17:52 13/11/2017 Đoàn Cải lương Hải Phòng vừa công diễn vở “Linh hồn của đá” sau gần 3 tháng dàn dựng và tập luyện. Trong cả 2 buổi đầu tiên ra mắt khán giả, vở đã "lấy đi nhiều nước mắt" của người xem khi các diễn viên của đoàn hóa thân xuất sắc vào các nhân vật trong câu chuyện nhân duyên éo le của người thiếu phụ hóa đá chờ chồng.
Các diễn viên hóa thân xuất sắc vào các nhân vật trong câu chuyện nhân duyên éo le của người thiếu phụ hóa đá chờ chồng
Bi kịch cảm động
Trong hai buổi công diễn vở “Linh hồn của đá” tại nhà hát của Đoàn Cải lương, khán giả đã đến xem rất đông. Vở diễn đã khiến không ít khán giả đã rơi lệ vì cảm động trước những biến cố được đẩy lên tới đỉm điểm mà Vịnh và Thanh - 2 nhân vật chính trong vở - gặp phải. “Linh hồn của đá” được dàn dựng từ kịch bản văn học cùng tên của cố tác giả Lưu Quang Vũ, soạn giả Mộc Linh và Hoài Việt chuyển thể thành cải lương, NSƯT Nguyễn Đăng Toàn – Trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng đạo diễn.
Vở diễn lấy bối cảnh ở xóm Đá nghèo, người dân quanh xóm đều mưu sinh với nghề chế tác tượng đá. Khi ấy, Vịnh (nghệ sĩ Quang Lâm) cùng toán lính của triều đình đã tìm đến một nhà dân nương náu vì bị giặc làm trọng thương. Được chở che, bao bọc bởi những tấm lòng nhân hậu, trong những ngày tháng tá túc tại đây, Vịnh cảm mến người con gái của chủ nhà là cô Thanh (nghệ sĩ Kim Oanh). Tiếp tục lên đường, Vịnh mang theo lời hẹn ước với cô gái trẻ, mong ngày trở về kết duyên cùng nàng. Chiếc vòng đá hoa cương Thanh trao cho Vịnh là vật làm tin quý giá với tâm nguyện “đá là tâm hồn em, trong mọi thứ trên đời không có gì chắc bền bằng đá”.
Kể từ đó, cô Thanh ngày ngày mong chờ sẽ được gặp lại người yêu. Dù cho trong xóm rất nhiều người đến hỏi cưới nhưng không gì có thể xóa tan niềm tin son sắt của Thanh dành cho Vịnh. Rồi hạnh phúc vỡ òa khi Vịnh đã trở về, hai người nên duyên vợ chồng và sinh được một người con gái, cùng sống cuộc sống êm đềm tại xóm Đá theo nghề của cha. Cho dù con gái của Vịnh và Thanh có đôi chút thiệt thòi, khi sinh ra đã có một bàn chân bị khoèo nhưng điều đó càng khiến Vịnh và Thanh yêu thương con gái hơn.
Cảnh diễn Vịnh chải tóc cho Thanh, ngay trước khi anh biết đến sự thật phũ phàng
Cuộc sống của gia đình Vịnh cứ êm đềm như thế nếu không có một ngày, anh biết được sự thật ngang trái. Trong lúc chải tóc cho vợ, Vịnh được nghe vợ kể về chiếc sẹo ở trên đầu của cô, chính là do người anh trai ngày trước gây nên. Cứ thế, từng lời kể của vợ như xoáy sâu vào tim Vịnh, bởi anh nhận ra rằng mình chính là người anh trai ấy, đã làm em bị ngã và bỏ mặc em mà chạy trốn, khi quay lại thì đã không thấy em đâu. Bé Bầu – tên gọi lúc nhỏ của em gái giờ lại cứ vang vẳng trong đầu Vịnh với muôn vàn đau đớn. Bị kịch giằng xé trong tâm hồn, Vịnh thất thần vùi mình trong men rượu, luôn tự trách rằng: “Tôi đã làm thể xác em đau, giờ đây tôi lại xé nát tâm hồn em bằng hành động nhơ nhớp”.
Quyết chôn chặt bí mật để không làm Thanh phải gục ngã thêm lần nữa, Vịnh đã bỏ đi khỏi xóm Đá không một lời từ biệt với cô. Và ngày ngày, mẹ con Thanh đều ra đứng chờ mòn mỏi, mong một ngày chồng trở về. Chờ đến tuyệt vọng, hai mẹ con Thanh hóa thành tượng đá. Hóa thân vào các nhân vật để kể lại tấn bi kịch cảm động, 3 nhân vật chính do nghệ sĩ Quang Lâm, Kim Oanh và bé Bảo Ngọc vào vai đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả khi đến xem vở diễn. Có người còn phải thốt lên rằng: “Đã lâu lắm rồi mới được xem một vở cải lương hay và xúc động đến thế”.
Sự thăng hoa giữa kịch bản, đạo diễn và diễn viên
Ngay từ khi bắt đầu dựng, NSƯT Nguyễn Đăng Toàn đã rất tâm đắc với kịch bản văn học của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Cũng từ đây, đạo diễn muốn dành vở diễn cho nhiều đối tượng khán giả, với nội dung mang đậm tính nhân văn sâu sắc.
Cũng theo đạo diễn – NSƯT Nguyễn Đăng Toàn, để dàn dựng được một vở cải lương với chất lượng nhất, tất cả mọi người trong đoàn đều đã rất cố gắng, chú trọng phần âm nhạc, cách thể hiện từng câu chữ trong ca từ và diễn xuất của diễn viên. Đây cũng chính là yếu tố làm nên sự hấp dẫn của vở đối với người xem. Âm nhạc thổi hồn cho vở diễn và góp phần để diễn viên hát tốt hơn, thăng hoa hơn trên sân khấu. Theo đạo diễn, vở “Linh hồn của đá” có sự kết hợp giữa cả nhạc mới và cổ nhưng vẫn giữ được hồn cốt cải lương trong âm nhạc. Trong đó, NSƯT Thanh Thanh Hiền chính là người thể hiện ca khúc chủ đề của vở, như một điểm nhấn cho những ai oán bi thương của câu chuyện tình éo le lay động trái tim người xem.
Trong vở diễn “Linh hồn của đá” có một điểm khá đặc biệt, cũng là lý do khiến khán giả dành nhiều lời ngợi khen. Bé Bảo Ngọc trong vai bé Tâm, con gái của Vịnh và Thanh lại chính là con gái của nghệ sĩ Quang Lâm ở ngoài đời. Có lẽ vì là hai bố con nên đây cũng là những lợi thế cho hai vai diễn trên sân khấu. Bảo Ngọc mới 7 tuổi, có năng khiếu ca hát nhưng khi được đạo diễn tin tưởng giao vai bé Tâm, em chưa một lần biết đến cải lương. Chỉ sau vài ba buổi tập, có thêm sự kèm cặp của bố, chất cải lương đã ngấm dần trong cô bé và cộng với sự thông minh của con nhà nòi, Bảo Ngọc đã vào vai với những cảm xúc hồn nhiên nhất của trẻ thơ, đặc biệt chiếm được cảm tình của rất đông người xem.
Bé Bảo Ngọc hóa thân vào vai diễn với cảm xúc trong trẻo của trẻ thơ
Có thể nói, lâu lắm rồi, cải lương Hải Phòng mới có một vở diễn tròn trịa và xúc động đến thế. Cách đẩy tình tiết lên cao trào với sự móc nối logic khiến cho mỗi lớp diễn đều mang đến những thông điệp thấm thía. Sân khấu của vở dù đơn giản song được kết hợp sáng tạo với thiết kế ánh sáng và âm thanh đã mang lại những hiệu ứng mạnh về thẩm mỹ cũng như lột tả được chiều sâu của kịch bản
Rồi nữa, bảng phân vai trong “Linh hồn của đá” đã cho thấy một dàn diễn viên đồng đều cả về thanh – sắc. Mỗi câu hát, mỗi ngữ điệu, mỗi động tác… của các nghễ sỹ đều rất tự nhiên và đong đầy cản xúc. Vì lẽ đó mà nhiều khán giả đã không kìm được nước mắt trong nhiều phân cảnh của vở. Ấy là lúc Vịnh lang thang một mình hay ngồi trong bóng tối tự trách vấn bản thân, là lúc Vịnh quỳ xin người cha nuôi của Thanh một câu trả lời cho tấn bi kịch anh đang phải đối mặt, là lúc Vịnh phải trốn đi trong đêm khi tiếng ru của Thanh còn văng vẳng bên tai…
Vịnh trở về bên bức tượng đá mang linh hồn của Thanh và con gái
Thành công của vở “Linh hồn của đá” một lần nữa ghi dấu ấn của Đoàn Cải lương Hải Phòng với đề tài lịch sử mang đậm tính nhân văn. Kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ vốn luôn có chiều sâu và khi được dựng thành cải lương, lại tiếp tục mang đến xúc cảm mạnh cho người xem qua những lời ca vọng cổ phương Nam. Được biết, Đoàn Cải lương Hải Phòng cũng từng dàn dựng thành công nhiều vở từ kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ như: Đôi dòng sữa mẹ, Điều không thể mất, 2000 ngày oan trái… và đềuđể lại những dấu ấn riêng. Trong đó, vở diễn “2000 ngày oan trái” đã giành được 2HCV, 3HCB tại “Liên hoan các vở diễn của Tác giả Lưu Quang Vũ” năm 2013. Và “Linh hồn của đá” tiếp tục khẳng định sự thành công ở những đề tài này, ghi trọn sự ngưỡng mộ và trân trọng cải lương của khán giả miền Bắc.
Huyền Trâm
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh