Tăng cường hoạt động của Tổ Covid-19 cộng đồng, quản lý nghiêm các trường hợp phải thực hiện cách ly y tế

    15:42 15/10/2021

    Thời gian qua, thành phố Hải Phòng cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh nhờ vào việc duy trì, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính Phủ, thành phố cho mở các chuyến bay nội địa từ các tỉnh, thành phố khác về Hải Phòng, cho phép hoạt động tuyến đường sắt Hải Phòng- Hà Nội cũng đồng nghĩa thành phố phải đối mặt với nguy cơ cao hơn. Phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng có cuộc phỏng vấn TS.BS Trần Anh Cường, Giám đốc Sở Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.
    Đồng chí Trần Anh Cường, Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại Hội nghị Trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19

    Phóng viên (PV): Xin ông nhận định về những khó khăn của ngành Y tế trong bối cảnh thành phố triển khai  các biện pháp phòng, chống dịch  trong tình hình mới?

     TS.BS.Trần Anh Cường, Giám đốc Sở Y tế: Từ thực tiễn tình hình, ý kiến phân tích của các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của các địa phương và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất.

    Thành phố Hải Phòng thực hiện triển khai Nghị quyết 128 của Chính Phủ  mở  các chuyến bay nội địa từ các tỉnh, thành phố hác về Hải Phòng, cho phép hoạt động tuyến đường sắt Hải Phòng- Hà Nội, dự báo thời gian tới sẽ có một lượng lớn người dân từ các tỉnh thành khác về Hải Phòng, đặc biệt là người dân các tỉnh miền Nam, đặc biệt là lượng người dân từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương vẫn tỷ lệ lây nhiễm cao.

    Một khi chúng ta mở cửa, đồng nghĩa chúng ta phải chấp nhận nguy cơ cao dịch có khả năng xâm nhập  khi số lượng lớn người có nguy cơ vào thành phố. Đây là khó khăn lớn cho ngành y tế trong công tác ngăn chặn dịch Covid-19 vào thành phố. Song để thích ứng với tình hình mới, ngành Y tế quyết tâm chủ động tập trung cao thực hiện những giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh.

     PV: Vậy xin ông cho biết những giải pháp để ngành Y tế Hải Phòng chủ động ngăn chặn dịch Covid -19 vào thành phố, thưa ông?

     TS.BS Trần Anh Cường, Giám đóc Sở Y tế: Ngành y tế đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo đối với các đơn vị liên quan như Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, phối hợp thành lập Chốt Kiểm soát  dịch liên ngành tại Sân bay Cát Bi để kịp thời kiểm soát người từ các tỉnh thành về qua sân bay Cát Bi; bố trí khu cách ly tạm thời tại khu vực sân bay cho hành khách. Lên phương án phân nhóm các trường hợp để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với các đơn vị để hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn các biện pháp cách ly y tế phù hợp; trung tâm Cấp cứu 115 bố trí xe ứng trực tại sân bay để kêt hợp cùng một số hãng taxi được thành phố lựa chọn để đưa, đón người đến và về từ sân bay. Trung tâm y tế các quận huyện chủ động tiếp nhận và quản lý, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian các trường hợp về cách ly tại nơi cư trú.

    Cùng với đó, Ngành Y tế tổ chức kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây nhiễm từ ngoài vào thành phố: phương tiện và người ra vào thành phố (100% người vào thành phố phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ); tại các cảng biển; bến thủy, nội địa: kiểm soát, xét nghiệm 100% thuyền viên các tàu nhập cảnh trước khi vào cảng nhận, trả hàng và người lao động liên quan. Thường xuyên kiểm tra, rà soát việc lưu trú của người nước ngoài trên địa bàn

    Tăng cường hoạt động của Tổ Covid-19 cộng đồng, quản lý nghiêm các trường hợp phải thực hiện cách ly y tế, phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng để quản lý.

    Chủ động sàng lọc, giám sát phát hiện sớm và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp. Tiếp tục xét nghiệm định kỳ cho nhân viên y tế, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp và các nhóm đối tượng nguy cơ cao khác để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, khoanh vùng dập dịch triệt để, không để dịch lây lan trong cộng đồng.

    Tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm: khi có dịch xảy ra chủ động khoanh vùng hẹp, xét nghiệm diện rộng thần tốc cho kết quả nhanh hơn khả năng lây lan của dịch bệnh.

    Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng. Ưu tiên cho các địa bàn, khu vực đang có dịch và tiềm ngay cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (các nhà đầu tư, doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông, cung cấp hàng hóa thiết yếu...). Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành...

    Đồng thời, xây dựng kịch bản và phương án phòng, chống dịch Covid-19 ở các cấp độ theo hướng dẫn của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2011 Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

    PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

    Vũ Duyên (Thực hiện)

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông