duyệt việc thành lập các chốt kiểm dịch động vật trực thuộc Chi cục Chăn nuôi & Thú y.

    Cùng với đó, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống đài phát thanh tại các xã, phường, thị trấn về dấu hiệu nhận biết, tác hại, các biện pháp phòng chống bệnh dịch và biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…, nhằm nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi trong công tác phòng chống bệnh tại cơ sở.

    Đối với công tác kiểm tra, giám sát dịch, Chi cục đã ban hành kế hoạch giám sát; phối hợp các địa phương chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở, các ban ngành chức năng có liên quan, đồng thời phối hợp với lực lượng liên ngành Quản lý thị trường, Công an,… tăng cường công tác kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

    Tổ chức triển khai phát động "Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc" tại các khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, cơ sở giết mổ lợn trên địa bàn toàn thành phố (thời gian từ ngày 15-9 đến 15-10- 2018).

    Hiện, đơn vị đang đề nghị Cục Thú y tổ chức tập huấn kỹ thuật giám sát, lấy mẫu phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu phi cho đội ngũ cán bộ thú y; hỗ trợ kinh phí xét nghiệm mẫu chẩn đoán đối với các ổ dịch; chỉ đạo tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu, hải cảng, sân bay…, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn không cho mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi có cơ hội xâm nhiễm vào nội địa nước ta.

    PV: Trân trọng cảm ơn ông!

    Khánh Chi thực hiện

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông