Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm

    16:31 21/05/2024

    Sáng 21/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam chủ trì Hội nghị, cùng dự có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan.

    Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm thành phố, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có khoảng 24.796 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bao gồm: 4.860 cơ sở sản xuất ban đầu nông lâm thủy sản, trong đó có 4.804 cơ sở sản xuất ban đầu nông lâm thủy sản nhỏ lẻ (do cấp xã quản lý); 2.934 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm; 1.338 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; 5.549 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 10.115 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có 7.865 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ và kinh doanh thức ăn đường phố, 264 bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, trên 700 bếp ăn tập thể tại các trường học. Hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố được kiện toàn từ tuyến thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn.

    Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng

    Với các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm được triển khai đồng bộ, công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố đã đạt được kết quả tích cực. Từ năm 2019 - 2023 và 05 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, không có ca tử vong do ngộ độc thực phẩm. Trong thời điểm cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, thì đây thực sự là kết quả đáng ghi nhận.

    Để tiếp tục làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ tổng kết việc thi hành Luật An toàn thực phẩm, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, thay thế Luật An toàn thực phẩm trên cơ sở thống nhất cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, tránh chồng chéo. Đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và các Bộ liên quan có cơ chế ổn định bộ máy tổ chức các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm các cấp. Tăng cường đầu tư nguồn lực con người cho hệ thống cơ quan quản lý an toàn thực phẩm để tương xứng với tính cấp bách, cần thiết và quan trọng của an toàn thực phẩm đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ Nhân dân. Đề nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thống nhất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt là các quy định các điều kiện bảo đảm bảo đảm an toàn thực phẩm. Đề nghị Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong đó có quy định hệ thống các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế tuyến tỉnh, thành phố thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành vê an toàn thực phẩm, và có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông