Nghề nuôi lợn thương phẩm: Hướng nào cho bà con nông dân?

08:32 30/04/2017

Giá cả thị trường luôn là yếu tố hết sức nhạy cảm, đóng vai trò quyết định đến thành bại của người sản xuất. Điệp khúc “được mùa mất giá” dường như năm nào cũng tái diễn và không còn là chuyện lạ. Từ trước Tết Nguyên đán đến thời điểm này, giá lợn xuất chuồng lao dốc không phanh khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố lao đao.

Ngoài khai thác, nuôi trồng thủy hải sản đang là thế mạnh, huyện Kiến Thụy hiện có 115 mô hình trang trại với 18 cơ sở nuôi chuyên canh theo quy mô công nghiệp, áp dụng khoa học kĩ thuật. Trong số đó, đàn lợn là vật nuôi chủ lực, ước tính khoảng 69.000 con, tập trung chủ yếu tại các xã: Tân Phong, Tú Sơn, Ngũ Đoan, Tân Trào.

Tuy nhiên 5 tháng trở lại đây, giá lợn hơi giảm dưới mức 30.000đ/kg khiến người nuôi hầu như không có lãi, thậm chí nhiều gia đình còn mất trắng hàng trăm triệu đồng sau mỗi lứa. Nói theo cách của chị Trầm, chủ một trang trại ở Kiến Thụy thì việc phát triển đàn lợn hiện nay chả khác nào “đánh bạc với giời”.

Tới thời điểm này, giá lợn hơi siêu nạc nhiều nơi đã giảm xuống mức 25.000đ/kg, thậm chí có nơi thương lái còn ép xuống giá 22.000 đồng/kg. Còn lợn cỏ nuôi trong dân chỉ bán được với mức giá 20.000đ/kg. Tính ra, trung bình với mỗi con lợn có trọng lượng từ 80-90kg, người chăn nuôi lỗ mất 600.000-800.000 đồng.

Tình trạng này dẫn tới việc nhiều hộ chăn nuôi đang loay hoay, bí bách tìm đầu ra cho lợn hoặc phải đối mặt trước nguy cơ phá sản. Điển hình như trang trại của ông V.Q.T (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy). Bắt đầu vào đàn từ quý 3 năm 2016, sau hai lứa với 300 con lợn thịt, gia đình ông T. thua lỗ khoảng 800 triệu đồng.

Hay như trường hợp của ông V.X.H (xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy), sau khi bỏ ra gần 10 tỷ đồng để đầu tư trại lợn nái với hơn 400 con, đến giai đoạn này, ông H. cũng rơi vào cảnh bế tắc khi không thể bán được lợn con. Lý giải về việc này, anh Phong - một thương lái chuyên thu mua lợn chạy tuyến Móng Cái, Quảng Ninh cho biết, sở dĩ giá lợn xuống thấp như hiện nay một phần vì Trung Quốc đang thắt chặt việc nhập lợn qua đường tiểu ngạch từ Việt Nam nên số lượng thịt bị ứ đọng trong nước nhiều. Không xuất đi nước ngoài được, gần 2 tháng nay, anh Phong buộc phải giao lợn cho các lò mổ thủ công trên địa bàn thành phố.

Không biết trông chờ vào ai, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại Kiến Thụy đã chọn giải pháp tự giết mổ rồi đem thịt ra chợ bán. Cách đây hơn tháng, thương lái vào trả gia đình chị Nhung (xã Thanh Sơn) giá 27.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng. Thấy thấp, gia đình cố giữ lại chờ giá cao hơn chút để gỡ gạc đồng vốn. Nhưng nào ngờ, giá lợn hơi không những không tăng mà còn giảm xuống mức 25.000 đồng/kg.

Cực chẳng đã, chị bàn với chồng tự giết mổ rồi mang ra chợ tiêu thụ với giá 40.000-45.000/kg thịt thành phẩm. Mỗi con từ 100-120 kg, nếu tự giết mổ và đem bán, vợ chồng chị Nhung chịu lỗ tầm 400.000 đồng, còn bán cho thương lái thời điểm này, số tiền lỗ sẽ lên tới 800.000-1.000.000 đồng/con. Chị Nhung tâm sự, đã chuyển sang nghề mổ lợn 2 tuần nay. Hai vợ chồng đứng bán ở hai chợ khác nhau, ngày cao điểm cũng tiêu thụ được 2 con, còn đâu thì “túc tắc” 1 con/ngày.

Nhưng mấy ngày nay bán chậm hẳn do giá lợn xuống quá thấp. Nhiều gia đình trong xã rủ nhau “đụng” lợn ăn dần, cứ 4-5 hộ chung một con hơn 1 tạ, tính ra chỉ có 300.000 đồng/suất. Không như chị Nhung, bà Lan - người có thâm niên trong nghề bán thịt lợn tại chợ Tú Sơn cũng chưa bao giờ gặp tình trạng bán hàng èo ọt như hiện nay. Khoảng giữa năm 2016, khi giá lợn hơi đang ở mức 45.000-50.000 đồng/kg, có ngày bà bán ra 80-100kg thịt. Nhưng ở thời điểm hiện tại, ngày bán được 15-20kg thịt cũng trầy trật, nhiều hôm ế bà phải cầm đi gán cho người thân ăn hộ.

Theo chị Nguyễn Thị Thảo, cán bộ phụ trách chăn nuôi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy, việc người dân tự ý giết mổ lợn mang ra chợ tiêu thụ chỉ là giải pháp tạm thời, thụ động. Với các hộ chăn nuôi có quy mô hàng trăm con thì không thể áp dụng cách này được. Hiện tại, chính quyền huyện Kiến Thụy đang động viên bà con chăn nuôi giữ ổn định đàn lợn, giảm số lượng đàn lợn nái, hạn chế “vào đàn” mới, tránh tình trạng “vào đàn” theo phong trào, không nghe ngóng nhu cầu của thị trường, dẫn đến tình trạng cung lớn cầu.

Đồng thời, huyện đã kiến nghị thành phố có những chính sách hỗ trợ kịp thời về vốn cho bà con chăn nuôi, giúp ổn định đầu ra. Một điều đặc biệt quan trọng là công tác phân tích, đánh giá, dự báo nhu cầu của thị trường nên được các cơ quan chuyên ngành về lĩnh vực chăn nuôi, thị trường giá cả chú trọng điều tiết, cảnh báo kịp thời, tránh trường hợp người chăn nuôi sản xuất một cách tự phát như hiện nay.

 Trường Giang - Lan Anh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông