19:09 27/02/2022 Trước thực trạng số ca F0 liên tục tăng cao trên địa bàn thành phố, có hiện tượng nhiều người dân đã tự ý tìm mua tích trữ và tự ý sử dụng thuốc trị Covid-19 sau khi phát hiện dương tính với vi rút SARS- CoV-2 mà không khai báo y tế cơ sở. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế việc dùng sai thuốc không chữa được bệnh, thậm chí sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng.
Thuốc trị Covid-19-loại nào cũng có…
Chỉ cần không đến 5 phút lướt trên các trang mạng có thể bắt gặp hàng trăm lời quảng bá về các loại thuốc trị Covid- 19 “xách tay” với rất nhiều lời mời chào hấp dẫn, và hướng dẫn cách sử dụng…
Chị Vũ Thu Hiền (phường Nam Sơn, quận Kiến An) chia sẻ, truy cập vào các trang mạng xã hội chị được tư vấn loại thuốc điều trị Covid-19 của Nga, có tác dụng ức chế vi rút, tăng cường đề kháng, giảm tối đa lây nhiễm Covid-19. Thuốc có nhiều dạng, dùng cho các lứa tuổi và giá thì “trên trời”. Liệu trình 40 viên 10 triệu, hộp 100 viên 13 triệu, 17 viên giá gần 3 triệu…Thuốc molnupiravir 400mg được chào bán với giá 1,2 triệu đồng/vỉ 10 viên; molcovir có giá gần 5 triệu đồng cho 1 hộp 100 viên nang; thuốc arbidol 200mg của Nga được rao bán giá 290-350 ngàn đồng/hộp 10 viên; thuốc areplivir có giá từ 2,1-2,5 triệu đồng/hộp; thuốc favipiravir và remdesivir cũng được chào bán với giá từ 3-5 triệu đồng...rất nhiều loại thuốc nên chị hoang mang chưa biết nên mua loại nào.
Với tâm lý “phòng bệnh”, Chị Thu Hằng (huyện Tiên Lãng) chia sẻ: “Công ty nơi tôi làm việc mới có F0, nhà có con nhỏ, bố mẹ già, nên cũng mua sẵn thuốc kháng vi rút để dự phòng. Chị cho hay, qua tham khảo trên mạng chị thấy có rất nhiều loại thuốc trị Covid-19 của nước ngoài với nhiều loại giá khác nhau và đã tìm mua một số loại như: Favipiravir, molnupiravir, areplivir, arbidol… với số tiền gần lên đến hàng triệu đồng.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, thuốc kháng vi rút được sử dụng trong phác đồ điều trị Covid-19 tại Việt Nam mới chỉ có 3 loại: Molnupiravir, favipiravir, remdesivir... Tuy nhiên, theo Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế cập nhật ngày 12/12/2021 thì trong các thuốc có tác dụng kháng vi rút SARS-CoV2, chỉ có favipiravir hàm lượng 200/400mg là được phép sử dụng đường uống với liều lượng do bác sĩ chỉ định. Thuốc remdesivir chỉ được sử dụng tại cơ sở y tế và cũng tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh.
Theo Bộ Y tế, hiện tại, molnupiravir đang được dùng trong các chương trình điều trị thí điểm có kiểm soát. Thuốc được cấp phát miễn phí cho bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ và vừa, không được bán trên thị thường.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, việc mua, bán, sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.
Tự ý mua thuốc điều trị Covid-19 gây hệ lụy khôn lường
Theo TS.BS Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, việc người dân tự test nhanh, phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng không chủ động khai báo với nhân viên y tế mà tự mua thuốc “ngoài luồng” điều trị dễ gây hệ lụy khôn lường.
Cụ thể, người dân tự ý mua và sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm có thể gây ra tình trạng giả triệu chứng bệnh hoặc sử dụng thuốc không đúng giai đoạn bệnh có thể gây rủi ro, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Thực tế, có người bệnh tự ý điều trị thuốc tại nhà, không tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế, đến lúc bệnh trở nặng, đưa đến cơ sở y tế thì đã diễn biến nặng, khó cứu chữa, khó qua khỏi, gần như các thuốc, phác đồ điều trị không còn hiệu lực, hiệu quả nữa để lại di chứng và nguy cơ tử vong rất cao.
Hiện, ngành Y tế cung cấp nhiều số điện thoại đường dây nóng, nhất là điện thoại của các trạm y tế lưu động, các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến quận, huyện để tiếp nhận các thông tin, quản lý, theo dõi các ca bệnh điều trị tại nhà cũng như tại cộng đồng. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi test nhanh, phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2, phải thông báo cho người thân, người quen biết về tình trạng bệnh của mình để áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cách ly, xét nghiệm kịp thời.
Đồng thời, khai báo với cơ sở y tế để quản lý, theo dõi, hỗ trợ, tư vấn điều trị tại nhà; tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị tự chữa. Khi sức khỏe diễn biến bất thường, như: sốt cao, khó thở, hay các biểu hiện nặng, cần thông tin ngay tới cơ sở y tế để tư vấn, tiếp cận, chuyển tuyến kịp thời. Có như vậy mới hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh phức tạp trong cộng đồng, giảm tình trạng người bệnh trở nặng hoặc tử vong do mắc Covid-19.
TS.BS Nguyễn Quang Chính nhấn mạnh, mỗi thuốc kháng vi rút chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Do vậy việc dùng các thuốc kháng vi rút này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid-19 này cũng có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro đáng tiếc.
Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid-19 theo mách bảo. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng Covid-19 ở người bệnh.
VŨ DUYÊN
15:49 22/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết