Siết chặt quản lý chất lượng VSATTP các sản phẩm có nguồn gốc động vật

15:57 25/12/2021

Không có chợ kinh doanh thực phẩm chuyên biệt, các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trên địa bàn thành phố lại có hạn, quy mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản nên việc bảo đảm VSATTP còn gặp nhiều khó khăn. Để góp phần cung ứng ra thị trường nguồn sản phẩm có nguồn gốc động vật chất lượng, thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản & thuỷ sản đã triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đáp ứng được ngày một tốt hơn yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Lực lượng chức năng kiểm soát chất lượng VSATTP thịt lợn (Ảnh tư liệu)

Chưa có chợ đầu mối kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc động vật

Theo thống kế của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản & thuỷ sản, trên địa bàn thành phố hiện có 42 cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm có nguồn gốc động vật đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Ngoài doanh nghiệp chế biến có quy mô tương đối lớn là cơ sở chế biến thực phẩm của Cty CP Giống Gia Cầm Lượng Huệ ra thì hầu hết các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn thành phố chủ yếu có quy mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, trang thiết bị còn thiếu, sản phẩm sản xuất chưa phong phú. Công tác bảo quản sản phẩm của các cơ sở còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

          Đáng chú ý, Hải Phòng hiện có trên 270 chợ kinh doanh thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu, hàng ngày của người dân nhưng chưa có chợ đầu mối kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Hầu hết các chợ đều kinh doanh tổng hợp các mặt hàng, từ lương thực, thực phẩm, cây, con giống các loại, đến đồ gia dụng, đồ điện, thiết bị điện tử…, nên công tác bảo đảm VSATTP đối với các mặt hàng nông sản, các sản phẩm chế biến từ nông sản có nguồn gốc động vật còn gặp nhiều khó khăn.

          Nhìn ở khía cạnh khác, thành phố hiện có 5 siêu thị lớn và hệ thống các cửa hàng, siêu thị mini kinh doanh các mặt hàng nông sản. Trong đó, có các sản phẩm thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, trứng… nhưng lượng tiêu thụ còn hạn chế.

          Thời gian qua, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản & thuỷ sản đã làm tốt công tác phối hợp với các địa phương tích cực triển khai công tác quản lý, giám sát, tuyên truyền về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ tính riêng 11 tháng năm 2021, đơn vị đã tổ chức 10 lớp tập huấn, phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATTP, hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất nông sản, thuỷ sản an toàn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý ATTP thuỷ sản, thực hiện đúng các điều kiện quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm nông sản, thuỷ sản… cho 370 người tham dự.

Đồng thời, thẩm định định kỳ đối với 177 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản; lấy 19 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP (kết quả phân tích cho thấy 19/19 mẫu đạt tiêu chuẩn ATTP); lấy 23 mẫu nguồn gốc động vật (thịt lợn, gà, pate, nem chua) để phân tích các chỉ tiêu ATTP (kết quả 23/23 mẫu đạt chỉ tiêu ATTP).

Công tác thanh, kiểm tra cũng được đơn vị chú trọng siết chặt. Thời gian qua, đơn vị đã tổ chức đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tại 61 cơ sở. Trong đó, các cơ sở kinh doanh thực phẩm chiếm 41,7%; các cơ sở sản xuất thực phẩm chiếm 48,3%.

Chưa có chợ đầu mối kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc động vật

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử…

Không chỉ siết chặt công tác quản lý chất lượng ATTP các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc động vật, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản & thuỷ sản còn chú trọng triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Cụ thể, đơn vị đã tập trung xây dựng một loạt các bài viết giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng, phát hành hàng chục bản tin nông nghiệp, thị trường sản phẩm lương thực, thực phẩm, xúc tiến thương mại đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chi cục và Sở NN&PTNT.

          Cùng với đó, Chi cục đã làm tốt công tác tham mưu cho Sở NN&PTNT phối hợp với Bưu điện thành phố, Chi nhánh tổng Cty Viettel tại Hải Phòng và Sở TT&TT tổ chức 4 hội nghị thu hút sự tham gia của 38 cơ sở (27 tổ chức, 11 cá nhân) để kết nối, giới thiệu các sản phẩm nông sản của Hải Phòng trên các sàn thương mại điện tử.

Theo đó, 100 sản phẩm nông sản địa phương, 15 sản phẩn OCOP của 7 nhà cung cấp đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, Voso. Đơn cử có thể kể đến một số sản phẩm nước mắm (Cát Hải, Quang Hải, Vạn Vân), gạo (Cty Trường Phú Quý), mắm tép (Cơ sở Yến Trang) và các sản phẩm OCOP như gạo ruộng rươi (Thuỵ Hương, Kiến Thuỵ), gấc (Cty Moocos), mật ong rừng ngập mặn (HTX Tùng Hằng, Cty CP DVTM Thực phẩm Trường Xanh)… Từ đó, cũng góp phần hình thành lên các chuỗi sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo ATTP được cung ứng đến tay người tiêu dùng.

          Đáng chú ý, tại diễn đàn nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp chăn nuôi gà hướng hữu cơ theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức vừa qua, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản & thuỷ sản đã đề xuất nhiều giải pháp có tính thực tiễn cao nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản nói chung, các sản phẩm có nguồn gốc động vật nói riêng.

Có thể kể đến một loạt các giải pháp như: thành phố cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ để tạo môi trường, động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực như đất đai, nguồn vốn, KHCN; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, tạo môi trường thuận lợi phát triển các chuỗi giá trị nông sản của từng vùng sản xuất, từng quận/huyện; tăng cường ứng dụng KHCN, nhất là công nghệ sản xuất, chế biến nông sản; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực (thịt lợn, gia cầm, thuỷ sản) có khả năng cạnh tranh cao, có chỗ đứng trên thị trường; quy hoạch phát triển nông nghiệp dựa trên tín hiệu thị trường; có cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông sản, thuỷ sản theo hướng VietGAP, hữu cơ, sản xuất an toàn; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong khâu thiết kế, in tem nhãn phục vụ truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực, OCOP…; đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, đưa nông sản lên các sàn giao dịch điện tử…

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông