Khán giả Hải Phòng say sưa tình khúc Lam Phương

20:32 19/09/2017

Số người xem kín gần hết Nhà hát Tháng Tám, hầu như không ai ra về trước, đêm nhạc “Lam Phương tuyệt phẩm – Tứ đại danh ca” đã giữ trọn cảm xúc lắng đọng với người nghe trong từng tình khúc của người nhạc sĩ tài hoa.

        Danh ca Bảo Yến vẫn giữ nguyên chất giọng đặc trưng trong các tình khúc Bolero của nhạc sĩ Lam Phương

Bảo Yến, Lưu Bích, Khánh Hà và Nguyễn Hưng chính là Tứ đại danh ca của đêm nhạc. Đây được xem là những giọng ca đẳng cấp, thế hệ đầu tiên hát nhạc của Lam Phương, góp phần làm nên thành công của dòng nhạc trữ tình nay. Khán giả hòa mình trong từng làn điệu Bolero nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương. Tình khúc nào cũng đậm, cũng sâu chiếm trọn cảm xúc của khán giả thế hệ 8x. Bốn danh ca hải ngoại cháy hết mình trên sân khấu với “Thành phố buồn”, “Cỏ úa”, “Say”, “Lầm”…

Cùng với đó là những tên tuổi của thế hệ nối tiếp: Khang Việt, Trung Quang -  Quán quân Thần tượng Bolero, Phương Thúy – Sao Mai 2013, Lê Trinh… mang những màu sắc, cá tính riêng.

Khán giả Hà Thị Phượng (Nguyễn Văn Linh, Lê Chân) chia sẻ “Đêm nhạc gợi nhiều cảm xúc với người nghe. Được nghe lại nhiều bài hát hay của nhạc sĩ Lam Phương, được nghe những câu chuyện về nhạc sĩ trong chương trình càng khiến tôi thêm yêu thích, say sưa với dòng nhạc này hơn. Dòng nhạc mà tôi đã nghe từ 20 năm nay rồi.”

Có người nói, Lam Phương viết tất cả những cảm xúc của con người, có những cuộc đời, những niềm đau và cả những xúc cảm thăng hoa trong cuộc sống. Ông năm nay 80 tuổi thì đã dành trọn 65 năm để viết tình ca. Là những tình khúc gắn liền với từng thăng trầm của cuộc đời ông. Mới đây, tập sách “Nhạc sĩ Lam Phương – 110 ca khúc trữ tình, lãng mạn” lần đầu tiên được phát hành tại Việt Nam cũng là kỷ niệm về con đường âm nhạc của Lam Phương.

Ca sĩ Nguyễn Hưng đem đến cho khán giả Hải Phòng nhiều tiết mục ấn tượng trong đêm nhạc “Lam Phương tuyệt phẩm – Tứ đại danh ca”

Năm 15 tuổi, ông đã bắt đầu sáng tác bài “Chiều thu ấy” nhưng mãi đến năm 1954 ông mới nổi danh với hai bài “Kiếp nghèo” và “Chuyến đò vĩ tuyến”. 

Những năm 1960, Lam Phương được biết đến là người được trả tiền bản quyền cao nhất cho các sáng tác của mình. Trong đó bài “Thành phố buồn” được trả 12 triệu đồng ở thời điểm đó. Ngoài ra còn rất nhiều bản nhạc nổi tiếng khác đã đem lại cho ông nguồn thu lớn về tài chính.

 Tình khúc Lam Phương được người nghe đón nhận từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nghệ sĩ từ thế hệ này qua thế hệ khác cũng chọn những ca khúc của Lam Phương để biểu diễn. Từ Giao Linh, Bảo Yến của thế hệ trước đến Ngọc Sơn, Nguyễn Hưng, Lưu Bích, Khánh Hà, rồi Bằng Kiều, Thu Phương, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên… và cả thế hệ 8x, 9x hiện tại.

Tình khúc Lam Phương gợi những cảm xúc lắng sâu, da diết. Và một lần nữa, trên sân khấu Nhà hát Tháng Tám vừa qua, khán giả Hải Phòng lại đắm chìm trong “Thao thức vì em”, “Biển tình”,  “Phút cuối”… những tình khúc đã ăn sâu vào trái tim khán giả.

Huyền Trâm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

tin bài cùng chuyên mục:

Chú thỏ nhung

Chú thỏ nhung

21:38 24/11/2020

Sống, làm việc và yêu

Sống, làm việc và yêu

09:13 16/09/2020

Nghệ thuật tối giản

Nghệ thuật tối giản

15:09 13/09/2020

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông