Thông tuyến tỉnh BHYT: Người dân cần hiểu đúng để bảo đảm quyền lợi khi khám, chữa bệnh

    14:39 28/12/2020

    Bảo hiểm y tế (BHYT) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân. Năm 2021 tới đây, nhiều chính sách mới về BHYT sẽ được triển khai, trong đó có nội dung bắt đầu từ ngày 1/1/2021, người bệnh được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú trái tuyến tỉnh. Để tránh tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến trên cũng như đỡ mất thời gian, công sức đi lại, người dân cần hiểu đúng về quy định này để được bảo đảm đúng quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT tuyến tỉnh…

    Nhiều cơ hội lựa chọn cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe

    Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Hải Phòng, Quyền Giám đốc BHXH TP Nguyễn Thị Lộc cho biết: Khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi bổ sung 2014, quy định: Người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được Quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1/1/2021 trong phạm vi cả nước.

    Như vậy có thể hiểu, trước ngày 1/1/2021, người dân có thẻ BHYT khi đi KCB tại các BV tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện từ tuyến dưới, thì được coi là đi KCB trái tuyến và chỉ được Quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng.

    Từ ngày 1-1-2021, bệnh nhân chữa bệnh nội trú trái tuyến tại cơ sở y tế tuyến tỉnh được chi trả 100% như bệnh nhân đúng tuyến

    Còn kể từ thời điểm 1/1/2021 trở đi, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ BV tuyến tỉnh trên toàn quốc. Cho dù thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu là tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, nhưng khi tự đến điều trị nội trú tại BV tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến.

    Khoản 6 Điều 22 Luật BHYT cũng quy định, từ ngày 1/1/2021, người tham gia BHYT khi đi KCB không đúng tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp KCB đúng tuyến.

    Bà Lộc chia sẻ, chính sách về BHYT đã tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình. Khi thực hiện thông tuyến tỉnh, người có thẻ BHYT có nhiều thuận lợi khi không cần giấy chuyển viện mà vẫn được KCB và được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến tương đương trên toàn quốc. Hơn nữa, người bệnh được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn. Quy định thông tuyến BHYT tuyến tỉnh còn thúc đẩy chất lượng KCB, buộc các cơ sở KCB phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ, nâng cao kỹ năng tay nghề, thu hút người bệnh nếu không người bệnh sẽ không đến điều trị…

    Hiểu đúng để bảo đảm quyền lợi

    Với việc từ ngày 1/1/2021, quy định thông tuyến tỉnh BHYT chính thức được triển khai, nếu không hiểu đúng quy định về giới hạn và quyền lợi của mình có thể gây ra tình trạng bệnh nhân từ các địa phương đổ xô đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Điều này vô tình đẩy nhiều bệnh viện tuyến tỉnh vốn đã quá tải vào thế khó trong khâu tiếp nhận, giảm chất lượng khám chữa bệnh; đồng thời còn khiến chính bệnh nhân phải chờ đợi lâu, tốn kém chi phí, thời gian, công sức đi lại.

    Về vấn đề nay, bà Lộc lưu ý: Từ ngày 1-1-2021, bệnh nhân chữa bệnh nội trú trái tuyến tại cơ sở y tế tuyến tỉnh mới được chi trả 100% như bệnh nhân đúng tuyến. Như vậy quy định này chỉ áp dụng với bệnh nhân điều trị nội trú (nhập viện điều trị). Còn nếu đi khám bệnh, điều trị ngoại trú tuyến tỉnh thì Quỹ BHYT sẽ không hỗ trợ chi trả mà người bệnh sẽ phải tự chi trả...

    Bệnh nhân khám ngoại trú tuyến tỉnh thì phải tự thanh toán chi phí KCB 

    Để tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng KCB BHYT khi quy định trên đi vào đời sống, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã ký ban hành Chỉ thị 25/CT-BYT yêu cầu các cơ sở y tế cần sắp xếp, bố trí số giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị, nhân lực hiện có của cơ sở KCB khi thực hiện KCB BHYT thông tuyến tỉnh. Tăng cường vai trò và hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị trong việc xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, giám sát các hoạt động chuyên môn, kiểm soát các chỉ định nhập viện nội trú… Các BVĐK, BV chuyên khoa tuyến tỉnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới, chuyển một số bệnh mạn tính ở thể trung bình và nhẹ về tuyến huyện và xã quản lý; chỉ đạo các cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, chú ý tập trung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong KCB, đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT và giảm thiểu tình trạng người bệnh tự đi KCB tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương…

    Có thể nói, quy định thông BHYT tuyến tỉnh là động lực quan trọng để người dân tham gia BHYT, bởi khi quyền lợi được mở rộng, thuận lợi trong KCB BHYT thì người dân sẽ tham gia tích cực. Tuy nhiên, nhiều người cũng tỏ ra quan ngại tình trạng quá tải bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ kéo theo chi phí khám chữa bệnh BHYT, nhất là trong bối cảnh mức đóng BHYT của người dân còn thấp và các chi phí điều trị cao.

    Theo Quyền Giám đốc BHXH TP Nguyễn Thị Lộc, việc triển khai thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân và tạo ra sự cạnh tranh bằng chất lượng cho các cơ sở y tế. Điều này đòi hỏi những cơ sở khám, chữa bệnh trước đây trông chờ vào số bệnh nhân khám BHYT đúng tuyến sẽ phải chủ động thay đổi, nâng cao chất lượng để thu hút người bệnh. Vấn đề đặt ra là khi thông tuyến BHYT ở bệnh viện tuyến tỉnh, tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú sẽ gia tăng và không loại trừ có thể xảy ra tình trạng BV tuyến tỉnh chỉ định “ào ạt” người bệnh vào điều trị nội trú nhằm tăng nguồn thu. Điều này đồng nghĩa với chi phí y tế cũng gia tăng, tạo ra áp lực lớn lên quỹ BHYT.

    Do vậy để quản lý tốt quỹ BHYT, bảo đảm đúng người, đúng quyền lợi, BHXH TP sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thẻ BHYT xác định đúng người có thẻ khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ngành BHXH cũng tăng cường các biện pháp để đồng bộ hóa phần mềm liên thông quản lý dữ liệu khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Đây sẽ là cơ sở để từ chối thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với những trường hợp trục lợi quỹ BHXH…

    Bùi Hạnh

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông