09:16 08/04/2020 Ngày 26-1-2020 (tức mùng 2 Tết âm lịch), Vũ Thị N. T. (ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng) đăng bài viết vào trang Facebook cá nhân có tên T. K. với nội dung “Hải Phòng có 1 ca nghi ngờ mắc Corona gây viêm phổi Vũ Hán hiện đang được cách ly tại khoa lây Bệnh viện Việt Tiệp”. Ngay sau đó, bài viết đã có gần 600 lượt chia sẻ. Tương tự, Chu Thị H. (ở huyện An Dương, Hải Phòng) cũng đã bị xử lý khi tung tin giả trên trang Facebook cá nhân: “Toang thật rồi. Đại Bản nhà tôi ở đấy! Covit ơi mày biến về Trung Quốc đi” và bình luận “Đại Bản có ông đi trông bố ở Hà Nội mà bố ông này dương tính rồi. Giờ xã vừa niêm phong nhà ông ấy mà nhà thì ở ngay chợ thì quả này mai cả xã bị cách ly”...
Đây chỉ là 2 trong số 8 trường hợp ở Hải Phòng và gần 1.000 trường hợp trên toàn quốc tung tin sai sự thật về dịch Covid-19 với nhiều ý đồ khác nhau trong thời gian qua. Tính đến ngày 2-4-2020, công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các ngành chức năng đã làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật, xử phạt vi phạm hành chính 146 đối tượng, yêu cầu các đối tượng vi phạm gỡ bỏ hoặc đính chính thông tin sai trái nói trên.
Qua xác minh, điều tra cho thấy, mục đích của đa số người vi phạm là lợi dụng sự lan tỏa nhanh của Internet và mạng xã hội nhằm gây chú ý, câu “view”, câu “like”, tăng số người theo dõi và tương tác, phục vụ việc bán hàng online. Trường hợp P.V.H, sinh 1992, ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng là một ví dụ điển hình khi anh này đăng bài có nội dung bịa đặt thông tin “hút thuốc lá điện tử chống Covid” là không có căn cứ khoa học.
Được biết, tới thời điểm này, đã có những nạn nhân nghe theo thông tin thiếu căn cứ và hết sức nguy hiểm, phản khoa học trên mạng xã hội về cách phòng ngừa, chữa trị khi bị nhiễm Covid-19, dẫn đến nguy kịch tính mạng…
Bên cạnh đó, là những trường hợp cố tình tung tin giả vì những động cơ đen tối như trường hợp Đ.N.Q. (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được đánh giá là “KOL” - người có sức ảnh hưởng với xã hội, đã đăng tải lên Facebook hàng trăm bài viết chứa nhiều thông tin chưa được kiểm chứng đã ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của một số địa phương, gây tâm lý hoang mang; thậm chí khiến có người dân phải chuyển chỗ ở, mua tích trữ lương thực.
Các cơ quan chức năng đã xử lý, đồng thời buộc Q. phải gỡ bỏ 216 bài viết với nội dung chưa được kiểm chứng, chứa bình luận với nội dung xuyên tạc, đưa tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh Covid-19.
Có thể thấy những nguồn tin bịa đặt, tin chưa kiểm chứng hết sức nguy hiểm không chỉ gây nhiễu loạn thông tin khiến người dân hoang mang, làm xáo trộn cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến ANTT. Nó tạo ra một thứ dịch bệnh nguy hiểm không kém gì dịch Covid-19. Dù các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin các trường hợp bị xử phạt nhưng nhiều đối tượng vẫn cố tình vi phạm do muốn câu like, câu view, hoặc đơn giản chỉ muốn khoe… sự hiểu biết kiểu “ếch ngồi đáy giếng” với bàn dân thiên hạ.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin sai sự thật về dịch bệnh. Ngày 30-3-2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn 45 hướng dẫn việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng chống dịch, thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 288-BLHS; mức hình phạt cao nhất cho tội danh này là 7 năm tù, phạt tiền cao nhất lên đến 1 tỷ đồng.
Cụ thể người có các hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu; đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19; đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý nghiêm về hình sự.
Hơn lúc nào hết mỗi người dân lúc này cần nêu cao cảnh giác, hết sức tỉnh táo khi tiếp cận thông tin và chắt lọc thông tin. Việc cần làm là chia sẻ với nhau thực hiện đúng những khuyến cáo của Bộ Y tế về dịch bệnh; không bị cuốn theo những tin bịa đặt, tin giả, nhất là không chia sẻ các thông tin sai trái, chưa được kiểm chứng.
TRUNG DŨNG
22:06 23/07/2024
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024