12:46 15/03/2024 Theo thông lệ, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024 tiếp tục được tổ chức trong 3 ngày, từ 16 đến 18/3/2024 (tức mùng 7, 8, 9 tháng 2 Âm lịch năm Giáp Thìn) với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc. Trong đó, tại Di tích Đền Nghè sẽ diễn ra nhiều hoạt động do Bảo tàng Hải Phòng chủ trì tổ chức. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các hoạt động này, phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Nguyệt Nga, Giám đốc Bảo tàng thành phố xung quanh Lễ hội năm nay.
Phóng viên: Là đơn vị trực tiếp quản lý Di tích Đền nghè - nơi thờ Nữ tướng Lê Chân, xin đồng chí giới thiệu sâu hơn về thân thế, sự nghiệp của Nữ tướng trong lịch sử giữ nước của dân tộc?
Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng: Nữ tướng Lê Chân quê ở xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay là xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Từ tuổi hoa niên, bà đã nức tiếng đẹp người, đẹp nết, có chí khí hơn người. Viên quan cai trị nhà Hán là Tô Định thời đó đòi lấy làm tì thiếp, nhưng đã bị bà từ chối nên đã oán giận sát thân phụ Lê Chân. Ôm mối thù cha, tìm phương rửa hận, bà và người thân đã rời quê nhà đến vùng ven biển có nhiều sông rạch khai khẩn, lập nên một làng ven sông gọi là làng Vẻn. Nhớ quê nhà, bà lấy tên quê gốc để đặt tên cho vùng đất mới là Trang An Biên, lại mở một chợ ở bên sông để tiện việc mua bán. Cũng tại đó, bà âm thầm chiêu mộ binh sĩ, chờ đợi thời cơ để trả thù nước, rửa hận nhà.
Khi Trưng Trắc dựng cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, Lê Chân được tin, lập tức lựa chọn hơn 100 binh sĩ thân tín, kéo về Sơn Tây. Thấy diện mạo khác thường, đầy dũng khí của Lê Chân, Trưng Trắc đã rất ưng ý và phong cho bà là Thánh Chân công Chúa, đem quân cùng Bình Khôi công Chúa Trưng Nhị tiến đánh Tô Định. Tô Định thua to, phải trốn về Bắc quốc, nước Nam bình định, Trưng Trắc xưng Vua, khao thưởng quân sĩ, ban khen công thần. Thánh Chân Công chúa được phong tiếp là Chưởng quản binh quyền lĩnh ấn Trấn Đông Đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải phòng thủ miền biển, đem binh mã về trang An Biên dựng đồn binh đề phòng giặc Bắc quay trở lại xâm lược.
Khi trở về làng, Lê Chân Nữ tướng đã dựng đồn, tăng cường triêu mộ binh sĩ, xuất tiền tài chẩn cấp cho dân. Người dân nơi đây có cuộc sống ấm no, bình yên.
Năm 43, vua Hán sai tướng tài Mã Viện đem quân thuỷ bộ theo đường đông bắc sang đánh, Lê Chân chỉ huy quân chặn giặc, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nhưng do chênh lệch lực lượng, bà phải lui binh về bảo vệ Mê Linh. Sau khi phòng tuyến Cấm Khê vỡ, hai bà Trưng tự tận, Lê Chân phải rút quân vào vùng núi Lạt Sơn (thuộc Hà Nam bây giờ), lập căn cứ chống giặc. Mã Viện sai quân vây chặt căn cứ, chặn đường tiếp tế lương thực. Thế cùng lực tận, Nữ tướng đã gieo mình xuống núi Giát Dâu tuẫn tiết.
Dân làng An Biên được Lê Chân báo mộng lập miếu thờ “An Biên cổ miếu” (đền Nghè ngày nay). Cũng từ đó, bà được tôn làm Thành hoàng trang An Biên và được ban thần hiệu Nam Hải Uy Linh Thánh Chân công chúa.
Từ một nhân vật có thật trong lịch sử với những công đức lớn lao, nữ tướng Lê Chân được nhân dân quận Lê Chân nói riêng và người dân Hải Phòng tôn vinh là Thành hoàng và suy tôn bà là bậc Thánh Mẫu. Với ý nghĩa tốt đẹp đó, người dân An Biên xưa đã chọn ngày Thánh đản ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch hàng năm là ngày lễ hội truyền thống của người dân nơi đây.
Phóng viên: Tục thờ Nữ tướng Lê Chân gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ thánh Mẫu và thờ Thành hoàng làng của người dân Việt. Dưới góc nhìn văn hoá, đồng chí có thể chia sẻ thêm về tín ngưỡng dân gian bản địa này?
Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng: Tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng. Tôn thờ người Mẹ cũng đồng nghĩa với mong muốn bảo trợ, sinh sôi, sáng tạo. Ở đây không giống các tôn giáo, tín ngưỡng khác ở chỗ hướng về đời sống thực tại, trần tục, gần gũi.
Tục thờ Mẫu cũng thể hiện một cách độc đáo tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn thông qua việc tôn vinh những người có công với đất nước. Các nhân vật được thờ ở các phủ, điện thờ Mẫu thường là những anh hùng đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành mạch nguồn không thể thiếu trong tổng thể nền văn hoá chung, thể hiện khát vọng về sự che chở, bao bọc và yêu thương vô bờ bến về tình mẫu tử của người Việt.
Đối với người dân An Biên xưa và Hải Phòng hôm nay, Nữ tướng Lê Chân được xem trọng như cha mẹ, người khai sinh ra vùng đất An Biên, tiền thân của thành phố Cảng. Khi hóa, Người đã luôn linh ứng, che chở, phù giúp cho dân có cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc. Được nhân dân suy tôn là Thánh Mẫu, cũng tức là mẫu nghi thiên hạ (mẹ của muôn dân).
Phóng viên: Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm nay có gì khác so với những năm trước, thưa đồng chí?
Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng:
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân theo thông lệ là những nghi thức, nghi lễ theo phong tục truyền thống có tính chất chung như lễ, tế và các trò chơi dân gian mà hầu hết ở các lễ hội của Đồng bằng Bắc Bộ đều có như: Cờ tướng, cờ người, bắt vịt,…
Tuy nhiên, Lễ hội này cũng có những nét độc đáo riêng. Cụ thể, đó là lễ phẩm dâng Thánh Mẫu. Nên nhớ, vào mỗi dịp lễ vào các ngày Thánh Đản, ngày Thánh hoá thì lễ phẩm dâng lên Thánh Chân Công chúa không thể thiếu cua bể, bún và bánh đúc. Truyền thuyết kể lại rằng vào ngày phiến đá trôi ngược dòng sông Cấm về đến vùng này thì dân làng An Biên đã sắm sửa những lễ phẩm này để làm lễ và đã rước được Nghè đá về thờ tại đền Nghè ngày nay.
Xưa kia, Lễ hội còn có Hội thi chấm giải cung văn. Hát văn còn gọi là Chầu văn hay hát bóng là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn chau truốt, nghiêm trang, hát văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu Thánh. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng tứ phủ (đạo mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Thánh Mẫu, tại di tích đền Nghè, nơi thờ Nữ tướng Lê Chân, người dân An Biên xưa và rất nhiều người dân ở các vùng lân cận mong muốn được thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng qua những lời văn, vần thơ ngợi ca công đức của Ngườ. Đây là phần thi thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân, bởi sự huyền bí và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và đậm chất tâm linh thể hiện qua mỗi bài văn mà các cung văn được thực hiện. Mỗi bài văn mà các cung văn thể hiện đều ca ngợi công đức của Thánh Mẫu Lê Chân đối với dân với nước và đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn vô hạn của người dân làng An Biên.
Riêng Lễ hội năm nay, ngoài các nghi lễ truyền thống, như lễ, tế, rước và có nhiều hoạt động tái hiện một phần không gian chợ quê, các trò chơi dân gian xưa cũng sẽ có nhiều nét mới. Cụ thể, hoạt động lễ hội được Ban tổ chức thực hiện với quy mô lớn hơn, loại hình phong phú hơn. Tại các không gian như đền Nghè, đình An Biên hay khu vực Tượng đài Nữ tướng đều đồng loạt diễn ra các hoạt động sôi nổi.
Tại đền Nghè, các năm trước thường tổ chức từ 1 đến 2 canh tế, nhưng năm nay, được tổ chức đầy đủ 3 canh tế: Tế cáo yết, tế chính hội và tế tạ.
Đặc biệt năm nay, Bảo tàng Hải Phòng sẽ khôi phục Hội thi hoa Thủy Tiên. Hoa Thủy Tiên là một loài hoa đẹp, có hương thơm thanh khiết. Với tấm lòng thành kính, biết ơn và sự ngưỡng mộ của người dân làng An Biên xưa đối với Thánh Chân Công chúa, mọi người đều mong muốn được dâng lên Đức Thánh những gì đẹp nhất. Do vậy, từ xa xưa dân làng đã lập hội chơi hoa Thủy Tiên, lấy tên là "Hoa hữu hội" có nghĩa là hội những người bạn của hoa. Mục đích của hội này là hằng năm chọn được những bình hoa Thủy Tiên đẹp nhất để làm lễ dâng lên Thánh Mẫu.
Để có thể chọn được những bình hoa đẹp nhất, ngày mồng 8 tháng 2 Âm lịch hàng năm, những người trong “Hoa hữu hội” lại cùng với dân làng An Biên khai mạc hội thi hoa Thủy Tiên. Người Hải Phòng đinh ninh rằng, nếu hội thi mà tuyển chọn được đúng bình hoa Thủy Tiên đẹp nhất làm lễ dâng lên Thánh Mẫu Lê Chân thì đời sống của mọi người nằm trong quyền năng, tha lực bảo trợ của Thánh Mẫu sẽ tươi đẹp suốt trong năm.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
VŨ DUYÊN
15:05 08/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh