17:41 18/11/2021 Những ngày qua, thời tiết biến động bất thường làm cho một số trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp có xu hướng gia tăng,Viêm đường hô hấp ở trẻ em có thể gặp quanh năm nhưng lúc chuyển mùa là thời điểm trẻ dễ mắc bệnh hơn cả. Khi trẻ mắc bệnh này, người nhà cần theo dõi vì bệnh có thể diễn tiến phức tạp. Tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, ghi nhận trong thời gian qua, số lượng bệnh nhi nhập viện do mắc bệnh về hô hấp tăng cao, trong đó phần lớn viêm tiểu phế quản ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Gia tăng số trẻ mắc bệnh về hô hấp
Tại khoa Khám bệnh (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) trung bình mỗi ngày tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú hơn 300 bệnh nhi, trong đó hơn một nửa số bệnh nhi mắc bệnh về hô hấp.
Trong khi đó, tại khoa Hô hấp của bệnh viện, 80 giường bệnh trong khoa kín chỗ. Các cháu chủ yếu mắc các bệnh viêm phổi, hen phế quản, viêm phổi thùy và 75% số trẻ dưới 6 tháng tuổi mắc viêm tiểu phế quản.
Theo người nhà cháu N.A.K, hơn 10 tháng tuổi, ở xã Quang Phục (huyện Tiên Lãng), cháu được gia đình cho vào Bệnh viên Trẻ em Hải Phòng được các bác sĩ chẩn đoán: viêm phổi nặng, viêm tiểu phế quản.
Theo mẹ cháu bé cho biết: Ngày vào viện, cháu thở rút lõm lồng ngực, bỏ bú, da xanh tái. Sau 3 ngày nằm viện, được các bác sĩ điều trị tích cực, truyền thêm máu, sức khỏe cháu khá hơn, cháu bú tốt, ngủ được và trông hồng hào hơn.
Hay trường hợp bệnh nhi khác ở xã Thủy Sơn (huyệnThủy Nguyên), mắc viêm tiểu phế quản kèm thêm bệnh nền nên thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn, tiên lượng bệnh nặng hơn. Với trường hợp bệnh nhi này, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gặp biến chứng khó lường.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Ngọc Anh, Trưởng Khoa hô hấp (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng), trong những bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em khi thời tiết giao mùa, bệnh viêm tiểu phế quản có tỷ lệ mắc khá cao trong đợt này. Viêm tiểu phế quản là bệnh do vi rút gây ra, lây lan qua không khí, qua tiếp xúc với vật bị nhiễm vi rút. Người bệnh có các triệu chứng như sổ mũi, thở khò khè, thở rít, ho và sốt, tuy nhiên sốt không cao, có thể mất nước, điện giải... Viêm tiểu phế quản thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 24 tháng tuổi, với tỷ lệ cao ở trẻ từ 2 tháng đến 6 tháng tuổi. Trẻ nhiễm bị suy hô hấp kéo dài và dễ tái phát. Nhất là với những trường hợp bệnh nhi vừa mắc viêm tiểu phế quản vừa kèm thêm bệnh nền, việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều.
Những biến chứng của viêm tiểu phế quản có thể kể đến là viêm tai giữa (khoảng 20% số trẻ sơ sinh) và hen suyễn (khoảng 30% số trẻ) sau khi bị viêm tiểu phế quản. Bệnh cũng gây biến chứng suy hô hấp như viêm phổi và viêm phổi nặng, khi gặp các loại vi khuẩn khác tấn công hệ miễn dịch, gây ra tình trạng bội nhiễm và phải dùng đến kháng sinh đặc hiệu.
Phòng bệnh hiệu quả cho trẻ
Nhiễm trùng đường hô hấp (viêm đường hô hấp) là bệnh lý phổ biến, gặp ở hầu hết trẻ nhỏ. Hệ thống miễn dịch của trẻ em, đặc biệt là các trẻ dưới 7 tuổi còn rất yếu, non nớt và gần như chưa hoàn thiện. Đây là điều kiện thuận lợi để vi trùng xâm nhiễm và gây bệnh. Trung bình 1 trẻ có thể bị viêm đường hô hấp 4-6 lần trong năm. Cá biệt có những trẻ liên tục viêm đường hô hấp với các dạng bệnh khác nhau.
Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi có hệ miễn dịch kém như trẻ sinh non, suy dinh dưỡng, không bú mẹ hoàn toàn, tim bẩm sinh, còi xương…, khi gặp tiết trời ẩm ướt dễ mắc bệnh hơn.
Lý do là giai đoạn này, sức đề kháng của bé còn yếu, chức năng phổi chưa hoàn thiện khiến vi rút gây bệnh dễ xâm nhập. Ngoài ra, do các tác nhân từ bên ngoài như môi trường, thời tiết, khí hậu, miễn dịch cộng đồng thấp hay các tác nhân xấu từ khói thuốc, ô nhiễm,... cũng là tác nhân khiến bệnh gia tăng và dễ tái phát.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Ngọc Anh nhận định, với các bệnh về đường hô hấp, nhất là viêm tiểu phế quản, nên chẩn đoán sớm và đúng bệnh vì triệu chứng của chúng có thể dễ nhầm với các bệnh khác. Trong điều trị, với bệnh viêm tiểu phế quản, chỉ cần vỗ rung long đờm, khí dung bằng nước muối ưu trương để kéo chất bẩn khỏi đường thở, sau đó hút sạch, giúp đường thở thông thoáng mà chưa cần đến kháng sinh. Với trường hợp bội nhiễm, viêm phổi, với các đánh giá lâm sàng như: ho, sốt, thở nhanh, cần sử dụng kháng sinh sớm, đúng liều lượng, đúng chủng loại, tránh dùng kháng sinh phổ rộng không đúng chỉ định và cũng không hiệu quả.
Để phòng các bệnh về đường hô hấp cho trẻ, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi, các bác sĩ khuyên, cần bảo vệ môi trường sống của trẻ sạch sẽ, chế độ dinh dưỡng bảo đảm đủ chất, khoa học. Về vệ sinh thân thể, cần tắm rửa cho trẻ hằng ngày trong điều kiện nhiệt độ 28 độ C. Khi thời tiết thay đổi, không nên ủ kín trẻ, khiến trẻ dễ sinh mồ hôi, dẫn đến nhiễm lạnh trở lại và gây bệnh viêm phổi.
Đồng thời, lưu ý tiêm phòng định kỳ đầy đủ cho trẻ như các loại vaccine phế cầu, HI, 5 trong 1, 6 trong 1. Thăm khám kịp thời khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh: Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị, nhất là các loại thuốc kháng sinh. Phải uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
VŨ DUYÊN
15:49 22/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết