21:03 24/10/2024 Được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua, khi đổ bộ vào đất liền siêu bão Yagi (bão số 3) đã gây ra những tổn thất nặng nề về người và tài sản, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân thành phố. Tuy nhiên, so sánh tương quan giữa sức gió và thiệt hại mà siêu bão gây ra, Hải Phòng đã giảm thiểu được thiệt hại đến mức thấp nhất. Qua siêu bão số 3, thành phố đã đúc rút ra nhiều bài học quý giá trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra…
Siêu bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua
Bão số 3 có cường độ mạnh cấp 12-15, giật cấp 13-16 bắt đầu ảnh hưởng tới đảo Bạch Long Vĩ từ khoảng 4h ngày 7/9. Đến 9h cùng ngày, bão ảnh hưởng đến khu vực Cát Hải, sau đó đến khu vực ven biển Đồ Sơn rồi đổ bộ vào khu vực đất liền giữa Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong suốt quá trình di chuyển trên biển, bão hầu như không giảm về cường độ. Tại khu vực đất liền Hải Phòng ghi nhận gió cấp 12, giật cấp 14-15.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, khu vực Hải Phòng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to kết hợp với lũ từ thượng nguồn hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã gây đợt lũ trên các hệ thống sông của thành phố.
Trước tình hình trên, để chủ động phòng chống, ứng phó với siêu bão, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương tại Hải Phòng do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó khẩn cấp tại hiện trường.
Ngay sau bão, chiều 8/9, Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Hải Phòng.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3, mưa lũ sau bão và Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, chủ động của người dân
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố (PCTT, TKCN, PTDS) thành phố đã tập trung, kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, ban hành các văn bản, công điện; tổ chức các cuộc họp chỉ đạo công tác ứng phó phù hợp với từng giai đoạn diễn biến của bão.
Trực tiếp đồng chí Bí thư Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND thành phố, các thành viên trong Ban Chỉ huy đã chủ trì các đoàn kiểm tra đôn đốc công tác phòng, chống bão tại các đơn vị, địa phương, kịp thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách tại hiện trường…
Các địa phương, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố tập trung cao triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo hướng dẫn của Trung ương và thành phố; chủ động phương án ứng phó, kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng, huy động tối đa nhân lực, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả siêu bão gây ra.
Trong đó, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đã huy động 19.845 người (CBCS, dân quân tự vệ của thành phố và CBCS Quân khu 3 tăng cường), 171 phương tiện.
CATP huy động tổng số 10.943 lượt CBCS, 1.131 lượt phương tiện, tăng cường trên 370 lượt CBCS thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng thành phố, trước bão đã điều động 6 ô tô, 3 tàu, 24 xuồng/ 277 CBCS phối hợp, hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho 2.076 phương tiện vào nơi tránh, trú bão an toàn. Sau bão, đã triển khai 63 tổ/692 lượt CBCS phối hợp tổ chức thu gom cây đổ, gãy, giúp dân sửa chữa, khắc phục công trình…
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp tại hiện trường của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố; sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm, Hải Phòng đã hạn chế tối đa thiệt hại do siêu bão số 3 gây ra.
Bão đã làm 2 người tử vong, 81 người bị thương, 1 chiến sĩ hi sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp Nhân dân khắc phục hậu quả sau bão.
Nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc giao thông nghiêm trọng; hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn.
Nhiều khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây; nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ. Nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh bị gãy đổ, hư hại…
Tổng thiệt hại về công trình, tài sản, kết cấu hạ tầng do bão số 3 gây ra trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 13.062.733 triệu đồng.
Ngay sau bão, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả, huy động mọi nguồn lực, kêu gọi sự chia sẻ, hỗ trợ của các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời huy động lực lượng quân đội, công an cùng hỗ trợ các đơn vị chức năng tổ chức khắc phục sự cố, thiệt hại do bão số 3 gây ra. Nhờ đó, hệ thống giao thông, viễn thông nhanh chóng được khôi phục.
Đến ngày 11/9, hệ thống viễn thông của thành phố đã cơ bản được khắc phục hoàn toàn; ngày 15/9, hệ thống cấp điện, cấp nước cũng cơ bản được khắc phục để cung cấp, phục vụ đời sống dân sinh.
Các cơ sở giáo dục, y tế, trụ sở các cơ quan, hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão dần đi vào hoạt động trở lại.
Ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tranh thủ mọi điều kiện, thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp đã đến kỳ thu hoạch; tiêu úng, khơi thông dòng chảy, hướng dẫn kịp thời, hiệu quả các biện pháp kỹ thuật để khắc phục, khôi phục sản xuất.
Ngân sách thành phố đã chi 75 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả siêu bão số 3. Đáng chú ý, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã kêu gọi, huy động và tiếp nhận ủng hộ của gần 2.200 tập thể, cá nhân, doanh nghiệp quyên góp, ủng hộ với số tiền đạt gần 90 tỷ đồng; đã chi 47 tỷ đồng để thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người thiệt mạng, người bị thương và hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cửa cho các hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại do bão.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn đã xuất cấp 10.000 lít hóa chất cho thành phố phục vụ công tác tiêu độc, khử trùng. Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ trực tiếp đến người dân bị thiệt hại bằng tiền, hiện vật, tạo điều kiện giúp người dân thành phố sớm ổn định cuộc sống sau bão.
Năm bài học kinh nghiệm
Qua thực tế triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả do siêu bão Yagi gây ra, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN, PTDS thành phố đã đúc rút ra được năm bài học kinh nghiệm quy giá. Theo đó, cùng với sự vào cuộc thực sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì sự tham gia tích cực, chủ động của người dân trong công tác phòng, chống bão được đánh giá là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định.
Tiếp đó, là sự coi trọng công tác phòng ngừa thiên tai từ khâu xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo tính khả thi, chuẩn bị nguồn lực theo phương châm “bốn tại chỗ” một cách thực chất, sẵn sàng, vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng lĩnh vực.
Công tác chỉ đạo sơ tán Nhân dân phải cương quyết, kịp thời. Công tác thông tin, truyền thông, cảnh báo, dự báo cần được tăng cường, điều chỉnh, qua những hình ảnh trực quan về tác động của bão cho từng đối tương: nhà ở, cây xanh, tàu thuyền,… giúp người dân và chính quyền nâng cao nhận thức, ý thức về mức độ tàn phá của bão, lũ, tránh tư tưởng chủ quan.
Cùng với đó là sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, tích cực giữa các cơ quan chức năng thành phố, các đơn vị, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn và các tổ chức, cộng đồng khác để khắc phục hậu quả bão, đưa đời sống kinh tế - xã hội thành phố sớm trở lại bình thường.
Trong quá trình khắc phục hậu quả bão, không thể thiếu vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị xã hội, các cấp chính quyền đã kịp thời vào cuộc tổ chức thăm hỏi, động viên Nhân dân, doanh nghiệp chung tay khắc phục hậu quả bão. Đồng thời tiếp nhận, điều phối các nguồn hỗ trợ kịp thời, góp phần giảm bớt khó khăn giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Là địa phương có nhiều chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn thành phố, đồng chí Cáp Trọng Tuấn-Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền chia sẻ: Quán triệt phương châm “Đảm bảo an toàn tính mạng cho Nhân dân là trên hết”, trước khi siêu bão đổ bộ vào đất liền, thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố, quận Ngô Quyên đã hoàn thành di dời, bố trí tạm lánh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho 3.675 hộ dân, với 10.548 nhân khẩu.
Nhưng do mưa to, gió lớn và ngập lụt nhiều ngày sau bão, trên địa bàn quận phát sinh 2 tòa chung cư A7, A8, phường Vạn Mỹ có dấu hiệu lún, nghiêng vượt quá giới hạn cho phép, rất nguy hiểm, không đảm bảo để ở. Ngay sau khi phát hiện sự cố, quận đã lập tức tổ chức khoanh vùng, phong tỏa, không cho người dân vào khu vực để đảm bảo an toàn.
Trước mắt, tiếp tục bố trí tạm lánh cho các hộ dân tại một số trường học, doanh nghiệp lân cận; khẩn trương rà soát cụ thể, chính xác thông tin về các hộ dân và khối lượng tài sản để có phương án giúp dân di chuyển phù hợp.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố, sự phối hợp, hướng dẫn kịp thời của các sở, ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ quận đến phường, sự hỗ trợ rất trách nhiệm của các lực lượng chức năng.
Trong đó, CATP, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã điều động trên 100 CBCS; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển hỗ trợ địa điểm làm Sở chỉ huy, Khách sạn Hàng Hải hỗ trợ địa điểm tạm lánh, các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ phương tiện vận chuyển, đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ, tin tưởng tuyệt đối của các hộ dân, chỉ trong 4 ngày, quận Ngô Quyền đã hoàn thành di chuyển tài sản cho 303 hộ dân đến Khu chung cư Đồng Quốc Bình, Khu chung cư 5 tầng Kênh Dương và một số nơi ở khác do Nhân dân tự bố trí đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Chính vì thế mà trải qua cơn bão số 3, lãnh đạo, cán bộ và các tầng lớp Nhân dân quận Ngô Quyền càng thêm thấm thía sâu sắc về sức mạnh của sự đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.
Siêu bão có thể để lại một số hậu quả cần thời gian nhất định để khắc phục nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm vì Nhân dân, vì thành phố, ý chí kiên cường, bản lĩnh vượt khó, mỗi người dân đất Cảng đều vững niềm tin tuyệt đối rằng dưới sự “chèo lái” sáng suốt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, thành phố sẽ nhanh chóng vượt qua thách thức, tạo ra bước phát triển vượt bậc, vững chắc về mọi mặt trong giai đoạn tới.
Bình Huệ
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh