15:12 09/08/2021 Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, doanh thu của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính… Vậy thực trạng vấn nạn này như thế nào? Lực lượng chức năng đã có những giải pháp gì để kiểm soát, tiến tới đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng ra khỏi thị trường hàng hoá Hải Phòng… Xung quanh vấn đề này, phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Thượng tá Nguyễn Trọng Hiền - Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cảnh sát Kinh tế), CATP.
PV: Xin đồng chí cho biết đôi nét về trực trạng vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trên thị trường hiện nay?
Thượng tá Nguyễn Trọng Hiền: Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang có mặt ở hầu hết các phân khúc thị trường. Tất cả các mặt hàng đều bị các đối tượng xấu làm giả, làm nhái với kiểu dáng, mẫu mã đa dạng, bắt mắt, rất khó phát giác. Vấn nạn này đang diễn biết hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Đặc biệt, Hải Phòng là thành phố Cảng biển, đầu mối, nơi giao thương, tập kết, trung chuyển lượng hàng hoá qua Cảng lớn nhất khu vực miền Bắc nên việc kiểm soát lượng hàng giả, hàng nhái trà trộn vào thị trường của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.
Thời gian qua, tình hình tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như: giày dép, quần áo, mỹ phẩm của các thương hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng và các loại thực phẩm chức năng giả có nguồn gốc, xuất xứ do nước ngoài sản xuất, thuốc tân dược, phân bón giả kém chất lượng.
Trước những phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thời gian qua, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, áp dụng đồng bộ các biện pháp để chủ động làm tốt công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm trong lĩnh vực này. Rất nhiều đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái lớn, nổi cộm thời gian qua đã được các lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, bóc gỡ, triệt phá. Điển hình:
Ngày 15-1-2018, Phòng Cảnh sát Kinh tế - CATP phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành quận Kiến An, qua kiểm tra đã phát hiện tại tổ dân phố Tiến Bộ, phường Ngọc Sơn, một cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm giả mang nhãn mác Cty TNHH Vinaca sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Vụ án khi được phanh phui đã làm chấn động dư luận xã hội.
Hay đơn vị đã phối hợp với Cục Hải Quan tiến hành kiểm tra, phát hiện lô hàng tạm nhập từ Trung Quốc để tái xuất của Công ty TNHH Lạc Lạc, có địa chỉ ở Hà Nội, qua đó đã phát hiện lô hàng gồm 6.576 đôi giày thể thao, trị giá khoảng 1,7 tỷ đồng có dấu hiệu buôn bán hàng hoá giả mạo xuất xứ Việt Nam.
Ngày 10-1-2020, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã ra quyết định khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng trong năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã chủ động phối hợp với Công an các quận, huyện, Cục Quản lý thị trường, Sở Y tế thành phố, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm một số cơ sở kinh doanh khẩu trang kháng khuẩn đã lợi dụng tình hình dịch bệnh tiến hành sản xuất, mua bán khẩu trang không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.
Cùng với đó là một loạt các vụ án khác, như: vụ buôn bán hàng giả nhập khẩu trên 3,1 nghìn chiếc sạc pin dự phòng, trị giá trên 500 triệu đồng. Vụ sản xuất, buôn bán 1 tấn mỳ chính giả nhãn hiệu Ajinomoto, ngày 14-2-2020, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm…
Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, được cấp uỷ, chính quyền các cấp và nhân dân ghi nhận, ngợi khen…
PV: Mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc đấu tranh quyết liệt nhưng thực tế cho thấy vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên, thưa đồng chí?
Thượng tá Nguyễn Trọng Hiền: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường truyền thống cũng như các sàn giao dịch thương mại điện tử như hiện nay là do siêu lợi nhuận mà chúng mang lại.
Những hàng hoá bị làm giả, làm nhái thường là những sản phẩm có thương hiệu của các hãng nổi tiếng trong nước và thế giới, có giá thành cao. Khi làm giả, làm nhái, lợi nhuận sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với giá trị thực tế sản phẩm. Vì cái lợi cá nhân, trước mắt, các đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách, chế tài xử lý để thực hiện hành vi phạm tội.
Để hàng giả, hàng nhái có “đất sống” và có chiều hướng gia tăng, điều không thể không nói đến là sự “tiếp tay” của người tiêu dùng. Chính sự thiếu hiểu biết về các mặt hàng muốn mua, không phân biệt được đâu là hàng giả - hàng thật, cộng thêm tâm lý sính hàng ngoại, hám hàng rẻ của người tiêu dùng mà các đối tượng xấu có cơ hội lợi dụng để “tuồn” hàng giả, hàng nhái vào thị trường. Đã vậy, khi phát hiện ra bản thân bị lừa, mua phải hàng giả, kém chất lượng, vì tâm lý ngại va chạm nên người tiêu dùng nhiều lúc “tặc lưỡi” bỏ qua…
Hiện nay các sàn giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển rầm rộ. Thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ đang có xu hướng thay đổi từ đi mua sắm trực tiếp trong các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng, cửa hiệu sang đặt hàng online qua mạng.
Thực tế này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có môi trường quảng bá giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm rộng rãi đến với đông đảo người tiêu dùng trên cả nước, song cũng rất đáng báo động vì tạo ra “mảnh đất” màu mỡ để các đối tượng xấu lợi dụng giao bán hàng giả, hàng nhái một cách công khai.
Môi trường kinh doanh, tiêu thụ hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử mới này đang thiếu vắng sự quản lý, kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng. Tình trạng bán quảng cáo hàng một đằng, giao hàng một nẻo khiến không ít người tiêu dùng bức xúc, “dở khóc, dở cười”.
Tuy nhiên, người tiêu dùng thiệt một thì sự tổn thất trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính có thể gấp nhiều, thậm chí không thể đo đếm được. Trong khi đó, các doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa làm tốt khâu kết nối, đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng, chưa có biện pháp hữu hiệu để tự bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng trước các nguy cơ hàng hoá bị làm giả…
Những yếu tố trên đang đặt ra thách thức rất lớn, khiến cho công tác phát hiện, phòng ngừa, bài trừ vấn nạn này của lực lượng chức năng ngày càng gian nan.
PV: Vậy để góp phần kiểm soát chặt chẽ, từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, theo đồng chí thì phía doanh nghiệp, người dân, các cơ quan chức năng cần áp dụng các giải pháp nào? Lực lượng Cảnh sát kinh tế đã, đang và sẽ triển khai những giải pháp “mạnh tay” gì, thưa đồng chí?
Thượng tá Nguyễn Trọng Hiền: Công cuộc đấu tranh với vấn nạn hàng giả, hàng nhái là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không phải là nhiệm vụ của một tổ chức hay cá nhân nào. Để kiểm soát chặt chẽ, từng bước đẩy lùi vấn nạn trên, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh thúc đẩy KT-XH thành phố phát triển rất cần có sự chung tay vào cuộc quyết liệt từ phía doanh nghiệp, người dân cũng như các cơ quan chức năng. Cụ thể:
Phía doanh nghiệp song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng tem chống hàng giả, cần có giải pháp mang tính chiến lược, căn cơ trong việc quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm đến tay người tiêu dùng để ai cũng nhận biết được đâu là hàng thật từ đó chung sức, đồng lòng tẩy chay hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh việc siết chặt công tác quản lý, giám sát hàng hoá, xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên minh, các doanh nghiệp cùng “bắt tay” nhau trong cuộc chiến chống hàng giả; chủ động phát hiện, theo dõi, trình báo kịp thời và phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra, phát hiện, xử lý các trường hợp làm giả, làm nhái hàng hoá của doanh nghiệp.
Phía người dân, để bảo vệ mình trước vấn nạn trên trước khi mua hàng cần phải trang bị cho mình những hiểu biết, thông tin cần thiết về sản phẩm để trở thành người tiêu dùng thông thái; nêu cao tinh thần cảnh giác, khi phát hiện sự lưu thông của hàng giả, kém chất lượng cần thông tin lại ngay cho nhà sản xuất hoặc cơ quan chức năng để các lực lượng kịp thời cùng vào cuộc xác minh, làm rõ, xử lý theo thẩm quyền.
Về phía các cơ quan chức năng cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp, chế tài xử lý đồng bộ, thống nhất, đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này…
Riêng đối với lực lượng Cảnh sát Kinh tế - CATP, tiếp tục làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hệ thống các doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hoá.
Đơn vị cũng sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, nhất là chủ động làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, kiên quyết đưa các đường dây, ổ nhóm, đối tượng liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ra xử lý nghiêm trước pháp luật.
Và để làm được điều đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế đặc biệt chú trọng đến yếu tố con người, phấn đấu xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cho được đội ngũ CBCS “vừa hồng, vừa chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, nắm chắc mọi quy định của pháp luật; nhạy bén trong việc phát hiện dấu hiệu, hành vi vi phạm, mưu trí, sáng tạo trong quá trình điều tra, khám phá nhanh các vụ án…
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Khánh Chi thực hiện
16:13 20/12/2024
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024