Triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn thành phố năm 2022

20:48 17/02/2022

Để chủ động phòng chống bệnh Dại cho động vật, ngăn chặn bệnh Dại từ động vật lây sang người, Sở NN&PTNT vừa ban hành Thông báo về việc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn thành phố năm 2022.
Thời gian tiêm phòng đợt chính bắt đầu từ ngày 1-3 đến 30-5

Theo đó, thời gian tiêm phòng đợt chính bắt đầu từ ngày 1-3 đến 30-5. Hàng tháng tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo nuôi mới phát sinh đã đến tuổi tiêm phòng; chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm chính hoặc chó, mèo đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo quy định.

Về đối tượng tiêm phòng: tiêm mũi vắc xin đầu tiên cho chó, mèo từ 12 tuần tuổi trở lên. Sau đó cứ mỗi năm tiêm phòng nhắc lại 1 lần. Chó, mèo đã được tiêm vắc xin phòng bệnh Dại năm 2021 và hết thời gian miễn dịch bảo hộ.

Đường tiêm, liều lượng vắc xin: tiêm bắp hoặc tiêm dưới da mỗi con 1 liều (01ml/liều)

Giá dịch vụ tiêm phòng bệnh Dại: định mức thu 22.000 đồng/lần/con.Giá thu trên đã bao gồm tiền công tiêm; vắc xin, bảo quản, hao hụt, vận chuyển vắc xin; hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp; thuế và các chi phí khác có liên quan.Giá trên áp dụng tại các điểm tiêm tập trung, quy định cho tất cả các huyện, quận trên địa bàn thành phố.

Về tổ chức thực hiện, UBND các huyện, quận có trách nhiệm: củng cố, kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch bệnh động vật. Giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đôn đốc cho từng thành viên BCĐ huyện, quận phụ trách xã, phường, thị trấn chỉ đạo triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo tổ chức điều tra, thống kê đàn chó, mèo nuôi tới từng hộ dân; xây dựng kế hoạch, đăng ký số lượng vắc xin tiêm phòng với Sở NN&PTNT qua Chi cục Chăn nuôi & Thú y.Chỉ đạo tiêm phòng bắt buộc vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi; triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Dại đạt trên 70% tổng đàn. Đồng thờitổ chức thanh, kiểm tra công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại tại các địa phương; báo cáo kết quả thực hiện về Sở qua Chi cục Chăn nuôi & Thú y trước 16h hàng ngày để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố, Cục Thú y và thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo quy định. Kết thúc đợt tiêm phòng, UBND các huyện, quận tổng kết đánh giá kết quả tổ chức chỉ đạo công tác tiêm phòng, báo cáo bằng văn bản về Sở để tổng hợp báo cáo UBND thành phố và Bộ NN&PTNT.

UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của bệnh Dại do chó, mèo mắc Dại cắn gây ra đối với sức khỏe cộng đồng. 

Riêng Chi cục Chăn nuôi & Thú y có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản, xuất cấp vắc xin, mẫu giấy chứng nhận tiêm phòng vắc xin Dại kịp thời tới các địa phương. Tổ chức thanh, kiểm tra việc sử dụng vắc xin đúng quy trình kỹ thuật; chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở thực hiện việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi tại các địa phương đảm bảo tiến độ theo kế hoạch; thực hiện công tác thu, chi, quyết toán nguồn thu dịch vụ tiêm vắc xin  phòng bệnh dại theo quy định của pháp luật.

Chủ vật nuôi phải hấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo; thanh toán dịch vụ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi theo đúng quy định

Trách nhiệm của chủ vật nuôi: kê khai hoạt động nuôi chó, mèo với UBND cấp xã theo quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ NN&PTNT Hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi; chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo, thanh toán dịch vụ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi theo đúng quy định. Đồng thời thường xuyên theo dõi chó, mèo nuôi...

Lưu giữ Giấy chứng nhận tiêm vắc xin phòng bệnh dại và xuất trình khi có yêu cầu của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn. Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; đảm bảo VSMT, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó, có người dắt. Nuôi chó tập trung phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.

Trong quá trình triển khai gặp khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở NN&PTNT qua Chi cục Chăn nuôi & Thú y; Email: cctyhaiphong@gmail.com; số điện thoại 0225 3876328) để phối hợp giải quyết.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông