Tăng cường quản lý, bình ổn thị trường bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi và tiêu dùng

09:37 02/12/2021

Thời gian vừa qua, giá lợn hơi liên tục giảm sâu trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gây khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, giá thịt lợn thành phẩm tại các siêu thị và chợ đầu mối vẫn ở mức cao, có sự chênh lệch tương đối lớn giữa giá lợn hơi và giá lợn thịt thành phẩm. Trước thực trạng này, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để tháo gỡ những khó khăn cho ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, giúp người chăn nuôi giảm bớt khó khăn, ổn định sản xuất.
Ngành Công thương thành phố tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi

Theo thông tin từ Sở Công thương Hải Phòng, hiện tại lượng thịt lợn hiện có trong ngày của hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố khoảng 8,6 tấn; đáp ứng khoảng 9,3% nhu cầu của thị trường, kế hoạch dự trữ trong 7 ngày khoảng 16 tấn. Thời gian luân chuyển đối với các mặt hàng thịt lợn tại siêu thị từ 1-3 ngày. Sở cũng cho biết, nguồn cung thịt lợn của thành phố chủ yếu là từ hệ thống chợ với 156 chợ, đáp ứng khoảng 90,7% nhu cầu của người dân thành phố; trung bình 1 chợ cung cấp khoảng 1,55 tấn thịt lợn/ ngày, thời gian luân chuyển đối với các mặt hàng thịt lợn tại các chợ là 1 ngày. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có hệ thống doanh nghiệp  kinh doanh, phân phối hàng hóa lớn, trong đó, có thể kể đến khả năng cung ứng của một số doanh nghiệp cung cấp thịt lợn: Công ty TNHH Thực phẩm Anh Phát Hải Phòng (250 tấn/tháng); Công ty CP Chế biến Thực phẩm xanh Vinh Phát (100 tấn/tháng); Công ty CP Thực phẩm Hải Phòng (300 tấn/tháng),…

Cũng theo báo cáo của Sở Công thương, tính đến ngày 9-11-2021, tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố gần như ổn định, riêng mặt hàng thịt lợn có sự biến động về giá cả. Sở dĩ xảy ra tình trạng đó là do trong thời gian dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động tạm ngưng khiến nhu cầu thị trường giảm, cùng với đó là hoạt động lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguồn cung ở các trang trại chăn nuôi bị gián đoạn, tồn hàng không xuất được. Gần đây, khi việc vận chuyển hàng hóa được lưu thông dễ dàng, nguồn cung tăng nhưng nhu cầu tiêu thụ chưa mạnh đã khiến giá thịt lợn bị giảm, thấp nhất ở khoảng 35.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Tuy nhiên, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, lượng thịt lợn quá tuổi xuất chuồng đã giảm, giá thịt lợn đã tăng trở lại. Hiện tại, giá thịt lợn hơi trên địa bàn thành phố dao động trong khoảng 45.000 đồng – 46.000 đồng/kg.

Sở Công thương chủ động các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường

Để đảm bảo cung đối cung cầu, bình ổn thị trường, ngành Công Thương đã phối hơp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại nguồn cung các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố từ các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất; phối hợp với Sở NN&PTNT Hải Phòng tổng hợp danh sách các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có nguồn hàng ổn định và có khả năng tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối của Chương trình bình ổn thụ trường thành phố dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, Sở còn chủ động trong việc định kỳ theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thành phố thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra việc “sốt” giá cục bộ trên địa bàn thành phố; hạn chế hình thức đầu cơ găm hàng với số lượng lớn gây biến động thị trường cung cầu hàng hóa trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Song song với đó, Sở Công thương xác định tiếp tục nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, chủ động thông tin đến các doanh nghiệp các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh của thành phố. Thường xuyên liên hệ với hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn như siêu thị, trong tâm thương mại, chợ hạng 1, chợ đầu mối, các cửa hàng tiện ích để kịp thời có giải pháp phối hợp với cơ quan chức năng đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt. Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, hệ thống phân phối kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn chủ động xây dựng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tổ chức cung ứng lượng hàng hóa thiết yếu phù hợp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Cùng với đó, chỉ đạo các doanh nghiệp quản lý chợ, Ban quản lý chợ tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, gọn gàng, thực hiện việc bán hàng văn minh lịch sự, thực hiện quy định về chất lượng hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, niêm yết và bán đúng giá niêm yết cũng như các quy định khác về hoạt động thương mại, dịch vụ.

Mặt khác, phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát, đánh giá khả năng sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm nông sản từ ngành nông nghiệp thành phố. Phối hợp với Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường Hải Phòng và các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả hàng hóa trên địa bàn thành phố dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đảm bảo giá cả hàng hóa không biến động lớn, tạo tâm lý yên tâm mua sắm cho nhân dân thành phố dịp Tết Nhâm Dần 2022.

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông