20:24 24/09/2023 Thời gian qua, một loạt ngân hàng phát đi cảnh báo các đối tượng lừa đảo có thêm nhiều chiêu trò lừa tiền tinh vi, như mạo danh nhân viên ngân hàng dụ dỗ người dân vay tín dụng nhanh; mạo danh nhân viên thuế, nhân viên viễn thông, cướp thông tin qua sim điện thoại hoặc mã QR…
Tư vấn vay tín dụng nhanh
Agribank mới đây phát cảnh báo, một số đối tượng lợi dụng nhu cầu vay tiền của một số người dân, đã giả danh nhân viên ngân hàng để tạo lập các trang Fanpage/Group/tài khoản Facebook núp bóng dịch vụ “chăm sóc khách hàng“, “hỗ trợ khách hàng“, “vay vốn nhanh“, “hỗ trợ vay tín chấp“, “vay tiền trực tuyến“… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo tạo lập hàng trăm website/tài khoản facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp; nợ xấu vẫn vay được; không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM là có thể vay được tiền…
Khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân, như: Họ tên, số điện thoại, ảnh chụp CMND/CCCD, ảnh chụp chân dung… phục vụ làm hồ sơ vay, sau đó các đối tượng yêu cầu người vay phải chuyển trước một số khoản tiền nhỏ (khoảng từ 500 ngàn đồng đến 5 triệu đồng), để phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay…Sau khi dụ người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay (như khai sai tên người hưởng thụ, đổi cách viết tên người hưởng thụ từ chữ in thường sang in hoa, không đủ điều kiện vay, thừa hoặc sai một số trên số căn cước công dân…).
Từ đó, chúng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc.
Trường hợp khách hàng không chuyển tiền theo yêu cầu, chúng sẽ đe dọa khách hàng là khoản vay khách hàng bị chuyển thành nợ xấu để yêu cầu phải chuyển tiền. Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, người bị hại không những bị mất tiền mà còn bị mất toàn bộ thông tin danh tính cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác, ví dụ như: Đăng kí SIM không chính chủ, đăng kí mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử phục vụ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, cá độ trực tuyến…
Cướp thông tin qua mã QR
Bên cạnh hình thức gửi link đăng nhập website giả mạo để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài khoản đăng nhập ngân hàng điện tử hoặc thu thập các thông tin liên quan tới thẻ tín dụng, gần đây VPBank cũng phát cảnh báo kẻ gian gửi mã QR qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber…
Cụ thể, kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện từ số máy bàn có dãy số gần giống với số tổng đài của ngân hàng mời chào khách hàng nâng hạn mức thẻ tín dụng hoặc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc một số dịch vụ tài chính khác.
Sau khi khách hàng quét mã QR của kẻ gian gửi sẽ được chuyển đến đường link website giả mạo, khách hàng tiếp tục được yêu cầu nhập các thông tin như: Họ và tên, CCCD, chụp ảnh CCCD 2 mặt, số thẻ, mã bí mật CVV, ngày hết hạn thẻ và OTP gửi về số điện thoại khách hàng, thông tin đăng nhập user và password tài khoản ngân hàng…
Ngay sau khi khách hàng cung cấp thông tin, kẻ gian sẽ chiếm được quyền sử dụng tài khoản Internet Banking hoặc thẻ tín dụng và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền.
Mạo danh nhân viên viễn thông cướp số điện thoại
Các ngân hàng cảnh báo hành vi lừa đảo mới đó là chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại (eSIM/cướp SIM). Trường hợp này, đối tượng lừa đảo tự xưng là cán bộ công ty viễn thông, liên hệ với khách hàng qua điện thoại, tin nhắn và đề nghị hỗ trợ nâng cấp, chuyển đổi sim 4G/5G miễn phí.
Nếu khách hàng đồng ý, đối tượng sẽ hướng dẫn khách hàng nhắn tin theo cú pháp để chuyển đổi. Khách hàng khi thực hiện theo sẽ bị chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại.
Sau khi chiếm được SIM điện thoại, đối tượng lừa đảo sẽ đăng nhập và sử dụng các ứng dụng ngân hàng điện tử, ví điện tử có liên kết với tài khoản/thẻ ngân hàng của khách hàng để chiếm đoạt tiền.
Mạo danh nhân viên thuế
Để lừa đảo, kẻ gian mạo danh cán bộ thuế liên hệ với người dùng qua nhiều hình thức như gọi điện, nhắn tin hoặc kết bạn qua mạng xã hội để hỗ trợ quyết toán thuế, đề nghị cập nhật thông tin khai thuế, hỗ trợ thủ tục hoàn thuế… rồi cung cấp các đường link tải ứng dụng thuế giả mạo và đề nghị người dùng cài đặt ứng dụng.
Sau khi cài đặt, các ứng dụng thuế giả mạo chứa mã độc trên nhiều hệ thống khác nhau sẽ “bẫy” người dùng cung cấp quyền trợ năng (Accessibility) yêu cầu cho phép truy cập vào các thiết bị như xem màn hình, hành động, dữ liệu nhập, điều khiển màn hình…
Thủ đoạn này nhằm thu thập thông tin thao tác trên điện thoại; thu thập thông tin mã OTP, Smart OTP hoặc chiếm quyền điều khiển thiết bị truy cập các ứng dụng ngân hàng. Với các thông tin thu thập được, kẻ gian có thể sử dụng để chiếm đoạt tiền trên tài khoản ngân hàng của người dùng.
Thái Bình
22:06 23/07/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết