Quyết liệt cuộc chiến chống hàng giả: Cần có chế tài nghiêm khắc hơn để xử lý hàng giả

18:10 22/09/2021

Ai cũng biết, gánh chịu hậu quả đầu tiên và nặng nề nhất đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ chính là quyền lợi của người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, một phần có nguyên nhân bất cập từ hệ thống luật pháp trong lĩnh vực phòng chống hàng giả, hàng nhái, gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho chính doanh nghiệp trong “cuộc chiến” này - Ghi nhận của Phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng tại một số doanh nghiệp…

* Chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ hàng đầu

Tại Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong, vấn đề chống hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu “Tiền Phong” đã được lãnh đạo Công ty quan tâm hàng đầu và được triển khai trên diện rộng từ nhiều năm nay.

Kiểm kê tang vật ống nhựa giả nhãn hiệu “Tiền Phong” tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh

Công ty đã thành lập Bộ phận chống hàng giả - hàng nhái, phân công cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên trách làm công tác chống hàng giả, hàng nhái với nhiệm vụ khảo sát thị trường, tìm hiểu, phát hiện, thu thập chứng cứ về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu “Tiền Phong”, từ đó thông báo, cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ, phối hợp với các lực lượng chức năng như Cảnh sát kinh tế, Quản lý thị trường để xử lý nghiêm theo pháp luật đối với các hành vi này.

Trao đổi với ông Hứa Quang Vinh - Phó giám đốc Ban Phát triển thị trường 2, Trưởng Bộ phận chống hàng giả - hàng nhái của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, chúng tôi biết thêm: Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, Bộ phận chống hàng giả - hàng nhái của Công ty đã phát hiện, phối hợp với lực lượng chức năng xử lý tùy mức độ hàng trăm cơ sở, cá nhân có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu “Tiền Phong”, thậm chí có hàng chục vụ việc đã được các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử tại Tòa án của nhiều địa phương.

Điển hình là các vụ Nguyễn Văn Toàn, ở Nhã Nam, Tân Yên, Bắc Giang bị phạt tiền 500 triệu đồng và bị phạt cải tạo không giam giữ; vụ Phan Văn Trường ở Phúc Thọ, Hà Nội bị phạt 36 tháng tù giam; vụ Lê Minh Khoa ở Yên Đồng, Yên Lạc, Vĩnh Phúc bị phạt 30 tháng tù (cho hưởng án treo); vụ Nguyễn Văn Tân, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc và đồng bọn bị phạt 36 tháng tù; vụ Nguyễn Mạnh Trường, ở Tp.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh hay mới đây nhất là vụ Trần Trung Thành cùng 3 đồng bọn khác ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định, bị phạt 36 tháng tù giam, đều về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, theo Điều 192 - BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017… 

Vấn đề chống hàng giả, hàng nhái thương hiệu cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm, ưu tiên coi là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình. Ông Hoàng Thế Nam - Giám đốc Chi nhánh Bia Sài Gòn tại Hải Phòng cho biết:

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Chi nhánh công ty đã thành lập bộ phận xử lý lỗi của sản phẩm, đồng thời thường xuyên phối hợp với Hội đo lường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố trong công tác khảo sát thị trường, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng cũng như chủ động phòng ngừa các hiện tượng làm giả, làm nhái sản phẩm Bia Sài Gòn, góp phần nhân rộng quảng bá sản phẩm, tăng doanh thu, tăng thị phần của Công ty tại thị trường Hải Phòng.

Cũng trong thời gian qua, Tổng Công ty Bia Sài Gòn cũng đã phát hiện 01 vụ đối tượng bên ngoài làm nhãn “nhái” bao bì thương hiệu Bia Sài Gòn, đã được phát hiện, xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu Bia Sài Gòn và quyền lợi của khách hàng.

Ông Hoàng Thế Nam cho rằng, các doanh nghiệp rất ủng hộ công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vì đây là biện pháp thiết thực bảo vệ uy tín của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, rất cần được các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết đồng bộ, hiệu quả.

* Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ

Bên cạnh những thuận lợi thì công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không phải bao giờ cũng “xuôi chèo, mát mái”. Ông Hứa Quang Vinh tâm sự: “Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải đó là các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả nhãn hiệu “Tiền Phong” thực hiện hành vi của mình ngày càng tinh vi, xảo quyệt, với nhiều thủ đoạn để che mắt lực lượng chức năng.

Kiểm kê tang vật ống nhựa giả nhãn hiệu “Tiền Phong” tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh

Ví dụ, thay vì sản xuất tập trung một chỗ, giờ đây các đối tượng sản xuất hàng giả sản phẩm của Nhựa Tiền Phong thường “chia nhỏ” các công đoạn, từ việc nhập phôi kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường ở một địa điểm, rồi lại tập kết in phun giả nhãn hiệu “Tiền Phong” ở một địa điểm khác.

Chưa hết, các đối tượng cho người đi thăm dò, khi có cơ sở hay cá nhân nào “đặt hàng” mới tiến hành làm giả, sau đó đóng kín vào xe thùng, chở đến giao dịch ở nhiều địa điểm không cố định, khiến cho việc phát hiện của cán bộ Nhựa Tiền Phong hết sức khó khăn, vất vả. Có nhiều vụ việc, anh em phải kiên trì theo dõi, đeo bám đối tượng nhiều ngày liền mới có thể tìm ra quy luật hoạt động của các đối tượng.

Mặt khác, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu “Tiền Phong” lợi dụng kẽ hở quy định của pháp luật (giá trị hàng giả không thiết yếu dưới 30 triệu đồng thì xử lý hành chính) vì thế các đối tượng chia nhỏ số hàng, sản xuất và vận chuyển hàng giả đi giao nhỏ giọt, sao cho lô hàng giả có giá trị thấp, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì cũng chỉ có thể xử lý hành chính. Một số quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất hàng giả, hàng nhái cũng còn nhiều bất cập, ví như chưa có sự thống nhất cách hiểu về các khái niệm thế nào là hàng giả, thế nào là hàng nhái…

Bên cạnh đó, công tác giám định, xác định giá trị của lô hàng giả của cơ quan chức năng cũng gặp nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục; thời gian xử lý vi phạm kéo dài, hình thức xử lý và hình phạt áp dụng đối với các đối tượng có vụ việc chưa nghiêm khắc, ít có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung - ông Hứa Quang Vinh chia sẻ.

* Cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc

Có thể nói, các doanh nghiệp luôn xác định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như lợi ích của doanh nghiệp là vấn đề hàng đầu trong việc xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ hàng đầu. Bởi lẽ, bên cạnh quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại thì những thiệt hại của doanh nghiệp do sản phẩm bị làm giả thật sự khó đong đếm được.

Sản phẩm “chính hãng” bao giờ cũng là sự tập trung, kết tinh của trí tuệ tập thể, nay nếu bị làm giả, sẽ giảm sản lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của người lao động và cao hơn nữa là uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Đối với Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong, doanh nghiệp này luôn xác định phải thực hiện công tác chống hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu “Tiền Phong”với quyết tâm cao nhất!

Và để làm được điều đó, ông Hứa Quang Vinh chia sẻ: các cơ quan chức năng có nhiệm vụ phòng chống hàng giả, hàng nhái cần vào cuộc một cách quyết liệt, mạnh mẽ, công tâm và khách quan hơn nữa, đồng thời phối hợp tích cực với doanh nghiệp để phát hiện, xử lý nghiêm khắc hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Cũng theo ý kiến của Trưởng Bộ phận chống hàng giả - hàng nhái Nhựa Tiền Phong thì các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung, thay thế nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực xử lý vi phạm sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái theo hướng áp dụng các chế tài nghiêm khắc hơn, đủ sức răn đe, không để các đối tượng lợi dụng kẽ hở để hoạt động trục lợi; có các biện pháp tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý thị trường, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái. Cùng với đó là việc điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tiễn, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, quy trình xử lý để tạo điều kiện cho cơ quan chức năng, doanh nghiệp có được thuận lợi để thực thi nhiệm vụ.

Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn nữa với doanh nghiệp trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái để xử lý kịp thời, nghiêm khắc hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này nhằm nâng cao hiệu quả thực chất của công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái trong tình hình hiện nay.

THẾ KHOA

 

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông