Trường THCS Ngô Quyền (Lê Chân): Hiệu quả từ mô hình “Cổng trường an toàn”

17:00 26/08/2018

“Nhà trường đặt quyết tâm xây dựng thành mô hình Cổng trường an toàn điểm của toàn thành phố”- cô Nguyễn Thị Thu Hương,Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền nhấn mạnh. Sau 1 năm thực hiện mô hình cổng trường an toàn với sự vào cuộc của tập thể Ban giám hiệu, Liên đội, Đoàn thanh niên và học sinh tình nguyện toàn trường, mô hình Cổng trường an toàn của nhà trường đã đạt hiệu quả mong đợi...

Các cháu học sinh đi bộ xếp hàng ra khỏi trường

Giải tỏa từ nội tại

Khác với hầu hết các “cổng trường an toàn” mới chỉ giải quyết được một phần về đảm bảo an toàn giao thông khu vực ngoài cổng trường thì mô hình “cổng trường an toàn” của Trường THCS Ngô Quyền “phân luồng”, xếp điểm “giao thông tĩnh”... ngay từ trong nhà trường, đã đem lại hiệu quả mới về giải tỏa ùn tắc giao thông giờ tan học.

Có mặt tại cổng Trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân) vào hồi 11h15 sáng 22-9, tiếng loa phát thanh học đường đọc bài hướng dẫn giao thông báo hiệu giờ tan học. Hàng trăm học sinh của các khối lớp 8, lớp 9 cùng tan học buổi sáng song không hề tạo ra cảnh cùng lúc túa ra khỏi cổng trường mà xếp thành hàng lần lượt tan trường.

Từ khoảng sân trường, học sinh các khối lớp thứ tự xếp hàng từng lớp ra phía cổng trường. Hai hàng học sinh tình nguyện và thanh niên tình nguyện áo xanh đứng hướng dẫn, “phân luồng” giữa hai khu vực “giao thông tĩnh” hai bên dành cho các bậc phụ huynh dựng xe máy, xe đạp điện đợi con tan học với khu vực đường học sinh tan trường.

Các bậc phụ huynh có thể đợi con, đón con lên xe ngay trong cổng trường và ra khỏi trường trong sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ “trật tự viên” an toàn giao thông tình nguyện. Chỉ trong chưa đầy nửa tiếng, giờ tan học của hàng trăm học sinh diễn ra trôi chảy, không hề có dấu hiệu của ùn tắc giao thông.

Phụ huynh học sinh chờ đón con ngay trong trường

Chị Nguyễn Thùy Linh, Tổng phụ trách Liên đội, Phó Bí thư Đoàn trường cho biết, thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, từ đầu năm học 2017-2018 đến nay, 100% đoàn viên, thanh niên nhà trường đã tham gia, thành lập đội đoàn viên, giáo viên và thanh niên xung kích giải tỏa cổng trường.

Theo đó, mỗi ngày 2 ca, sẽ có lực lượng túc trực trước cổng trường vào giờ tan học để làm nhiệm vụ lập lại trật tự, vận động tuyên truyền không cho mua quà vặt vỉa hè, đậu xe đưa đón học sinh  trước cổng trường, quy hoạch khu vực để xe.

Mỗi ca từ 10-15 thành viên, chia làm 2 vị trí bảo vệ: vị trí 1 đứng trong cổng trường, cạnh lối học sinh ra về để chỉnh hàng, nhắc nhở học sinh đi bộ đi theo hàng; nhắc học sinh đi xe đạp đi đúng vạch kẻ, điều tiết học sinh tránh ùn tắc cho cổng trường, nhắc nhở học sinh trực xung kích thực hiện nhiệm vụ.

Vị trí 2 được bố trí quân số gấp đôi, đứng ngoài cổng trường để nhắc phụ huynh học sinh đứng gọn vào lề đường, điều tiết học sinh đi bộ đứng sang 2 bên vỉa hè, nhất là vào giờ cao điểm thì nhắc học sinh đi xe đạp, xe đạp điện đi theo một chiều từ cổng trường đến hết ngã tư Mê Linh mới được quay đầu. Riêng cán bộ Tổng phụ trách có nhiệm vụ phát hệ thống loa truyền thanh hoạt động cả phía trong và ngoài nhà trường nhắc nhở phụ huynh và các em học sinh thực hiện tốt luật lệ an toàn giao thông...

“Mỗi buổi “hướng dẫn giao thông”, số cán bộ, giáo viên, đoàn viên, học sinh tình nguyện lên đến khoảng 30 người. Riêng đội học sinh tình nguyện cũng có trang phục riêng để phân biệt với học sinh tan học.  Đặc biệt, việc bố trí để phụ huynh chờ đón con em ở khu vực hai bên vòm mái ngay trong trường, không đứng dưới lòng đường ngoài trường, khi ra về đi về phía tay phải của đường... đã góp phần làm giảm đáng kể ách tắc giao thông giờ tan học.

Ngoài ra, các đồng chí đoàn viên, giáo viên tích cực tham gia phát thanh măng non, các chuyên đề ngoại khóa hiệu qua, như: “Học sinh THCS Ngô Quyền với văn hóa giao thông” - chuyên đề cấp thành phố được Bộ GD-ĐT dự và đánh giá cao; cuộc thi vẽ tranh về ATGT, qua những buổi chào cờ, tập huấn ngoại khóa... qua đó giúp học sinh tự nâng cao ý thức về ATGT, tạo thành nề nếp thực hiện pháp luật về ATGT, đồng thời mỗi học sinh là một tuyên truyền viên tích cực về ATGT...”, chị Nguyễn Thùy Linh cho hay.

Học sinh các khối lớp xếp hàng ngay từ trong trường

Biện pháp “đúng” và “trúng”

Nếu như trước cổng các trường tiểu học thường đông phương tiện ô tô, xe máy của các bậc phụ huynh chờ đón con, hay với các trường cấp 3 lại đông đúc các cháu tự đi bằng xe đạp truyền thống, hoặc xe đạp điện thì giờ tan học trước cổng trường cấp hai lại “xôi đỗ” cả hai loại hình trên khiến cho công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông càng thêm khó.

Tọa lạc trên phố Nguyễn Đức Cảnh, nằm kế bên nhiều cơ sở giáo dục trọng điểm của thành phố, trước đây, cảnh ùn tắc giao thông trước cổng Trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân) diễn ra thường xuyên.

Nguyên nhân là do học sinh của trường đông, lên tới hơn hai nghìn học sinh; xung quanh trường tập trung nhiều trường học như: Trường THPT Ngô Quyền, Trung tâm bồi dưỡng thường xuyên quận Lê Chân, Trường THCS Trần Phú và nhiều cơ quan, đơn vị; hơn nữa trường lại nằm trên tuyến đường thường xuyên có nhiều phương tiện qua lại; một số hộ dân tổ chức bán hàng rong chiếm dụng vỉa hè 2 bên cổng trường nên học sinh không có chỗ đứng chờ phụ huynh, cũng như phụ huynh không có chỗ đứng chờ đón con.

Đã vậy, bên cạnh những học sinh chấp hành kỷ luật nhà trường, vẫn còn không ít bạn sau giờ tan học tụ tập ở cổng trường, rủ nhau đi chơi, hay ăn quà vặt. Nhiều bậc phụ huynh chờ đón con đậu ô tô, xe gắn máy hỗn loạn xuống lòng đường dẫn đến tình trạng ùn tắc càng trở nên trầm trọng. Vào giờ tan trường, nhất là buổi chiều, chỉ cần một chiếc ô tô quay đầu trên tuyến này cũng có thể dẫn đến ùn tắc giao thông cả tiếng đồng hồ không thể dịch chuyển bất kỳ loại phương tiện nào...

Nhận nhiệm vụ mới trên cương vị lãnh đạo Trường THCS Ngô Quyền từ năm học 2017-2018, cô Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường đặt quyết tâm xây dựng một mô hình Cổng trường an toàn đạt hiệu quả cao, nhằm thiết thực rèn nề nếp thực hiện luật an toàn giao thông nói riêng, các quy định của pháp luật nói chung cho học sinh.

Nhà trường đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông bộ sắt, CATP tổ chức hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông cho các em học sinh trước thềm năm học mới; đồng thời giáo dục ý thức tham gia giao thông cho các em trong các tiết chào cờ, các giờ dạy lồng ghép ở các bộ môn, các chuyên đề, giờ phát thanh măng non...; tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông.

Đặc biệt, nhà trường phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Sở Giao thông công chính và các lực lượng chức năng tổ chức Lễ ra quân xây dựng Cổng trường an toàn mỗi khi năm học mới đến; trong đó tất cả cán bộ, giáo viên, chủ công là lực lượng đoàn viên, thanh niên và đội thanh niên tình nguyện của các cháu học sinh được phân công nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện kế hoạch xây dựng cổng trường an toàn...

Cùng với việc phân công, phân nhiệm rõ ràng, nhà trường đầu tư nâng cấp cổng trường khang trang hơn, có mái vòm che nắng, khu vực ngồi chờ của học sinh và nhất là hai bên vòm mái bố trí để phụ huynh chờ đón con thuận tiện. Ngay cả Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo cũng tích cực ngày hai buổi đôn đốc, tham gia việc thực hiện xây dựng cổng trường an toàn.

Phụ huynh học sinh có tâm lý chung là được đón con nhanh chóng cho nên dễ xảy ra ùn tắc giao thông trước cổng trường. Trường có kế hoạch phân luồng học sinh đi thành 2 làn: đi bộ và đi xe đạp nhằm giảm lượng học sinh cùng một lúc đổ ra đường gây ùn tắc. Số học sinh đi bộ được xếp hàng ra về trước để giải tỏa lượng phụ huynh chờ đón con. Sau đó, số học sinh đi phương tiện xe đạp, xe đạp điện mới tiếp tục ra về theo hướng dẫn.

“Hiện, thành phố đã thay đổi chiều giao thông, đồng thời không cho đỗ xe khu vực trung tâm, đã làm giảm đáng kể ách tắc giao thông khu vực này. Tuy nhiên, vào giờ tan tầm, mật độ giao thông quá lớn, nhiều khi khu vực trước cổng trường vẫn xảy ra ùn tắc nhẹ. Song với việc bố trí giao thông từ ngay trong trường nên nhà trường có thể hướng dẫn phụ huynh và học sinh tạm ở lại trường chờ ùn tắc qua đi mới ra khỏi trường.

Ở tầm nhìn xa hơn, 5 cơ sở giáo dục khu vực này gồm: THCS Trần Phú, THCS Ngô Quyền, Trung tâm GDTX quận Lê Chân, THPT Ngô Quyền, Tiểu học Minh Khai cần cùng quan tâm, kết hợp với nhau đưa ra những giải pháp chung; kiến nghị các cơ quan chức năng của quận: phòng giáo dục, phòng quản lý đô thị, CSGT quận cùng vào cuộc để tiến hành đồng bộ, tránh tình trạng trường này làm, trường kia không làm, giảm hiệu quả chống ùn tắc giao thông.

Trường THCS Ngô Quyền đặt mục tiêu sẽ đảm nhiệm làm điểm xây dựng mô hình cổng trường an toàn giao thông của thành phố, song cần Ban ATGT thành phố, Phòng CSGT bộ-sắt, Phòng GD-ĐT quận, Phòng quản lý đô thị quận, Công an quận, Công an phường An Biên quan tâm giúp đỡ nhà trường”, cô Nguyễn Thị Thu Hương nói.

Trong năm học tới, Trường THCS Ngô Quyền sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng, bổ sung thêm lực lượng CCB phường hỗ trợ trong xây dựng Cổng trường an toàn...

HẢI HẬU

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông