Hội thảo chuyên đề về Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi năm 2022

    18:30 29/11/2022

    Chiều 29-11, Sở Y tế tổ chức Hội thảo chuyên đề về Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi (NCT) năm 2022. Tham gia Hội thảo có đồng chí Trần Quốc Trinh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể liên quan.

    Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Quốc Trinh, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, hiện nay, 100% các quận huyện đều đã xây dựng kế hoạch thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở địa phương.

    Tỷ lệ NCT được khám sức khỏe định kỳ năm 2021 đạt 45,12%; tỷ lệ NCT được quản lý sức khỏe, tư vấn khám chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình và cộng đồng năm 2021 đạt 50,24%; tỷ lệ NCT được lập hồ sơ và quản lý sức khỏe ban đầu đạt 94,7%.

    Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở, năm 2019 toàn thành phố có 301.713 người cao tuổi (chiếm 14,87% tổng dân số, tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 9,3%), trong đó nam chiếm 43,8%, nữ chiếm 56,2%.

    Chỉ số già hóa dân số của thành phố có xu hướng tăng lên từ 10,32% năm 2009 đến năm 2019 là 14,87%, năm 2021 toàn thành phố có 323.293 người cao tuổi chiếm 15,60 % dân số.

    Đồng chí Trần Quốc Trinh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo

    Tuổi thọ trung bình của người dân thành phố thời gian qua đã có sự cải thiện rõ rệt, ngày càng tăng: năm 2009 là 74,5; năm 2019 là 74,7 tuổi, năm 2021 là 74,7 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước (73,6 tuổi).

    Kết quả này phần nào cho thấy thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế-xã hội đã góp phần tăng tuổi thọ trung bình của người dân.

    Quang cảnh hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã nêu lên thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện nay, đồng thời đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác trong thời gian tới nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe NCT nói riêng và sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số nói chung như:

    100% người cao tuổi khi bị bệnh được khám và điều trị; 100% người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế được khám và điều trị tại nơi ở; 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng; 70% Bệnh viện tuyến thành phố (trừ Bệnh viện chuyên khoa Nhi) có khoa Lão khoa và Bệnh viện/Trung tâm Y tế có giường bệnh tuyến huyện dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi; 70% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; 50% số xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, có ít nhất 1 đội tình nguyện viên tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…

    LAN PHƯƠNG

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông