Người Việt Nam với Giải Nobel hòa bình

10:00 15/12/2023

Việt Nam do vị trí địa chính trị quan trọng nên luôn bị ngoại bang gây chiến tranh xâm lược, từng bị nghìn năm đô hộ của phương Bắc, gần trăm năm nô lệ của Pháp…, tiếp đến là 20 năm kháng chiến chống Mỹ giải phóng dân tộc, rồi lại ngăn bước quân thù ở biên giới để bảo toàn lãnh thổ, chưa kể phải căng sức chống bao vây cấm vận, phá hoại nhiều mặt… Chính vì thế nên người Việt Nam rất khát khao hoà bình, sẵn sàng hy sinh tất cả để có được hoà bình - nền hoà bình thực thụ chứ không phải thứ hòa bình viển vông hay những danh hiệu không xứng đáng, kể cả giải Nobel.

Đôi nét về giải Nobel Hòa bình

Trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia giới thiệu: Theo nguyện vọng ghi trong di chúc của Alfred Nobel, Giải Nobel Hòa bình dành "cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình". Giải được trao vào ngày 10 tháng 12 hằng năm, ngày mất của Alfred Nobel, tại thủ đô Oslo của Na Uy.

Mục đích tốt đẹp là như vậy, nhưng cũng có khi giải này gây tranh cãi nhiều nhất trong hệ thống Giải Nobel. Lý do: Ở các giải Nobel về Văn học hay về Khoa học, các ứng cử viên thường được xét giải sau vài chục năm họ có đóng góp, cống hiến, thành tựu đã được thẩm định trong thực tiễn.

Riêng Giải Nobel Hòa bình lại xét duyệt và trao ngay trong năm mà ứng viên có thành tích hoặc trong khoảng thời gian ngắn xung quanh thời gian xét giải, vì vậy đã có nhiều cá nhân hoặc tổ chức sau khi nhận giải lại tham gia vào việc phát động các cuộc chiến tranh hoặc chạy đua vũ trang.

Một trong những trường hợp gây tranh cãi nhiều nhất liên quan giải Nobel Hòa bình là việc Ủy ban Nobel trao giải này cho Cố vấn Lê Đức Thọ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Trợ lý Tổng thống Hoa Kỳ Henry Kissinger vào năm 1973.

Ngược dòng lịch sử của giải này ta còn biết rằng, một số trùm phát xít như Adolf Hitler, Benito Mussolini cũng từng được đề cử giải thưởng về hòa bình. 

Người Việt Nam với giải Nobel Hòa bình

Trong danh sách những người được giải Nobel Hòa bình giới thiệu trên trang web chính thức của giải Nobel là https://www.nobelprize.org có một người Việt Nam, đó là Cố vấn Lê Đức Thọ (1911-1990).

Cố vấn Lê Đức Thọ

Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh tại thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, huyện Nam Trực (nay thuộc thành phố Nam Định), tỉnh Nam Định. Tham gia các hoạt động cách mạng (tổ chức bãi khóa, dự lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh...) và bị Pháp bắt giam hai lần (1930-1936 và 1939-1944). Sau khi được thả tự do lần thứ hai, ông trở về Hà Nội hoạt động và trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.

Năm 1944 ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1948, ông được cử vào miền Nam làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam cho tới Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954.

Sau khi tập kết ra Bắc năm 1955, ông được bầu vào Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam (sau đổi là Đảng Cộng sản Việt Nam). Sau tết Mậu Thân, ông được điều trở lại miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, nhằm phát huy kết quả của đợt tổng tấn công tết 1968. Ông là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam cho tới năm 1986.

Tháng 5/1968, ông Lê Đức Thọ được Chủ tịch Hồ Chí Minh vời ra Hà Nội, cử làm cố vấn đặc biệt cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Các cuộc đấu trí cả bí mật lẫn công khai tại Pari giữa Lê Đức Thọ và Henry Kissinger (một người gốc Do Thái được đánh giá là "tài ba về chính trị, lại có tài hùng biện, rất khéo chơi chữ để nói quanh co”), đã "khiến thế giới ngã mũ", "đã trở thành huyền thoại trong lịch sử ngoại giao thế giới". Ông và phái đoàn của ta đã vận dụng khôn khéo, hiệu quả kết quả đấu tranh giữa các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, phát huy nghệ thuật vừa đánh vừa đàm đặc trưng của ngoại giao Việt Nam.

Ngày 23/1/1973, tại Pari, Cố vấn Lê Đức Thọ cùng Trợ lý Tổng thống Mỹ Kissinger đã ký tắt văn bản Hiệp định. Ngày 27-1-1973 đã diễn ra lễ ký chính thức Hiệp định tại Paris, buộc Mỹ và chư hầu phải rút quân khỏi miền Nam, chúng ta hoàn thành bước một tâm nguyện của Bác Hồ là "đánh cho Mỹ cút", tạo điều kiện thuận lợi để tiến tới hai năm sau, vào ngày 30/4/1975 chúng ta "đánh cho Ngụy nhào", kết thúc cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước.

Cuối năm 1973, cố vấn Lê Đức Thọ cùng Henry Kisinger được đồng trao giải Nobel về hòa bình nhưng ông đã từ chối nhận giải. Trang web chính thức của giải Nobel viết về Lê Đức Thọ: “Lê Đức Thọ đã có kinh nghiệm đấu tranh lâu dài với các cường quốc khi đàm phán với Henry Kissinger về đình chiến ở Việt Nam từ năm 1969 đến năm 1973. Khi còn trẻ, ông đã trở thành một người Cộng sản và chính quyền thực dân Pháp đã bỏ tù ông trong nhiều năm.

Ông đã giành được một vị trí trong ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam trong Thế chiến thứ hai. Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập sau thất bại của Nhật năm 1945 nhưng Pháp quay trở lại và Lê Đức Thọ trở thành một trong những nhà lãnh đạo quân sự của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Sau thất bại của Pháp, Việt Nam bị chia cắt. Hoa Kỳ ủng hộ một chính phủ ở miền Nam Việt Nam mà Cộng sản ở miền Bắc coi là chính phủ bù nhìn của Mỹ. Khi Hoa Kỳ quyết định đàm phán sau năm 1968, Lê Đức Thọ được bổ nhiệm làm trưởng đoàn đàm phán của Bắc Việt, đối đầu với Henry Kissinger.”

Trang này cũng viết rằng ông từ chối nhận giải do đối phương đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Song trong bài trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng tin UPI (Mỹ) Sylvana Foa vào ngày 15-3-1985, Cố vấn Lê Đức Thọ nói rõ ông từ chối giải này với lý do Ủy ban Giải đã sai lầm khi đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh (Mỹ) và người tạo hòa bình (Việt Nam).

Đối với dư luận quốc tế, đây là giải thưởng gây tranh cãi nhất từ trước đến nay. Lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng Nobel Hòa bình, hai thành viên đã rời Ủy ban Nobel để phản đối.

* Ngoài ra, còn một người Việt Nam khác cũng có đóng góp vào giải Nobel Hòa bình năm 2007 là Tiến sỹ Nguyễn Hữu Ninh - Giảng viên cao cấp, nhà nghiên cứu cao cấp, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED) -  Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh

Năm 2007, tại Oslo, Na Uy, cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore và Hội đồng liên chính phủ về Biến đổi khí hậu thuộc Liên hiệp Quốc đã nhận giải Nobel Hòa bìnhvì đã có những đóng góp đáng kể cho việc giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu.

 Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC) được thành lập năm 1988 bởi hai tổ chức của Liên Hiệp Quốc là Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), đây là một cơ quan khoa học không tiến hành nghiên cứu hay quan trắc khí hậu hay các hiện tượng liên quan mà chịu trách nhiệm đánh giá rủi ro về biến đổi khí hậu do hoạt động con người gây ra, thông qua việc xuất bản các báo cáo đặc biệt về các chủ đề liên quan tới việc thực thi Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu.

Các báo cáo đặc biệt đó được 2.000 tác giả của IPCC xây dựng gồm 3.000 trang, chia làm 3 cuốn, thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông và  chính phủ các nước. Trong 2.000 tác giả thành viên IPCC đó có Tiến sỹ Nguyễn Hữu Ninh của Việt Nam - 1 trong 10 tác giả chính phần viết về Châu Á (chương 10) trong cuốn sách thứ 2: "Biến đổi khí hậu: Tác động, thích nghi và nhạy cảm”.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Ninh có nhiều năm học tập, nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Sinh học tại Hungary. Ông là GS.TS danh dự, Tiến sĩ khoa học danh dự, giảng viên thỉnh giảng của một số Trường Đại học ở châu Âu, Hoa Kỳ, ông có nhiều đóng góp cho bảo vệ môi trường và khí hậu ở Việt Nam và toàn cầu.

***

Sau khi giành được độc lập, thống nhất, người Việt Nam luôn nỗ lực dựng xây đất nước, phát triển kinh tế và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 1999, tại La Paz, Thủ đô của Bolivia, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) trao tặng thủ đô Hà Nội danh hiệu "Thành phố vì hòa bình".

Năm 2018, tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation có sở chính tại Vương quốc Anh xếp hạng Việt Nam là quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới. Tháng 7-2019, ngân hàng HSBC khảo sát, công bố Việt Nam đứng thứ 10 trong danh sách “Những địa điểm đáng sống và làm việc nhất thế giới”.

Người Việt Nam luôn quyết tâm kiến tạo hòa bình, bảo vệ hòa bình.

Nguyễn Dương

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông