Đình - chùa Tây: Cụm di tích văn hóa gắn với lịch sử giữ nước

08:27 07/08/2017

Về xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, không ai là không biết đến đình – chùa Tây, cụm di tích lịch sử văn hóa năm được nhà nước công nhận năm 1996. Đình thờ bảy vị thành hoàng đại vương và công chú dòng họ Việt Thường – những người “khai quốc công thần” thời vua Hùng Duệ Vương. Còn chùa lại là một trong những nơi hội họp của chi bộ Đảng Dưỡng Động (nay là xã Minh Tân) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Lịch sử hào hùng

Vừa men theo con đường nhỏ ven chân núi phía Tây trang Dưỡng Động, để đi vào cụm di tích đình – chùa Tây, ông Ông Vũ Nhân Yên – Trưởng tiểu ban quản lý đình – chùa Tây vừa kể về truyền thuyết giữ nước và nguồn gốc ra đời của cụm đình – chùa.

Ông Yên kể, theo ngọc phả để lại, đình Tây còn được gọi là đình Cả - một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Dưỡng Động xưa. Sự ra đời của đình Tây gắn liền với truyền thuyết đánh giặc giữ nước thời vua Hùng Duệ Vương thứ mười tám. Tương truyền rằng, vào thời đó, khi quan bộ chúa ái Châu là Hùng Phục ở Đan Nê, phủ Triệu Thiên nhân lúc việc nước rảnh rỗi đã dong thuyền chơi khắp thiên hạ, tới trang Dưỡng Động thấy địa thế nơi đây đằng trước có sông vòng quanh, sau có núi dẫn mạch, hai bên nổi hai vai núi tựa rồng ngậm hạt châu nên ngài đã chọn nơi đây để dựng trang, lập ấp.

Sau đó, ngài kết duyên cùng bà Quế Nương là con gái của một gia đình họ Hoàng, tính tình thùy mị, nết na và sinh được bốn người con gồm 3 trai là Minh (tự Công Hải Linh), Phổ (tự Văn Thành), Tế (tự Trung Tường) và cô con gái út tên Trân Nương. Bốn anh em đến tuổi trưởng thành đều được vua Hùng phong làm thủy thần, trấn giữ vùng cửa ải sông Bạch Đằng.

Cụm di tích được nhà nước cấp bằng di tích lịch sử văn hóa từ năm 1996
Cụm di tích được nhà nước cấp bằng di tích lịch sử văn hóa từ năm 1996

Khi Thục vương cất quân đến xâm lán bờ cõi nước ta, bốn anh em đã chiêu mộ dân binh, ngày đêm tập luyện võ nghệ, rèn đúc binh khi cùng vua Hùng chống giặc. Trước thế giặc mạnh, Trân Nương đã cưỡi ngựa hồng dẫn quân tiên phong đến thẳng cung sở quân Thục ở Quỳnh Nhai tuyên chiến.

Nhưng giặc quá mạnh không thể đánh ngay, Trân Nương bèn thu quân về Thiên Sủng (núi Bờ Lung ở phía Nam Châu Mộc), cùng ba anh của mình đem giấu quân mai phục, đợi quân xiết chặt vòng vây đánh cho quân giặc không còn bánh xe thớt ngựa. Ngày đại thắng, bốn anh em trở về trang Dưỡng Động, mở tiệc ăn mừng.

Sau buổi yến tiệc, vào giờ Ngọ ngày mồng 8 tháng 11, trời đất bỗng tối sầm, mây mù bao phủ, sấm chớp đùng đùng, ba ông cùng Trân Nương hóa trở về Thủy quốc. Vua Hùng hay tin đã cử đình thần tới viếng và truyền cho nhân dân trang Dưỡng Động lập miếu thời các vị thần.

Mang đậm giá trị văn hóa

Không chỉ có lịch sử hào hùng, đình Tây còn là ngôi đình có kiến trúc nghệ thuật vô cùng độc đáo. Theo các cụ bô lão trong làng kể lại, vào những năm đầu thế kỷ 17, đình Tây được nhân dân xây dựng thành một ngôi đình to đẹp với cấu trúc mặt và phong cách nghệ thuật mang nét đặc trưng của ngôi đình Việt Nam cổ truyền theo bố cục kiểu chữ đinh quen thuộc, gồm bảy gian Đại Đường và ba gian hậu cung.

Gian Đại Đường có diện tích gần 290 m2 gồm mười tám cột cái, mười tám cột quân, đường kinh lên tới 0,7m. Phần hậu cung thờ các vị thần hoàng làng là những người giúp vua Hùng đánh giặc và khai thiên lập địa ra trang Dưỡng Động. Các phần kiến trúc xà, bẩy, câu đầu, thuận, kẻ đến hoành… trong đình đều to lớn khác thường.

Trên những bức hồi được bưng các bức điêu khắc hình tứ linh, tứ quý, hoa lá, chim thú. Đặc biệt, nổi bật trong nét kiến trúc đình Tây là hầu hết các bức điêu khắc đều chạm trổ hình tượng các loài thủy tộc, thể hiện nét văn hóa gắn liền với những người con thủy thần nơi đây.

Hậu cung của đình Tây thờ bảy vị thành hoàng và công chúa Trân Nương
Hậu cung của đình Tây thờ bảy vị thành hoàng và công chúa Trân Nương

Trải qua năm tháng, đình Tây bị xuống cấp, những vật kiến trúc và các bản điêu khắc có giá trị nghệ thuật theo đó cũng mai một dần. Chính vì vậy, để bảo tồn những giá trị văn hóa của địa phương, đình Tây đã được trùng tu lại nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật cổ xưa. Chỉ tay vào đôi Rồng trước cửa đình, ông Vũ Nhân Yên cho biết: “Ngôi đình hiện nay được trùng tu, tôn tạo lại trên nền móng của ngôi Đình cổ. Phần hậu cung của ngôi đình có từ thời Hậu Lê, nhưng do bị xuống cấp nên đến năm 1999, ban quản lý đã quyết định trùng tu lại.

Để tạo cảnh “Cây đa, giếng nước, sân đình”, UBND xã đã sửa sang lại giếng đình, đắp đôi Rồng dài trên năm trăm mét từ dưới giếng cuốn theo dòng nước lên hòn non bộ đặt đối diện cửa đình theo thế “Lưỡng Long cuốn thủy”. Đặc biệt, bên ngoài Đình còn có một khu nhà bia, đó đều là những tấm bia “Tiên hiền, hậu hiền”, ghi danh những dòng họ có công phò vua, giúp thần hoàng làng giữ nước. Những tấm bia này được ban quản lý sưu tầm lại từ các đình, chùa khác đưa về đình Tây để thờ cúng”.

Nằm cạnh đình Tây là chùa Tây - ngôi chùa có lịch sử hình thành từ khá lâu, với những giá trị văn hóa độc đáo. Chùa nằm song song trên một sườn núi với đình Tây. Cổng tam quan hướng ra giếng đình. Chùa được xây dựng vào năm thứ 17 đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705). Ngôi chùa cổ được xây ba gian tiền đường, ba gian chính điện theo lối chữ Đinh, phần khung gỗ cột nhỏ, thuần chồng đốc thước.

Trong số các di vật cổ còn lại tại chùa, hiện nay chùa còn lưu một chiếc chuông đồng đúc thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 13. Đặc biệt, trong thời kỳ chống Pháp, chùa là một trong những nơi hội họp của Chi bộ Đảng Dưỡng Động, những năm 1955 – 1960, chùa còn là trụ sở làm việc của ủy ban hành chính xã.

Khu thờ Tam Bảo trong chùa Tây
Khu thờ Tam Bảo trong chùa Tây

Hàng năm, cứ đến rằm tháng Giêng, nhân dân địa phương lại mở hội làng để cảm ơn công lập làng, giữ nước của các vị thành hoàng và công chúa.

Ngân Phạm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông