15:57 21/04/2022 Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo TW các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Phạm Bình Minh tại hội nghị trực tiếp, trực tuyến toàn quốc triển khai hai chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tại điểm cầu Hà Nội. Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí Bộ Trưởng các Bộ: Bộ KH&ĐT, LĐTB&XH, NN&PTNT. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội TW.
Tại điểm cầu Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Thọ và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, lãnh đạo UBND các huyện trên địa bàn thành phố tham dự hội nghị.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Mục tiêu tổng quát chương trình hướng tới là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.
Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Chương trình gồm 7 dự án với 11 tiểu dự án. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương: 48.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương: 12.690 tỷ đồng và huy động hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện chương trình bảo đảm hiệu quả.
Triển khai chương trình này, Bộ LĐTB&XH là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai, thực hiện chương trình theo quy định…
Các bộ, cơ quan trung ương tham gia thực hiện chương trình. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về đầu tư công; sử dụng nguồn lực hiệu quả, thực hiện đầy đủ, toàn diện, đúng đối tượng, đúng mục tiêu chương trình. Và chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về việc triển khai chương trình trên địa bàn.
Triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM, tính đến 15-4-2022, cả nước có 5.706/8.227 xã, đạt gần 70% xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 663 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 17,0 tiêu chí/xã; 15 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng lên ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Để đạt được mục tiêu trên, chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tiếp tục thực hiện 11 nội dung thành phần với 54 chỉ tiêu cụ thể. Tổng nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho chương trình trong giai đoạn này tối thiểu là 196.332 tỷ đồng.
Để triển khai hiệu quả hai chương trình MTQG nói trên, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị thời gian tới, các bộ, ban, ngành TW, địa phương cần tập trung triển khai tốt một số nội dung sau:
Lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung thống nhất; quán triệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị, cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai các chương trình MTQG. Trong quá trình thực hiện phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, nhất là trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp huy động tối đa các nguồn vốn để triển khai hiệu quả các chương trình. Tích cực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát động mạnh mẽ đến các cấp, ngành, tổ chức chính trị, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động: “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cả nước chung sức xây dựng NTM”…
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo, Quốc hội, MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành, đoàn thể chung tay tham gia vào công tác giám sát, phản biện xã hội trong quá trình triển khai các chương trình.
Căn cứ vào nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, ngành TW sớm xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, cơ quan có liên quan, địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung thành phần, các tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, giai đoạn 2021-2025; hoàn thành phương án giao chỉ tiêu, nhiệm vụ phấn đấu.
Uỷ ban Dân tộc, Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, ban hành kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lồng nghép vốn bố trí thực hiện các dự án thành phần của 2 chương trình MTQG còn lại để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM đã được phê duyệt..
KC
11:40 11/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh