Thống nhất đầu mối quản lý giáo dục nghề nghiệp

21:17 09/11/2014

Sáng 5-11, thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật dạy nghề, đại biểu Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng (ĐBQH TP Hải Phòng) cho rằng, việc sửa đổi luật này là cần thiết và tán thành việc đổi tên gọi thành Luật giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp với Hiến pháp 2013, ông Trường cho rằng, đối tượng áp dụng của luật là trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, trường nghề, cao đẳng nghề và trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học có đào tạo nghề thì mới phủ kín đối tượng của giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Xuân Trường chưa đồng tình việc dự thảo luật quy định phân công trách nhiệm quản lý giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động - thương binh & xã hội. Theo ông Trường, từ năm 1997 đến nay, việc phân công quản lý nhà nước về dạy nghề và hoạt động đào tạo nghề cho Bộ Lao động - thương binh & xã hội tuy có phục hồi song hiệu quả chưa tương xứng với sự đầu tư của nhà nước, cũng như sự kỳ vọng của nhân dân, đặc biệt là người lao động. Ông Trường cũng cho rằng, giáo dục nghề nghiệp là một bậc đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng bị chia đôi và phát triển theo các định hướng khác nhau, khiến cho lĩnh vực này bị phân tách thành 2 hệ thống riêng biệt là dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp, dẫn tới nhiều bất cập và không đáp ứng được nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Vì vậy, cần thiết phải thống nhất một cơ quan đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục chuyên nghiệp, để khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn.

Theo đại biểu Nguyễn Xuân Trường, nếu giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc giáo dục, đào tạo liên thông giữa các cấp học thành một hệ thống; việc xây dựng chương trình đào tạo, phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo giữa các cấp học có sự hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt về chương trình có sự logic về kiến thức, tâm sinh lý, kỹ năng, phẩm chất của người học, tạo điều kiện thống nhất quản lý về giáo dục và đào tạo. Đồng thời giải quyết được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của một cơ quan quản lý nhà nước, phù hợp với việc quản lý của các địa phương, tạo điều kiện phân công rõ trách nhiệm cho cơ quan quản lý về đào tạo nguồn nhân lực và cơ quan sử dụng nguồn nhân lực, cũng là phù hợp với thông lệ quốc tế.

THẾ KHOA


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông