00:21 20/08/2022 Cuối tháng 1-1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Pắc Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 đến 19-5-1941. Hội nghị đã quyết định việc thành lập Mặt trận Việt Minh, khẳng định nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, sau khi đánh đuổi Pháp-Nhật sẽ thành lập Chính phủ nhân dân theo tinh thần dân chủ mới.
Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, hợp thành thống nhất một khối đại đoàn kết, lực lượng hợp thành đó chính là Nhân dân Việt Nam. Trên nền tảng Nhân dân, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) ra đời, xác định chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của cả nước.
Thời gian này, tình hình thế giới và trong nước biến chuyển mau lẹ, ngày 9-5-1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Sau đó, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão, buộc quân Nhật đầu hàng Đồng minh tháng 8-1945.
Lúc này tại Việt Nam, trước sự chuyển biến của tình hình trong nước và thế giới có lợi cho cách mạng, dân tộc ta đứng trước một cơ hội lịch sử, giờ phút có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước. Trung ương và Bác nhận định tình thế là vô cùng khẩn cấp, cần phải chớp thời cơ, dũng cảm và kiên quyết, kịp thời tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã kịp thời ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Với nhãn quan cách mạng vô cùng sáng suốt, Lãnh tụ Hồ Chí Minh truyền đi quyết tâm: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho bằng được nền độc lập cho Tổ quốc”.
Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội họp, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, quyết tâm giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Đại hội cũng quy định Quốc kỳ, Quốc ca, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu đồng bào ta đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến 28-8-1945), Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cách mạng tháng Tám 1945 đã giành thắng lợi vang dội, xoá bỏ ách thống trị của chế độ phong kiến, chấm dứt hàng trăm năm đô hộ của thực dân, phát xít. Hồ Chủ Tịch tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập”.
Lần đầu tiên lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, nước Việt Nam có một nền độc lập trọn vẹn, tự do trọn vẹn, chính trị không bị chi phối bởi ngoại bang, quyền tự quyết thuộc về Nhân dân, mà cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6-1-1946 xứng đáng là dấu ấn dân chủ vinh quang nhất.
Cũng trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chủ Tịch đã gửi một thông điệp mạnh mẽ: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Đây là lời thề đanh thép của một dân tộc kiên cường, và hiện thực lịch sử đã chứng minh trọn vẹn lời thề ấy.
Hiện thực ấy, từ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, trải qua các cuộc kháng chiến vệ quốc lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa xuân năm 1975, chúng ta đã trưởng thành thành vĩ đại, nối liền dải non sông, trở thành Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Giữa dòng chảy vinh quang của dân tộc, trong đội ngũ cách mạng của nước Việt Nam dân chủ mới, quân và dân Hải Phòng luôn ngẩng cao đầu, viết lên trang sử vàng truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”. Thời điểm đó, địa danh Hải Phòng hiện nay bao gồm tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng.
Tại tỉnh Kiến An, sáng 21-8-1945, lực lượng tự vệ huyện An Lão chia thành 3 mũi tiến vào tỉnh lỵ, đột nhập Bưu điện cắt đường dây liên lạc, tước vũ khí của lính Bảo an binh. Sáng 22-8, lực lượng khởi nghĩa từ các huyện kéo về tỉnh lỵ, bắt Tỉnh trưởng, thu vũ khí và tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai.
Tại Hải Phòng, ngày 21-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa cử đại biểu gặp Thị trưởng thành phố thông báo chủ trương giành chính quyền và qua đó thương nghị không để quân Nhật can thiệp vào công việc của ta. Sáng 23-8, hàng vạn đồng bào Hải Phòng - Kiến An, cùng lực lượng vũ trang chiến khu Đông Triều, từ các ngả đường kéo về Quảng trường Nhà hát thành phố dự mít tinh giành chính quyền.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, mọi người hướng lên lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn phủ kín mặt tiền Nhà hát. Bài “Tiến quân ca” vang lên hùng tráng. Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày, từ ngày 15 đến 25-8-1945, Tổng khởi nghĩa ở thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An đã thành công.
Đó là những tháng ngày đầy gian khổ nhưng vô cùng hào hùng, Hải Phòng đã cùng cả dân tộc nhất tề đứng dậy, sẵn sàng hy sinh không toan tính cho nền độc lập tự do. Bước ra từ khói lửa chiến tranh thế giới, giữa muôn vàn mất mát đau thương, nhưng với niềm tin và sáng tạo, người Hải Phòng luôn tìm riêng cho mình những cách làm mới để vượt qua.
Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cũng là dịp đánh giá lại cả chặng đường cách mạng, Hải Phòng đã vững chãi vượt qua sóng gió, mở ra thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với những bứt phá ngoạn mục, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của cả nước.
Hoàng Minh
22:42 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh