10:24 05/07/2024 Sáng 5/7, Sở Y tế tổ chức Hội thảo chuyên đề tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước và sau sinh. Chương trình Hội thảo thu hút hơn 70 đại biểu là đại diện các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan.
Thời gian vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, công tác Dân số Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) được Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã ban hành Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Công tác Dân số - KHHGĐ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu.
Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị công tác dân số KHHGĐ đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với khoảng 6 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là nền tảng và cơ hội vàng cho Việt Nam có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên, hiện nay là 73,7. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong bà mẹ trẻ em đã giảm mạnh.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, từ khi Nghị quyết 21-NQ/TW ra đời đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành, triển khai 28 chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án nhằm cụ thể hóa, chi tiết hóa việc thực hiện Nghị quyết, thể hiện rõ trọng tâm của công tác dân số chuyển từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Nghị quyết 21-NQ/TW đã triển khai được gần 7 năm, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng còn nhiều vấn đề để chúng ta cần quan tâm từ nay đến năm 2030. Đó là tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn thấp.
Năm 2022, tỷ lệ này mới đạt 30%, còn cách rất xa so với mục tiêu 90% vào năm 2030. tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 2 bệnh năm 2018 mới đạt là 35,5% và năm 2022 cũng mới chỉ tăng lên 45%. Để đạt được mục tiêu Nghị quyết 21- NQ/TW đề ra là 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Tại Hải Phòng, Ngày 19/3/2021, UBND thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND về thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 thành phố Hải Phòng. Chương trình đã được triển khai tại 100% quận, huyện với những kết quả cao hơn mặt bằng chung cả nước. Năm 2023, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 70%; tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh đạt 65,2%; tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 65%. Kết quả này góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo kết quả thực hiện chương trình “Tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh” thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2023; Công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, thực hiện sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; Vai trò của Đoàn thanh niên trong việc vận động đoàn viên thanh niên tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, thực hiện sàng lọc trước sinh, sơ sinh;
Các đại biểu cũng được nghe các tham luận về việc triển khai Chương trình “Tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh” tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng giai đoạn 2021-2023, nhiệm vụ đề ra đến năm 2025; Việc tiếp nhận, điều trị các bệnh lý được phát hiện thông qua sàng lọc sơ sinh tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng; Công tác đào tạo về sàng lọc trước sinh, sơ sinh, khám sức khỏe trước hôn nhân, nâng cao năng lực y tế cơ sở trong thực hiện Chương trình; Thực hiện, hướng dẫn, quản lý chuyên môn, kĩ thuật về khám sức khỏe trước hôn nhân cho thanh niên, chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai, sức khỏe trẻ sơ sinh; Công tác tuyên truyền, tư vấn, cung cấp thông tin nâng cao nhận thức về Chương trình.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu cùng nhau thảo luận về những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện chương trình, qua đó từng bước tháo gỡ những khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Chương trình đề ra đến năm 2025, 2030.
VŨ DUYÊN
15:49 22/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết