Phát triển sản xuất chăn nuôi gắn liền với tăng cường phòng, chống dịch bệnh

15:00 03/03/2022

Thời gian qua, bên cạnh việc chú trọng phát triển sản xuất chăn nuôi, ngành nông nghiệp còn đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi gắn liền với bảo đảm an toàn dịch bệnh là chủ trương đúng đắn mà ngành nông nghiệp thành phố Hải Phòng đã và đang tập trung triển khai quyết liệt.
Phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi góp phần bảo vệ sản xuất chăn nuôi trên địa bàn thành phố

Những năm qua, hoạt động chăn nuôi luôn giữ vai trò, vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của thành phố. Phương thức chăn nuôi có sự dịch chuyển mạnh từ quy mô nhỏ, hộ gia đình, tự cung tự cấp sang chăn nuôi quy mô trang trại sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng đàn vật nuôi. Sản phẩm từ chăn nuôi có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng và đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố. Theo thống kê, toàn thành phố hiện có 936 trang trại chăn nuôi, trong đó có 163 trang trại lợn (bao gồm 13 trang trại quy mô lớn, 65 trang trại quy mô vừa, 85 trang trại quy mô nhỏ); 773 trang trại gia cầm ( gồm 202 trang trại quy mô vừa, 571 trang trại quy mô nhỏ), chiếm 51,82% tổng đàn lợn và 51,14% tổng đàn gia cầm.

Với tư duy và phương thức chăn nuôi có bước chuyển biến mạnh từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi hàng hóa tập trung, đặc biệt đối với đàn lợn và đàn gia cầm ( năm 2021, đàn lợn đạt 133.064 con, đàn gia cầm đạt 8.708, 07 nghìn con), từ đó đưa đến việc sản lượng thịt hơi tăng, do vậy, chất lượng, giá trị của lĩnh vực chăn nuôi cũng tăng lên. Năm 2021, sản lượng thịt hơi ước đạt 96.580,77 tấn; trứng gia cầm các loại đạt 325,12 triệu quả; giá trị sản xuất ước đạt 5.088,9 tỷ đồng.

Tương tự, đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, do chú trọng đến việc mở rộng diện tích chăn nuôi vụ Đông và tiếp tục mở rộng, hình thành vùng chuyên canh, khu nuôi ứng dụng công nghệ cao nên diện tích nuôi trồng thủy sản trong năm 2021 ước đạt 11.430,3 ha; sản lượng thủy sản ước đạt 190,7 nghìn tấn; giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 5.362,2 tỷ đồng.

Tuy vậy, những năm gần đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi đã ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi, trong đó gây thiệt hại lớn là bện Tả lợn Châu phi và dịch Viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; dịch Cúm gia cầm A/H5N1 và bệnh Đốm trắng, Hoại tử gan tụy cấp tính đối với thủy sản nuôi. Theo thống kê từ Sở NN&PTNT, tại Hải Phòng, từ ngày 25-6-2021 đến ngày 25-12-2021, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 10 xã thuộc các huyện: Tiên Lãng, Cát Hải và quận Dương Kinh, tổng số lợn bắt buộc tiêu hủy là 339 con; bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò xảy ra tại 5 xã của 4 quận, huyện: Dương Kinh, Tiên Lãng, Cát Hải, Kiến Thụy; tổng số gia súc buộc tiêu hủy là 8 con. Riêng dịch Cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy: số gia cầm ốm, chết, buộc phải tiêu hủy là 1.080 con. Đối với thủy sản nuôi, bệnh Đốm trắng, Hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra tại các phường: Hải Thành, Tân Thành (quận Dương Kinh), xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng), xã Cao Minh (huyện Vĩnh Bảo), xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy); tổng diện tích tôm mắc bệnh 357,97 ha; diện tích nuôi tôm có nguy cơ nhiễm bệnh trên 100 ha.

Nhận định về nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, theo Sở NN&PTNT, do sau khi dịch được khống chế trên địa bàn thành phố trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, người chăn nuôi bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan; thực tế hầu hết các ổ dịch trên địa bàn thành phố trong thời gian qua xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học,  mua con giống không rõ nguồn gốc, mang mầm bệnh do thương lái vận chuyển từ các địa phương có dịch về nuôi làm dịch phát sinh và lây lan.

Xác định đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh chính là giải pháp hữu hiệu để ngành chăn nuôi phát triển, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng đã phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên động vật các quận, huyện tập trung chỉ đạo phun tiêu độc, khử trùng tại khu vực chăn nuôi, bãi chăn thả, cơ sở giết mổ động vật, vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm… cũng như chỉ đạo tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định, tuyên truyền và thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ để chủ động bảo vệ đàn vật nuôi. Đối với các ổ dịch cũ cũng được theo dõi sát sao, đồng thời phát hiện sớm các ổ dịch mới nhằm kịp thời xử lý, không để lây lan sang diện rộng.

Năm 2022, để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh, nhiều giải pháp cho ngành chăn nuôi được triển khai như: tổ chức tiêm vắc-xin đạt 100% để đảm bảo tỷ lệ miễn dịch quần thể cho đàn vật nuôi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi nhằm phát hiện sớm dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm; đặc biệt tại trạm kiểm dịch động vật cố định Đá Bạc nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm mang mầm bệnh từ các địa phương có dịch vào tiêu thụ làm lây lan dịch bệnh, gây tác hại cho sản xuất chăn nuôi trên địa bàn thành phố, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Những giải pháp nêu trên được ngành chăn nuôi tập trung thực hiện quyết liệt nhằm phấn đấu trong năm 2022, đàn bò đạt 8.950 con; đàn trâu 4.080 con; đàn lợn 150.000 con; đàn gia cầm 8.815 nghìn con. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 102.159,3 tấn; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 5.157,6 tỷ đồng.

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông