Chuyên mục Luật Cảnh sát cơ động: Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động

10:07 28/12/2023

Điều 28, Chương IV, Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về “Nội dung quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động”.

Theo đó, sẽ có 7 nội dung quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động như sau:

Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về Cảnh sát cơ động;

Tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Cảnh sát cơ động;

Tuyên truyền, phô biên, giáo dục pháp luật về Cảnh sát cơ động;

Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động;

Thực hiện chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động;

Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; sơ kết, tổng kết, khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động của Cảnh sát cơ động và Hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động.

Cùng với đó, tại Điều 29 chương này của Luật đã đưa ra những quy định về “Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động” như sau:

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động.

Việc quy định trách nhiệm của Chính phủ như Điều 29 của Luật này là phù hợp với quy định tại Điều 1 và Điều 20 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bô sung năm 2019). Theo đó, Chính phủ là cơ quan hành chính, nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thống nhất quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Bộ Công an là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý điều hành của Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Công an là thành viên Chính phủ, người chỉ huy, quản lý trực tiếp của Công an nhân dân, chịu trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân về tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân, trong đó có Cảnh sát cơ động.

Do vậy, Luật quy định Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động. Cùng với đó, trong quá trình thi hành nhiệm vụ có liên quan đến rất nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau nên Cảnh sát cơ động phải phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, cơ quan ngang bộ. Điều luật đã quy định Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động.

Nội dung quy định đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và các quy định pháp luật hiện hành cũng như yêu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông