18:29 26/02/2020 Trong không gian im ắng, chỉ có âm thanh đều đều phát ra từ những máy trợ thở, thỉnh thoảng có tiếng thều thào từ một người bệnh nào đó, những bác sĩ, điều dưỡng trong bộ blouse trắng đi nhẹ nhàng trong khắp phòng bệnh, ân cần vỗ nhè nhẹ vào lưng rồi trở mình cho người bệnh thật khẽ, người thì cho ăn, người thì thay quần áo, làm vệ sinh cá nhân… Đó là những gì có thể dễ dàng bắt gặp trong những phòng bệnh của Khoa Hồi sức tích cực (HSTC) Nội và chống độc-Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.
Khoa HSTC Nội và chống độc, nơi điều trị, chăm sóc những bệnh nhân nặng
Đến thăm Khoa HSTC Nội và chống độc-Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp vào một buổi chiều muộn, tôi mới hiểu phần nào công việc “lặng lẽ” của các bác sĩ, điều dưỡng ở đây. Khoa HSTC Nội và chống độc với 40 giường bệnh luôn kín đầy. Phấn lớn bệnh nhân điều trị của khoa đều là những bệnh nhân nặng, mạn tính, nhiều bệnh phối hợp, một số người bệnh đã trong tình trạng suy kiệt cả sức khỏe và tinh thần, kinh tế vô cùng khó khăn, rất cần sự sẻ chia sẻ, động viên, nhất là chế độ chăm sóc đặc biệt. Để đưa họ trở về với cuộc sống đời thường, không phải là điều dễ dàng. Với tâm đức, tấm lòng của người thầy thuốc, 44 bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở đây đã từng giờ, từng ngày nỗ làm việc và coi đó như một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Các bác sĩ, điều dưỡng Khoa HSTC Nội và chống độc luôn tận tâm trong điều trị, chăm sóc cho người bệnh
Chị Nguyễn Thị Hạnh-Điều dưỡng trưởng Khoa HSTC Nội và chống độc đã có gần 30 năm gắn bó với nghề. Chị chia sẻ: Trong mấy chục năm làm nghề điều dưỡng, chị đã chăm sóc hàng nghìn bệnh nhân, chứng kiến hàng nghìn mảnh đời khác nhau. Trong số đó, đa phần đều là những bệnh nhân nặng, hầu như không còn “tha thiết” với cuộc sống nên đều không phối hợp với các bác sĩ, điều dưỡng. Vì vậy việc điều trị cho người bệnh rất vất vả, khó khăn.
Chị kể, mới đây nhất có trường hợp bệnh nhân là một phụ nữ ngoài 30 tuổi vì mâu thuẫn với chồng mà tự quyên sinh. Rất may, người phụ nữ đã được đưa vào cứu chữa kịp thời tại Bệnh viện rồi chuyển điều trị tại Khoa. Ngày đầu vào Khoa, bệnh nhân sức khỏe rất yếu, lại không có sự phối hợp với bác sĩ, điều dưỡng. Chị đã phải tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, đến bên giường bệnh, nắm lấy bàn tay người bệnh, rồi kể cho người phụ nữ ấy nghe “Trong lúc này các con của cô ấy đang làm gì ở nhà, nếu là ngày bình thường đến giờ này, có lẽ em đang đi đón con, mẹ con cùng nhau ríu rít trò chuyện và nấu cơm tối. Em có muốn trở về với con không?” Nghe đến câu hỏi này, mắt bệnh nhân đã rưng rưng. Từ lúc đó, bệnh nhân mới thực sự phối hợp các chị để điều trị và nhanh chóng phục hồi sức khỏe, trở về với gia đình.
Chị kể thêm, nhiều trường hợp, không chỉ có bệnh nhân mà cả gia đình, người thân đều không phối hợp với y, bác sĩ và điều dưỡng ở khoa, hoặc hoàn cảnh gia đình người bệnh hết sức phức tạp, trong khi tình trạng của bệnh nhân đang vô cùng nguy hiểm, khoảng cách giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Những lúc đó, các anh các chị không chỉ có “tình thương” mà phải có “tinh thần thép” để vừa có thể thuyết phục, vừa cương quyết thực hiện các công tác chuyên môn để có thể cứu được người bệnh trong gang tấc.
Dù vất vả, nhiều khó khăn, nhưng những y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý của khoa chưa khi nào nề hà bất cứ một công việc gì mà luôn hết mình, trách nhiệm và tận tâm. Có những nhân viên điều dưỡng của khoa còn rất trẻ, chưa quen với công việc chăm sóc người khác nhưng khi làm việc ở khoa vẫn luôn cố gắng học hỏi và chăm sóc bệnh nhân như chính người thân trong gia đình. Hay có những nhân viên của khoa dù cuộc sống gia đình còn nhiều tâm tư, nỗi niềm, nhiều áp lực nhưng gạt đi tất cả những điều riêng tư ấy, các anh chị khi làm việc vẫn luôn đầy tâm huyết, dành nhiều tình cảm, quan tâm đặc biệt với bệnh nhân.
Coi bệnh nhân như người thân trong gia đình, ngoài công tác điều trị, chăm sóc thật tốt cho người bệnh, các y bác sĩ của khoa luôn trăn trở phải làm được những gì tốt đẹp nhất cho họ, đặc biệt trong việc tiết kiệm, cắt giảm chi phí cho người bệnh. Thạc sĩ Bùi Văn Tám-Trưởng khoa Khoa HSTC Nội và chống độc-Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp trong những năm qua đã dành thời gian tự học, tự nghiên cứu và học hỏi ở các bệnh viện lớn trên cả nước để có thể áp dụng thành công các kỹ thuật mới, đạt hiệu quả, cứu sống được nhiều người bệnh, giảm áp lực bệnh nhân tại các tuyến trên, lại có thể giúp người bệnh tiết kiệm chi phí. Được biết, tại khoa, các kỹ thuật mới được áp dụng thành công là: Lọc máu cấp cứu liên tục, Thay huyết tương; Hạ thân nhiệt chỉ huy cho người bệnh sau cấp cứu ngừng tuần hoàn; Thăm dò huyết động, đo cung lượng tim liên tục bằng phương pháp Volume View…
Ghi nhận những nỗ lực, cống hiến và thành tích đạt được, trong thời gian qua, Thủ tướng chính phủ, Bộ Y tế, UBND TP Hải Phòng đã trao nhiều bằng khen cao quý tặng Khoa HSTC Nội và chống độc-Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Nhưng có lẽ, đối với những y bác sĩ, điều dưỡng đang công tác ở đây thì sức khỏe, niềm vui, sự tin yêu của người bệnh mới là niềm hạnh phúc mong chờ. Đó chính là động lực giúp cho những người “thầy thuốc như mẹ hiền” vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục cống hiến hết mình vì người bệnh.
Xuân Hạ
15:49 22/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết