Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sởi

    22:08 30/08/2024

    Ngày 30/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy có công văn số 2257-CV/BTGTU gửi các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan về việc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh sởi.

    Theo đó, hiện nay, trên cả nước tính đến ngày 11/8/2024, hệ thống giám sát ghi nhận 1.695 trường hợp sốt phát ban nghi Sởi (676 trường hợp xác định dương tính); số nghi mắc cao hơn 6,9 lần và số trường hợp xác định dương tính cao hơn 22,5 lần so với cùng kỳ năm 2023 (246 trường hợp sốt phát ban nghi sởi/30 trường hợp xác định dương tính).

    Kết quả đánh giá nguy cơ sởi tại 63 tỉnh, thành phố theo khuyến cáo của WHO trong tháng 6/2024 cho thấy 7 tỉnh có nguy cơ rất cao gồm: Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang. 7 tỉnh có nguy cơ cao gồm: Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau. Có 9 tỉnh có nguy cơ trung bình và 40 tỉnh có nguy cơ thấp (thành phố Hải Phòng thuộc nhóm nguy cơ thấp).

    Trước tình hình trên, để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh Sởi, Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền. Trong đó, tập trung các nội dung tuyên truyền tình hình tiêm vắc xin phòng Sởi tại Hải Phòng trong các năm qua. Trước năm 2020, tỷ lệ trẻ em được tiêm vắc xin Sởi, Sởi - Rubella luôn đạt tỷ lệ cao, đạt mục tiêu đề ra. Trong giai đoạn 2020 - 2023, mặc dù do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Sở Y tế, sự tích cực cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng các tuyến cùng với việc tham gia của hệ thống tiêm chủng dịch vụ, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Sởi cơ bản đạt yêu cầu đề ra.

    Các đơn vị tập trung tuyên truyền dự báo nguy cơ dịch để nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong việc phòng chống dịch bệnh Sởi.

    Các đơn vị tập trung tuyên truyền dự báo nguy cơ dịch để nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong việc phòng chống dịch bệnh Sởi.

    Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. WHO đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch Sởi tại nhiều khu vực trên thế giới. Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình TCMR năm 2022 - 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em. Nhiều trẻ em chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh đặc biệt là bệnh sởi.

    Thành phố Hải Phòng chưa ghi nhận ca bệnh Sởi nào từ đầu năm 2024 đến nay. CDC đã thực hiện đánh giá nguy cơ dịch bệnh Sởi tại Hải Phòng theo hướng dẫn của WHO thì Hải Phòng thuộc nhóm nguy cơ thấp.

    Ban Tuyên giáo đề nghị Sở Y tế tập trung tuyên truyền và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Sởi. Sở Y tế phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng và tổ chức các phương án, hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh Sởi, các biện phòng chống dịch bệnh nhanh, an toàn, hiệu quả.

    Đồng thời, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo môi trường an toàn tổ chức các hoạt động dạy, học trước thềm năm học mới. Chủ động cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, các giải pháp triển khai và kết quả phòng, chống dịch bệnh cho các cơ quan báo chí, truyền thông để kịp thời phối hợp tuyên truyền. Chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ quan chức năng có chuyên môn xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch hiệu quả.

    Ban Tuyên giáo đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, các sở, ngành, đơn vị liên quan tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Sởi đầy đủ, khách quan, trung thực để người dân không quá lo lắng nhưng đồng thời cũng không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.

    Đổi mới hình thức tuyên truyền để người dân dễ theo dõi, thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình, tấm gương tiêu biểu về phòng, chống dịch bệnh nhằm khích lệ, động viên tinh thần lạc quan, chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố quyết tâm phòng, chống dịch bệnh Sởi.

    Ngoài ra,  Ban Tuyên giáo các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố phối hợp với các cơ quan liên quantập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là dịch bệnh Sởi.

    Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức linh hoạt, chủ động, tăng cường tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội các biện pháp phòng, chống dịch của ngành y tế. Đồng thời, chú trọng triển khai nắm bắt thông tin dư luận xã hội về công tác phòng, chống dịch bệnh, kịp thời phân tích, tổng hợp, phản ánh với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng để bổ sung, điều chỉnh, bổ khuyết công tác lãnh đạo chỉ đạo; xử lý những vấn đề phát sinh, phức tạp, nhạy cảm về công tác phòng, chống dịch ngay từ cơ sở; coi trọng công tác đấu tranh chống quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc và định hướng dư luận về công tác phòng, chống dịch bệnh trong các tầng lớp Nhân dân.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông