Con cháu người Đồ Sơn xa xứ và Truyện Kiều

11:29 01/12/2023

Ở Việt Nam, người Việt (còn gọi là người Kinh) là dân tộc chiếm đa số, nhưng ở các quốc gia khác, cộng đồng người Việt lại là dân tộc thiểu số đặc biệt như tại Cộng hòa Séc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa v.v..

Tại Trung Quốc hiện có 56 dân tộc, trong đó cộng đồng hơn 2,2 vạn người Việt được gọi là dân tộc Jing (người Kinh). Theo sách Những lời ca của người Kinh (sưu tầm ở Kinh Đảo, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc) của các tác giả Nguyễn Thị Phương Châm, Tô Duy Phương, NXB Khoa học Xã hội), thì tổ tiên người Kinh ở Trung Quốc vốn ở Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng:

Thiếu nữ người Kinh ở Trung Quốc 

"Ngồi buồn nghĩ lại đời xưa/ Cha ông truyền lại là người Đồ Sơn/ Từ thời Hồng Thuận tam niên/ Cha ông lưu lạc Phúc Yên chốn này"

Lịch sử làng và các thế hệ đều được ghi lại bằng những vần thơ: “Kể ra mười mấy đời nay/ Tiền kế hậu tiếp theo nòi Đồ Sơn”, hay “Anh em Kinh tộc ta ơi/ Khoan giongj ta dẫn sự tình đời xưa/ Cha ông trước ở Đồ Sơn/ Làm biển bắt cas mới về Phúc Yên/ Trước kia mới đến không vườn/ Xung quanh thì bể giữa thì sơn lâm/ Tai nghe vượn hót nó gầm/ Chim kêu vượn hú lại thêm buôn rầu/ Quê hương viễn khách dặm xa/ Lại đây mọc rễ khai hoa đất này”. (theo sách đã dẫn).

Khi di cư tới đây, người Kinh tập trung chủ yếu trên ba hòn đảo Vu Đầu, Vạn Vĩ, Sơn Tâm, hình thành nên tam đảo hay còn gọi là Kinh Đảo, nay thuộc trấn Giang Bình, thành phố Đông Hưng, Quảng Tây. Thôn Vạn Vĩ (Đông Hưng) chỉ cách thôn Tràng Vĩ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái một con sông.

Văn sớ ở đình Vạn Vĩ ghi: “Tổ tiên quán tại Đồ Sơn, đời Hồng Thuận tam niên đến chốn này đặt tên làng là Phúc Yên” (Phúc Yên là tên dân gian của làng Vạn Vĩ đến nay vẫn tồn tại). Còn Hồng Thuận tam niên (âm khác là Hùng Thuận) chính là năm thứ 3 niên hiệu Dực Đế triều hậu Lê ở Việt Nam  (1511).

Sau đó là những ngư dân ở các vùng biển lân cận khác của Việt Nam cũng đến định cư ở đây, hòa nhập với các thế hệ con cháu người Đồ Sơn, cùng thờ cúng tổ ở Đồ Sơn để tưởng nhớ những người khai phá đầu tiên ở chốn này.

Con lược sử làng Sơn Tâm cũng khẳng định: “Tổ tiên ta ở Đồ Sơn/ Làm biển bắt cá mới lên đầu Dồi/ Trước lên đánh cá lắm hồi/ Thả chài vây bắt được nhiều cá ngay”.

Dù đã định cư ở vùng đất mới này, nhưng người Kinh ở dây vẫn giữ mối liên hệ với quê hương Việt Nam, với Hải Phòng, vẫn cập nhật một số nét văn hóa truyền thống từ quê nhà, do vậy lời hát giao duyên của người Kinh Đảo ở Trung Quốc vẫn có bóng dáng cố hương: “Anh này là giai Hải Phòng/ Chạy tàu quý hổ vào trong linh đình/ Thấy anh vừa đẹp vừa xinh/ Có thật nhân tình em kết duyên chăng/ Mười hai cửa bể chấn đăng/ Cửa nào có cá thì văng chài vào/ Ngọn sông đào vừa sâu vừa chảy/ Em đi kiếm chọn mười bảy năm nay/ Tình cờ bắt gặp anh đây/ Như cá gặp nước như mây gặp rồng.”

Trong lời hát chào hỏi này, chàng trai Kinh Đảo vẫn xưng mình là “giai Hải Phòng”, điều này có lẽ ảnh hưởng của làn điệu hát Đúm Hải Phòng lan truyền sang. Đối chiếu với lời hát Đúm của các nghệ nhân cao tuổi ở xã Phục Lễ, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, chúng ta thấy có những câu gần giống nhau: “Rằng duyên kết bạn người thương ơi/ Anh nay con trai Hải Phòng/ Cưỡi tàu Phi Hô vào trong Ninh Bình/ Thấy em vừa đẹp vừa xinh/ Anh thuận nhân tình anh nắm cổ tay/ Cầm tay anh hỏi cổ tay/ Ai nặng nên trắng ai day nên dòn/ Cầm tay anh hỏi nước non/ Rằng em chồng chửa hay còn giá cao/ Rằng duyên kết bạn người thương ơi.” (theo sách Hát đúm Phục Lễ - Thủy Nguyên - Hải Phòng, một loại hình dân ca giao duyên cổ của người Việt nhìn từ nhiều góc độ, tác giả: Nguyễn Ngọc Hải và Nguyễn Đỗ Hiệp, NXB Văn hóa Thông tin).

Qua so sánh hai đoạn hát này, chúng ta có thể hiểu câu: “Chạy tàu quý hổ vào trong linh đình” của người Kinh Đảo ở Trung Quốc là dị bản của câu: “Cưỡi tàu Phi Hổ vào trong Ninh Bình” của hát Đúm Phục Lễ, Thủy Nguyên (theo chú thích của sách đa dẫn: Phi Hổ là con tàu của hãng tàu thủy Bạch Thái Bưởi chạy từ bến Rừng Thuỷ Nguyên đi các tỉnh những năm 1930 - 1934).

Theo GS Kiều Thu Hoạch (Viện Nghiên cứu văn hoá): "Khi di cư sang Trung Quốc, người Kinh đã mang theo cả một số phong tục tập quán của người Việt, và trong gần 500 năm cư trú bên ngoài biên giới Tổ quốc, người Kinh vẫn còn bảo lưu được một số hình thức văn hoá cổ hay nói theo thuật ngữ của Unesco, đó là di sản văn hoá phi vật thể như: truyện kể dân gian, ca dao tục ngữ, các tục lệ cổ truyền, hát đám cưới, ngôn ngữ song âm tiết (la thi/ quả thị, la na/quả na, la dưa/ quả dừa…), đặc biệt là hình thức diễn xướng truyện Nôm ở kháp đình (đình hát) v.v…

Đây là hiện tượng văn hoá - lịch sử quý hiếm mà các nhà nhân loại học văn hoá gọi là hoá thạch ngoại biên (fossilisation périphérique/ peripheral fossilization), hoặc còn gọi là hoạt hoá thạch như cách gọi của giới nhân loại học Trung Quốc. Có thể nói, vùng Kinh Đảo chính là một cầu trường lý tưởng để nghiên cứu hiện tượng hoá thạch ngoại biên trong văn hóa tộc người." (trích bài viết Truyện Kiều dân gian hoá ở một tộc người Kinh,đăng trên tranghttp://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn của Khoa Văn học Ngôn ngữ - Trường Đại học KHXH và NV - ĐH Quốc gia TP. HCM).

Trong hành trang người Kinh mang theo sang vùng đất mới có các truyện Nôm (cả truyện thơ và truyện văn xuôi), nhưng đã có biến đổi thành dị bản so với những truyện ở Việt Nam như: Tống Trân và Trần Cúc Hoa (tức truyện Tống Trân, Cúc Hoa ở Việt Nam), Dương Lễ và Lưu Bình (tức truyện Lưu Bình, Dương Lễ ở Việt Nam) và đặc biệt là Kim Trọng và A Kiều (Truyện Kiều).

Cũng theo nghiên cứu của GS Kiều Thu Hoạch: "Kim Trọng và A Kiều có nhiều khả năng chắc chắn là đã được dân gian hoá từ Truyện Kiều của Nguyễn Du - bơi tộc người Kinh cũng có một đợt di cư sang Trung Quốc vào năm Tự Đức 28 (1875), tức là sau thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều (hiện ở Kinh Đảo còn có bản hương ước ghi chép về đợt di cư này)".

Điều đáng trân trọng là tuy sống cùng các dân tộc khác của Trung Quốc, nơi mà văn hóa Hán bao quanh, chiếm ưu thế, nhưng người Kinh ở Trung Quốc đã cải biến Truyện Kiều có nhiều phương diện còn Việt hóa đậm đà hơn tác phẩm gốc của Nguyễn Du. Nguyễn Du rất tôn trọng và bám sát nguyên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để sáng tác nên không thay đổi tên nhân vật và các địa danh của truyện, nhưng Kim Trọng và A Kiều của người Kinh Đảo đã đổi họ cho Kim Trọng thành Bùi Kim Trọng; Vương Thuý Kiều, Vương Thuý Vân thành Nguyễn Thuý Kiều, Nguyễn Thuý Vân.

Truyện tình Kim - Kiều diễn ra ở những nơi rất gần gũi Việt Nam như ở đình làng, hội hát đối, dưới gốc đa cổ thụ. Nhiều tình tiết, nội dung truyện cung thay đổi theo hướng dân gian hóa, không giống tiểu thuyết gốc Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Ta thử so sánh, liên hệ từ ngữ Truyện Kiều vốn là văn chương bác học với ngôn ngữ trong Kim Trọng và A Kiều của người Kinh ở Trung Quốc trong một số trường hợp cụ thể sau:

* Đoạn Kim Trọng thuê trọ sát nhà Kiều để tiếp cận và nhặt được thoa rơi của nàng, Nguyễn Du viết lời của Kim Trọng (câu 305, 306): "Thoa này bắt được hư không/ Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về?" thì nghe rất tài hoa nhưng cầu kỳ, phải tìm hiểu tích "Châu về Hợp Phố" mới hiểu được, còn truyệnKim Trọng và A Kiều của người Kinh Đảo diễn ca rất dễ hiểu thành: "… Vô ý đánh rơi vàng xuống đất/ Có lòng tìm vàng đến hỏi anh…/Nhận được thoa rồi chớ cài chặt tơ tình,"

Nghe Kim Trọng nói vậy, A Kiều đối đáp lại: "… Rơi vàng bấy lâu lòng bồn chồn/ Gần đây tơ tình khó cài chặt/ Nên nỗi ngẩn ngơ như mất hồn."

Còn trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết đây là tâm trạng Kim Trọng tương tư Kiều:

Câu 314: "Kể đà thiểu não lòng người bấy nay" Câu 324: "Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn"

* Đoạn Kim - Kiều gặp lại sau 15 năm lưu lạc:

Trong Kim Trọng và A Kiều, nhân vật A Kiều hát:"Mười lăm năm gió gió mưa mưa,/ Trăng kia đa khuyết hoa kia đã tàn" (Còn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, ý này nằm ở các câu 3070: "Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình" và câu 3100: "Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn").

Kim Trọng đối lại: "Trăng khuyết thì trăng lại tròn/ Hoa tàn lại nở tươi giòn hơn xưa!" (còn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, câu 3123, 3124 rất gần gũi với hai câu trên: "Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa")

Truyện Kiều của Nguyễn Du rất hay nhưng có tầng tầng lớp lớp ngữ nghĩa cần tìm hiểu, giải mã, tác giả dùng nhiều biện pháp ẩn dụ, ước lệ, bên cạnh đó là vô số điển tích, hoặc nhiều chỗ độ khái quát, triết lý rất cao siêu, người bình dân có thể thuộc một sô câu nhưng khó lòng mà hiểu hết được cái hay, cái đẹp của văn chương Kiều. Đây có lẽ cũng là một nguyên nhân khiến giới trẻ Việt Nam hiện nay ít người đọc Kiều.

Đưa văn chương bác học đến với Nhân dân, con cháu người Đồ Sơn ở Kinh Đảo - Trung Quốc từ lâu đã có giải pháp: họ đã dựa vào Truyện Kiều của Nguyễn Du để diễn nôm theo hướng dân gian hóa, Kinh hóa cho thật gần gũi với đời sống của người Việt, biến thành truyện thơ dành cho nam nữ hát đối đáp rất dễ nhớ, dễ đi vào cuộc sống.

Đây có lẽ là cách làm hay của các thế hệ con cháu người Đồ Sơn ở bên kia biên giới mà chúng ta cần tham khảo, học tập để Truyện Kiều đến được với đông đảo Nhân dân, đặc biệt trong thời đại hiện nay.

Nguyễn Dương

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông