00:41 30/09/2023 Từ năm 1993, Hải Phòng đã có khu chế xuất, khi đó là Khu chế xuất Đồ Sơn. Đây là một trong những khu chế xuất đầu tiên của cả nước được Chính phủ cho phép thành lập. Đó cũng chính là sự khởi đầu, mở đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) trên địa bàn Hải Phòng; là cú hích, là đòn bẩy để phát huy tiềm năng, vị thế, truyền thống công nghiệp của Hải Phòng, góp phần đắc lực vào sự nghiệp CNH- HĐH thành phố và đất nước. Để từ đó, sau 30 năm, Hải Phòng là một trong những điển hình của cả nước về phát triển KCN, KKT nói chung, phát triển công nghiệp nói riêng với rất nhiều bứt phá và thành công.
Bài 1:
Sự gắn kết giữa các Khu công nghiệp và Khu kinh tế
Đồng chí Đan Đức Hiệp, nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhớ lại, những năm đầu 90 của thế kỷ trước, cũng như cả nước, Hải Phòng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Trong bối cảnh đó, tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển là yêu cầu cấp bách. Và việc thành lập Khu chế xuất chính là kết quả của sự đổi mới về tư duy, nhận thức của Hải Phòng dưới ánh sáng đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Tiếp theo đó, năm 2008, Hải Phòng được cho phép thành lập Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải, cũng là một bước đột phá lớn, là cú hích quan trọng để thành lập các KCN và thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH.
Những KCN tiên phong
3 KCN được coi là tiên phong của Hải Phòng là KCN Đồ Sơn (hình thành từ Khu chế xuất Đồ Sơn), thành lập năm 1994 với diện tích 150ha; KCN Nô-mu-ra thành lập năm 1994 có diện tích 153ha và KCN Đình Vũ thành lập năm 1997 với diện tích 541ha. Trong giai đoạn này, tuy chỉ có 3 KCN nhưng cũng đủ để Hải Phòng trở thành một trong những hình mẫu phát triển KCN thành công của cả nước và thực sự tạo ra những cú hích để thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tăng trưởng kinh tế.
Trong số 3 KCN tiên phong này, KCN Nô-mu-ra được coi là có tốc độ xây dựng và phát triển nhanh nhất khi chỉ trong một thời gian ngắn đã hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại và thu hút đầu tư, nhanh chóng lấp đầy. Trong đó, số doanh nghiệp đến từ Nhật Bản chiếm tỷ trọng khá lớn. Đây là khu công nghiệp đầu tiên có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại miền Bắc (do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư) và đến năm 2022, do có sự chuyển nhượng về chủ đầu tư, được đổi tên thành KCN Nhật Bản- Hải Phòng.
Tuy nhiên, KCN có tốc độ phát triển nhanh nhất là KCN Đình Vũ. Tập đoàn Rent A Port, Infra Asia Investment ( Bỉ) và UBND thành phố Hải Phòng đã rất ăn ý trong quá trình hợp tác, xây dựng, phát triển KCN và gặt hái những kết quả đáng khích lệ. Lựa chọn bán đảo Đình Vũ, một vùng đất hoang vu đầy lau sậy, mặt bằng chưa sẵn có, không điện nước, không kết nối giao thông, nhưng với tầm nhìn chiến lược, nơi đây đã hình thành một KCN sầm uất, hiện đại, một địa chỉ đầu tư đầy hấp dẫn.
Theo lãnh đạo Công ty CP KCN Đình Vũ, lúc đầu, nhà đầu tư chỉ dự định hoàn thành hơn 540 ha là thành công lớn. Thế nhưng, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Hải Phòng và đất nước Việt Nam, đặc biệt là những nỗ lực to lớn trong phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm như cảng nước sâu Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sân bay quốc tế Cát Bi và Nội Bài, nhà đầu tư nhận thấy việc tiếp tục đầu tư mở rộng là việc phải làm và tiếp tục nảy sinh ý tưởng xây dựng các KCN mới.
Do đó, chỉ một thời gian ngắn sau đã hình thành tổ hợp KCN DEEP C. Trong đó, khu 1 có diện tích 541 ha thành lập năm 1997; khu 2A thành lập năm 2009 với diện tích 513 ha; KCN và dịch vụ Hàng hải (khu 2 B) thành lập năm 2011, diện tích 132,7ha và khu 3 (KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng )thành lập năm 2014 với diện tích 526,8ha.
Một hình mẫu thành công nữa của Hải Phòng là KCN Tràng Duệ với diện tích 389,7 ha được thành lập năm 2007. Đây là KCN do Công ty CP Phát triển KCN Sài Gòn- Hải Phòng là chủ đầu tư. Thành lập sau nhưng KCN Tràng Duệ lại có sự phát triển khá nhanh chóng, chỉ sau một thời gian ngắn đã cơ bản lấp đầy. Trong đó, đáng chú ý, đã thu hút được Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư đến nay đạt hơn 7 tỷ USD và nhiều dự án lớn khác.
Sức hấp dẫn của Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải
Các KCN của Hải Phòng được phát triển mạnh mẽ hơn kể từ khi Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải được thành lập năm 2008 với diện tích 22.54ha. Nếu như từ năm 1993-2007 chỉ có 4 KCN được thành lập thì từ năm 2008 đến nay, sau khi có Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải đã có 10 KCN được thành lập. Trong đó có 9 KCN nằm trong Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải (4 KCN DEEP C; KCN VSIP thành lập năm 2008, diện tích 1566ha; Khu phi thuế quan và KCN Nam Đình Vũ 1, thành lập năm 2009, diện tích 1329ha; KCN MP Đình Vũ, thành lập năm 2012, diện tích 260 ha; KCN Tràng Duệ; KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu thành lập năm 2021 với diện tích 752ha). 4 KCN khác gồm: Nhật Bản- Hải Phòng; KCN Đồ Sơn; KCN nam cầu Kiền thành lập năm 2008, diện tích 263,5ha; KCN An Dương thành lập năm 2008, diện tích 196 ha; KCN Tiên Thanh thành lập năm 2022, diện tích 410ha.
Có thể thấy, hiếm có KKT nào hội đủ các điều kiện phát triển như KKT Đình Vũ- Cát Hải khi có được hệ thống cảng biển đồng bộ, đặc biệt là Cảng nước sâu Lạch Huyện; kết nối thuận tiện với Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi và mạng lưới giao thông đường bộ (trong đó hầu hết là đường cao tốc) tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố trong vùng, miền Bắc, cả nước; tuyến cầu và đường vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện; hệ thống cầu, đường kết nối với các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh và cả giao thông đường thủy, đường sắt. Cao hơn nữa là KKT Đình Vũ- Cát Hải mang trọn lợi thế, vị thế địa chính trị, kinh tế của thành phố Hải Phòng nên càng có sức hút mạnh mẽ.
Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, điểm lại, sau 15 năm thành lập, KKT Đình Vũ- Cát Hải đã phát huy rất tốt vai trò, vị thế và những kỳ vọng mong muốn của thành phố, các nhà đầu tư. Giờ đây, KKT Đình Vũ- Cát Hải đã và đang trở thành khu kinh tế tổng hợp, năng động, đa ngành, đa lĩnh vực với lĩnh vực chủ yếu là phát triển kinh tế hàng hải, trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng; một trong những trung tâm kinh tế biển của vùng biển Bắc bộ và cả nước, giao thương quốc tế hiện đại ở Bắc Bộ; là động lực lôi kéo, thúc đẩy Hải Phòng phát triển, trở thành hạt nhân tạo sự chuyển biến cơ bản cho thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời là trung tâm công nghiệp, dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại của vùng và cả nước.
Cũng theo đồng chí Lê Trung Kiên, 9 KCN đang hoạt động trong KKT Đình Vũ- Cát Hải đều là những KCN lớn nhất tại Hải Phòng hiện nay. Cùng với đó là các bến cảng nước sâu Lạch Huyện, trong đó các bến 1,2 đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ mấy năm nay; các bến số 3,4,5,6 đang đươc khẩn trương xây dựng, hoàn thành trong năm 2024; bến số 7,8 đã được cấp phép đầu tư và có nhiều nhà đầu tư lớn khác đang đề xuất được xây dựng các bến tiếp theo. Trong KKT Đình Vũ- Cát Hải còn có Nhà máy sản xuất ô tô VinFast, biểu tượng phát triển mới và niềm tự hào của công nghiệp Hải Phòng và cả nước với các sản phẩm xe ô tô mang thương hiệu Việt Nam, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, cụ thể là thị trường khó tính như Hoa Kỳ.
Như vậy, từ những bước đi chập chững ban đầu, trong 30 năm, Hải Phòng có 14 KCN đang hoạt động, là trọng điểm trong thu hút đầu tư. Hơn thế nữa, còn có sự gắn kết chặt chẽ giữa KKT Đình Vũ- Cát Hải với các KCN, các dự án phát triển công nghiệp, cảng biển, tạo thành thế liên hoàn, thành sức mạnh tổng hợp, góp phần đưa Hải Phòng cất cánh./.
(Còn tiếp)
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh