Vai trò của lực lượng CSND Công an Hải Phòng trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước: Kỳ II: Góp sức đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, làm lên chiến thắng mùa Xuân năm 1975

15:27 17/07/2022

Bước sang năm 1963, Mỹ điên cuồng tổ chức nhiều hoạt động phá hoại, gây rối nhằm làm suy yếu công cuộc xây dựng và cải tạo XHCN, ngăn chặn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam…

Đập tan âm mưu phá hoạt của đế quốc Mỹ

Mỹ ngụy đã cho bọn gián điệp, biệt kích ra điều tra tình hình ở bờ biển, hải đảo, vùng biển Đồ Sơn, Kiến Thụy, đảo Cát Bà. Chúng tăng cường tàu chiến xâm phạm hải phận, máy bay do thám xâm nhập không phận, truyền đơn phản động…

 Nhận thức rõ âm mưu của kẻ thù, Bộ Chính trị ra Nghị quyết nêu rõ: “Phải đấu tranh chống bọn gián điệp biệt kích Mỹ - Ngụy một cách tích cực hơn, phải truy bắt cho hết bọn gián điệp, biệt kích xâm nhập, bảo vệ cơ quan đầu não, bảo vệ thủ đô và các thành phố lớn, các cơ sở kinh tế quan trọng…” (Nghị quyết số 40-NQ/TW, ngày 23-3-1962 của Bộ Chính trị).

Theo đó, ngày 3-10-1963, Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết số 22-NQ/TU về “Tăng cường công tác phòng chống gián điệp biệt kích ở Hải Phòng”. Nghị quyết đã xác định rõ Hải Phòng là địa bàn trọng điểm, bọn gián điệp, biệt kích Mỹ - Ngụy tìm mọi cách xâm nhập, móc nối, hoạt động phá hoại. Vì vậy, phải tăng cường hơn nữa công tác nắm tình hình nhân, hộ khẩu kết hợp với tuần tra, kiểm soát phát hiện kịp thời những phần tử nghi vấn xâm nhập vào địa bàn Hải Phòng.

Nghiêm túc triển khai Nghị quyết của Thành uỷ, lực lượng CAND Công an Hải Phòng đã tiến hành kế hoạch khai báo và kiểm tra tạm trú, tạm vắng thường xuyên trong cán bộ, nhân dân; thiết lập các trạm khai báo, để nhân dân tự giác thực hiện. Thông qua biện pháp này, lực lượng CSND đã nắm bắt được biến động nhân, hộ khẩu trong thành phố sau 24h hàng ngày. Từ đó, kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng có lệnh truy nã. Sáng kiến này được Bộ Công an rút kinh nghiệm, phổ biến cho các địa phương khác cùng thực hiện.

Đến ngày 5-8-1964, Mỹ gây ra “Sự kiện Bắc Bộ”. Tiếp đó, chúng điên cuồng gây ra 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng đường không và đường biển đối với miền Bắc. Hải Phòng là một “Toạ độ lửa” mà đế quốc Mỹ bắn phá rất ác liệt nhằm bao vây, cô lập, cắt đứt sự viện trợ của các nước đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta.

Đại tá Phạm Viết Dũng - Phó Giám đốc CATP thăm hỏi, tặng quà gia đình Anh hùng LLVT, Liệt sỹ Nguyễn Hồng Quân

Nhưng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân dân Hải Phòng đã quyết chí, đồng lòng, nêu cao tinh thần “Trung dũng, quyết thắng” trong chiến đấu. Từ đó, quân dân ta đã bắn hạ 317 máy bay Mỹ, bắt sống 16 giặc lái, giữ vững mạch máu giao thông vận tải. Đồng thời, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy hàng hóa, kho tàng, xí nghiệp, khu dân cư, trận địa; đảm bảo kịp thời, đầy đủ yêu cầu chiến trường và phục vụ sản xuất được Bác Hồ gửi thư khen: “Quân dân Hải Phòng đã chiến đấu giỏi, tiến bộ nhiều về phòng không nhân dân và bảo vệ trật tự trị an tốt” (Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng).

Cũng qua đó, lực lượng CSND Công an Hải Phòng được thử thách, tôi luyện, trưởng thành trong mưa bom, bão đạn của quân thù; luôn chắc tay súng bảo vệ quê hương, đất nước, bảo vệ thành quả của công cuộc xây dựng CNXH, bảo đảm giữ vững ANTT trên địa bàn thành phố.

Ngày 16-4-1972, đế quốc Mỹ lại tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2. Chúng sử dụng hàng trăm lượt máy bay và tàu chiến bắn phá các địa phương ven biển, dùng B52 ném bom rải thảm các thành phố, thị xã từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh. Đặc biệt, ngày 18-12-1972, chúng dùng máy bay B52 ném bom rải thảm thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng suốt 12 ngày đêm. Lực lượng CSND đã vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, không quản ngại hi sinh xương máu, sát cánh cùng các lực lượng khác vừa chiến đấu đánh trả máy bay địch, vừa tích cực hướng dẫn Nhân dân trú ẩn, cứu thương, đưa Nhân dân đi sơ tán, bảo vệ tài sản của Nhà nước và Nhân dân, giữ vững ANTT. Qua đó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và dân ta làm lên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy. Sau thất bại này, nhà cầm quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán. Đến ngày 27-1-1973,  Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết…

Sau khi chiến tranh phá hoại của Mỹ chấm dứt, lực lượng CSND Công an Hải Phòng đã tiến hành nhiều biện pháp ổn định tình hình ANTT, chĩa mũi nhọn đấu tranh, trấn áp tội phạm hình sự, tăng cường biện pháp quản lý trật tự trị an và vệ sinh thành phố, làm giảm các loại tai nạn, tệ nạn xã hội. Phong trào quần chúng bảo vệ trị an được chú trọng đẩy mạnh với các nội dung mới như: “Toàn dân làm chủ xã hội”, “Ngõ xóm văn minh”. Cùng với đó, lực lượng đã tăng cường biện pháp quản lý hành chính như khai báo hộ khẩu, quản lý đặc doanh, tạm trú, tạm vắng, tuần tra kiểm soát, mở nhiều đợt tấn công truy quét các loại tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, kiểm tra thu nộp vũ khí. Với phương châm “Chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công”, toàn lực lượng đã đồng loạt ra quân, ổn định tình hình trị an.

Góp sức làm lên chiến thắng mùa Xuân năm 1975

Đầu năm 1975, trước diễn biến vô cùng khẩn trương của cách mạng miền Nam, hưởng ứng lệnh tổng động viên, CBCS Công an Hải Phòng đã nô nức viết đơn tình nguyện chi viện cho miền Nam ruột thịt. Trong số đó, có hàng trăm đồng chí đã lên đường cùng lực lượng an ninh các tỉnh, thành phía Nam nhanh chóng tiếp quản, tích cực lập lại trật tự xã hội, giữ vững ổn định vùng mới giải phóng, truy quét tàn quân, các loại tội phạm, cải tạo nguỵ quân, nguỵ quyền, bảo vệ ANCT, ổn định đời sống Nhân dân.

Có thể khẳng định, ở giai đoạn lịch sử trên, lực lượng CSND Công an Hải Phòng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm cùng các lực lượng chức năng vừa chiến đấu đánh trả máy bay địch, vừa tích cực hướng dẫn Nhân dân trú ẩn, cứu thương, đưa Nhân dân đi sơ tán, bảo vệ tài sản của Nhà nước và Nhân dân, giữ vững ANTT. Từ đó, góp phần tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cùng các lực lượng khác và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đánh bại các chiến lược, chiến tranh của Mỹ. Từ “Chiến tranh đơn phương”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hoá chiến tranh” tiến tới cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa non sông Việt Nam liền một dải.

Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 30, Công an Hải Phòng đã cử nhiều CBCS thuộc lực lượng Cảnh sát tăng cường cho Công an các Sở, Ty ở miền Nam, tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, giữ gìn ANTT ở vùng mới giải phóng.

Mặt khác, lực lượng CSND Công an Hải Phòng đã khám phá hàng trăm vụ trọng án giết người, cướp của, tham ô, buôn lậu, xử lý hàng trăm vụ án kinh tế, trong đó có hàng chục vụ nghiêm trọng. Và để kiểm soát, từng bước kéo giảm tệ nạn xã hội, lực lượng đã tham mưu đề xuất với UBND TP, phối hợp với ngành Thương binh xã hội mở một số cơ sở cải tạo, giáo dục trẻ em hư và gái mại dâm. Tiêu biểu có thể kể đến lớp cai nghiện thuốc phiện ở xã Hùng Vương, huyện An Hải. Thông qua các đợt tuần tra, kiểm soát đường phố, các đối tượng trên được đưa về trại tập trung để chữa bệnh, tham gia học tập, lao động sản xuất để trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội.

Với những cống hiến, chiến công xuất sắc kể trên, lực lượng CSND Công an Hải Phòng có nhiều lượt tập thể, cá nhân được các cấp biểu dương, khen thưởng. Trong số đó, có nhiều CBCS đã anh dũng hi sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Tiêu biểu có thể kể đến Anh hùng LLVT, liệt sỹ Nguyễn Hồng Quân và các liệt sỹ Nguyễn Đình Thành, Đỗ Duyên Thịnh, Nguyễn Thị Du... Tên tuổi của các anh đã đi vào sử sách, tạc lên truyền thống quý báu của lực lượng CSND Công an Hải Phòng.

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông