Trẻ em nhập viện tăng đột biến vì bệnh tay chân miệng

    07:50 24/05/2018

    Thời tiết thay đổi, nắng nóng kèm theo mưa, không khí ẩm tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển, tăng nguy cơ gây bệnh cho trẻ, đặc biệt là bệnh tay chân miệng (TCM) hiện đang bùng phát tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Do đó, những ngày gần đây, số bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại BV Trẻ em Hải Phòng cũng tăng đột biến.

    Chuẩn bị tốt nhân lực, cơ số thuốc để điều trị TCM

    Chúng tôi có mặt tại Khoa truyền nhiễm, được chứng kiến không khí làm việc hết sức khân trương của tập thể y bác sỹ nơi đây, do bệnh nhân mắc bệnh TCM phải nhập viện tăng nhanh.

    Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng từ tháng 4 đến trung tuần tháng 5-2018, Khoa truyền nhiễm BV Trẻ em Hải Phòng đã tiếp nhận 754 trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị tay chân bệnh (TCM), tăng 540 ca so với cùng kỳ. Trong đó, có một số trẻ ở thể nặng có biến chứng viêm não, phải điều trị dài ngày…

    Thạc sỹ, BSCK II Hoàng Sơn, Trưởng khoa truyền nhiễm cho biết: TCM là bệnh thường quy, mỗi năm có 2 thời điểm chính phát hiện dịch là các tháng 4,5,6 và 10, 11, 12. Bệnh TCM do vius đường ruột (EV) có nhiều loại gây bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu, không có vắc –xin phòng bệnh.

    Khoa truyền nhiễm hiện có 60 giường bệnh, nhưng chỉ tính riệng bệnh TCM, những ngày gần đây, trung bình khoa tiếp nhận trên, dưới 20 ca, có thời điểm cao nhất là 25-26 ca điều trị nội trú mỗi ngày, đó là chưa kể số bệnh nhi đến khám và điều trị ngoại trú, bởi những trẻ thể bệnh nhẹ thường được bác sĩ kê đơn thuốc về nhà uống.

    Với tình trạng bệnh nhi nhập viện tăng nhanh do TCM, bệnh cạnh việc tập trung mọi nhân lực, nguồn lực, cơ sở vật chất, Khoa truyền nhiễm được lãnh đạo bệnh viện quan tâm bố trí thêm phòng, kê thêm giường bệnh, chuẩn bị đủ cơ số thuốc để phục vụ việc chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời cho trẻ mắc TCM. Vậy nên, mặc dù bệnh nhân nhập viện tăng, nhưng tại Khoa truyền nhiễm không để xảy ra tình trạng bệnh nhân phải nằm giường ghép.

    Bé Đặng Tuấn Th. 13 tháng tuổi, ở Hùng Vương, Hồng Bàng, vừa được gia đình đưa đến BV trẻ em Hải Phòng thăm khám, khi thấy cháu sốt cao 39-40 độ liên tục, quấy khóc, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, miệng loét, phát ban dạng phỏng nước ở tay chân miệng. Tại đây, cháu Th được làm các xét nghiệm và được chẩn đoán mắc TCM. Được điều trị tại Khoa truyền nhiễm, hiện cháu Th đáp ứng thuốc tốt…

    Bé Đào Khánh D. 16 tháng tuổi, ở xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên được phát hiện mắc TCM ở giai đoạn sớm. Cháu được gia đình đưa đến BV Trẻ em Hải Phòng khi thấy cháu đột nhiên sốt cao 39-40 độ, quấy khóc, nổi ban ở tay chân miệng. Được các y bác sỹ Khoa truyền nhiễm điều trị, chăm sóc tận tình, nên tình trạng bệnh của cháu D. đã thuyên giảm rõ rệt, cháu có thể xuất viện trong vài ngày tới.

    Theo bác sỹ Hoàng Sơn, thì đã phần trẻ có diễn biến TCM nhẹ nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.

    Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng bao gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Nếu thấy trẻ giật mình, sốt cao liên tục, đi đứng lảo đảo, ngồi không vững, run tay khi cầm vật dụng, yếu tay chân… cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời.

    TCM là bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa nên phần lớn trẻ mắc bệnh hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn vì khả năng miễn dịch thấp…

    Chủ động phòng bệnh TCM trong cộng đồng

    Cũng theo bác sỹ Hoàng Sơn, trẻ mắc TCM thường diễn biến trong khoảng 7-10 ngày sẽ tự khỏi. Vì vậy những trẻ bệnh ở thể nhẹ, có thể theo dõi, điều trị tại nhà để tránh lây chéo. Việc điều trị chủ yếu là giảm đau, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, hạn chế vận động, vệ sinh răng miệng. Nếu trẻ sốt cao thì hạ sốt bằng paracetamol, cho trẻ ăn nhiều bữa, ăn lỏng, uống nhiều nước, không cần uống thuốc kháng sinh.

    Với các nốt ở ngoài chân, tay phải bôi thuốc xanh-methylen. Cha mẹ cần lưu ý không lau miệng cho trẻ vì động tác này vô tình chỉ làm vết loét nặng hơn, thậm chí có thể gây bội nhiễm vi khuẩn. 

    Đáng lưu ý, bệnh TCM trong giai đoạn khởi bệnh rất dễ nhầm với một số bệnh khác như: viêm da, thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm đường tiêu hóa, sốt virus, viêm màng não…

    TCM là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả là vệ sinh cá nhân và vệ sinh, khử khuẩn môi trường (sàn nhà, đồ đạc, vật dụng thường có tiếp xúc với bàn tay…). Trẻ bị bệnh phải được cách ly, cho nghỉ học để không lây nhiễm bệnh sang các bạn khác.

    Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh TCM, Trung tâm y tế dự phòng thành phố khuyến có người lớn và trẻ em phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bé trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. 

    Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát...

    Đặc biệt, trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh TCM, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

    Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện khi mắc TCM và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. 

     Hồng Hải

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông