Tổ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng: Phát huy sức mạnh toàn dân trong hệ thống y tế cơ sở

    09:34 11/09/2022

    Thực tiễn ứng phó với đại dịch Covid-19 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng cho hệ thống y tế không chỉ của thành phố Hải Phòng, mà còn là bài học lớn cho hệ thống y tế của cả nước, trong đó có thể khẳng định vai trò và tầm quan trọng của lực lượng các cộng tác viên, các tổ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tại các địa phương. Đây được xem như là một trong những chìa khóa hữu hiệu, phát huy sức mạnh toàn dân, là cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng, chung tay với y tế cơ sở trong việc phòng ngừa các loại dịch bệnh.

    Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thành phố Hải Phòng đã thành lập hơn 2.000 Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng, ngành y tế đã tổ chức đào tạo 8.720 nhân lực cho các Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng trên toàn địa bàn thành phố gồm: viên chức dân số, cộng tác viên dân số, y tế thôn; nhân lực y tế tư nhân tại các phòng khám; nhân viên y tế đã nghỉ hưu; các tình nguyện viên... Đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã tạm lắng một số địa phương vẫn duy trì  hoạt động các tổ chăm sóc sức khỏe cộng đồng để tiếp tục chung tay với lực lượng y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

    Theo đó, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, các tổ chăm sóc sức khỏe cộng đồng thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng, chống dịch tới từng hộ gia đình; yêu cầu và hướng dẫn người dân theo dõi sức khoẻ và khai báo y tế điện tử hàng ngày. Hình thức tuyên truyền cần phù hợp theo tình hình dịch, khuyến khích thành lập và sử dụng tốt các group zalo, viber theo từng Tổ dân phố. Đồng thời thăm hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay chính quyền địa phương, Trạm Y tế xã, phường những trường hợp nghi mắc Covid-19 tại các hộ gia đình; trợ giúp chính quyền địa phương, trạm y tế truy vết và giám sát F1, F2 khi có ca bệnh liên quan…

    Thành viên các tổ chăm sóc sức khỏe công đồng tại các địa phương tăng cường công tác giám sát nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết

    Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nhiều hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng ứng phó với đại dịch đã tạm lắng xuống, nhưng còn nhiều vấn đề sức khoẻ cộng đồng luôn là những thách thức với hệ thống y tế thành phố. Đó là dịch bệnh lưu hành sốt xuất huyết Dengue đang có xu thế bùng phát mạnh mặc dù chỉ mới đầu mùa mưa, đó là dịch bệnh mới nổi khác mang tên bạch hầu khỉ đang lăm le trở thành đại dịch,… và nhất là rất nhiều hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng đã được Ngành Y tế thành phố xác định là nhóm hoạt động ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo như: chương trình tiêm chủng mở rộng, chăm sóc các bệnh không lây nhiễm, lập hồ sơ sức khoẻ điện tử cho mỗi người dân Thành phố,... Lực lượng y tế tuyến đầu triển khai các hoạt động ưu tiên này không ai khác chính là nhân viên y tế tại các trạm y tế phường, xã và một lực lượng không thể thiếu chính là các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng.

    Theo Trưởng trạm y tế phường Đằng Lâm (quận Hải An) Bùi Văn Phúc cho biết, Hiện Trạm y tế phường có 6 người, vừa phải thực hiện chuyên môn, tiêm phòng mở rộng định kỳ hằng tháng cho trẻ em, thăm khám và điều trị cho 10 người mắc Covid- 19, tiêm phòng Covid-19 các mũi cho người dân trên địa bàn phường, thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, quản lý các bệnh mãn tính không lây, các bệnh truyền nhiễm... Tháng 7-2022, xuất hiện liên tiếp các loại dịch bệnh như: sốt xuất huyết, cúm A, tay- chânmiệng... việc tiếp cận, tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh đến 11 tổ dân phố trên địa bàn phường gặp nhiều khó khăn do nhân lực còn hạn chế. Do đó, hoạt động của Tổ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và cán bộ tổ dân phố như “cánh tay nối dài” của y tế cơ sở trong việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh.

    Còn tại thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng) các nhóm zalo gồm 12 thành viên được thành lập bởi Tổ chăm sóc sức khỏe cộng đồng khi phòng, chống dịch Covid-19 hồi đầu năm 2022 bao gồm nhân viên y tế thị trấn, đoàn viên thanh niên và tổ trưởng tổ dân phố vẫn tiếp tục hoạt động. Thông qua nhóm zalo, các thành viên của tổ liên hệ, cập nhật tình hình tiêm chủng vắc xin, nhắc lịch tiêm, vận động người dân hoàn thành các mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19; thông tin tuyên truyền về các dịch bệnh mùa hè như: sốt xuất huyết và cúm A…

    Bác Nguyễn Thị Sáu, Tổ trưởng tổ dân phố khu 2, thị trấn Tiên Lãng cho biết: Thời gian gần đây, cộng đồng dân cư nhiều người bị lây nhiễm cúm, người dân tự đi mua thuốc cúm để tự điều trị. Sau khi hệ thống loa phát thanh thị trấn và các tổ trưởng dân phố tuyên truyền về việc phòng và điều trị cúm A đúng theo khuyên cáo của Bộ Y tế, hiện người dân không còn hoang mang và tự ý điều trị bệnh cúm. Đối với bệnh sốt xuất huyết, Tổ chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua các tổ trưởng dân phố thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng nơi sinh sống, ngủ mắc màn, diệt trừ muỗi và loăng quăng… để phòng ngừa lây nhiễm bệnh từ muỗi.

    Khi khu dân cư nào xuất hiện người có biểu hiện của bệnh cúm hay sốt xuất huyết, các tổ trưởng dân phố thông tin ngay trên nhóm zalo để Tổ chăm sóc sức khỏe cộng đồng báo cáo chính quyền địa phương, bố trí phân công lực lượng thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh ngay từ khu dân cư, không để lây lan diện rộng trên địa bàn…

    Phát huy những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Tổ chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại nhiều địa phương đã và đang chung tay cùng chính quyền địa phương và lực lượng y tế cơ sở trong việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài, cần sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ về kinh phí hoạt động để duy trì phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác cộng đồng trong bảo vệ sức khỏe nhân dân.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông