Hóa đơn mua hàng: Căn cứ đầu tiên để bảo vệ quyền lợi hợp pháp

08:01 10/07/2018

Từ trước đến nay, người dân mỗi khi đi ăn uống hay mua sắm vẫn chưa quen với việc lấy hóa đơn mặc dù Chính phủ đã quy định, các giao dịch mua bán có giá trị trên 200.000 đồng thì cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh phải có trách nhiệm xuất hóa đơn cho người mua. Việc người mua hàng không lấy hóa đơn và đơn vị bán “cố tình quên” xuất hóa đơn không chỉ khiến người tiêu dùng thiệt hại mà còn khiến nhà nước thất thu một khoản thuế rất lớn. Phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc phỏng vấn Phó Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Nguyễn Huy Nhặn xung quanh trách nhiệm và lợi ích của việc sử dụng hóa đơn của cả bên bán lẫn người mua trong việc lập hóa đơn…

Phóng viên: Ông có thể làm rõ hơn trách nhiệm của người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ?

Phó Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Nguyễn Huy Nhặn: Khi bán hàng hoá, dịch vụ có tổng giá thanh toán từ 200.000 đồng/lần thì người bán phải lập hóa đơn. Trong đó bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).

Tổ chức, cá nhân kinh doanh khi lập hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung và đúng thực tế nghiệp vụ phát sinh. Hóa đơn được lập một lần thành nhiều liên, nội dung lập trên hóa đơn phải được thống nhất trên các liên hóa đơn có cùng một số. Số hóa đơn phải được lập liên tục từ số nhỏ đến số lớn.

Trường hợp hóa đơn được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập thì phải có văn bản xác nhận ủy nhiệm gửi tới Cơ quan thuế quản lý trực tiếp của cả hai bên. Trên hóa đơn vẫn phải ghi tên đơn vị bán là đơn vị ủy nhiệm và đóng dấu đơn vị ủy nhiệm phía trên bên trái của tờ hóa đơn. Hàng quý đơn vị ủy nhiệm phải tổng hợp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn gửi Cơ quan thuế.

Trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn. Người bán phải lập bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Cuối mỗi ngày cơ sở kinh doanh phải lập một hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng ghi số tiền bán hàng hóa dịch vụ thể hiện trên dòng tổng cộng của bảng kê.

Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.

Nếu người nộp thuế vi phạm về trong quản lý sử dụng hóa đơn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu nặng có thể bị xử lý đến mức hình sự.

Phó Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Nguyễn Huy Nhặn trả lời phỏng vấn Báo An ninh Hải Phòng

Phóng viên: Xin ông cho biết lợi ích của việc sử dụng hóa đơn đối với người dân, người mua hàng hóa dịch vụ?

Phó Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Nguyễn Huy Nhặn: Việc sử dụng hóa đơn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tại khoản 2, điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 đã quy định:

Người tiêu dùng có những quyền như “được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”.

Khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 59/2010/QH12 cũng quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng”. Do đó người bán hàng hóa dịch vụ phải thực hiện trách nhiệm của mình về sử dụng hóa đơn, chứng từ.

Theo những quy định trên, người mua cần lấy hoá đơn để chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ; hưởng chế độ khuyến mãi, chế độ hậu mãi, xổ số hoặc được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Được dùng để hạch toán kế toán hoạt động mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán; kê khai các loại thuế; đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu và để kê khai thanh toán vốn ngân sách nhà nước theo các quy định của pháp luật.

Đồng thời thông qua việc sử dụng hóa đơn hợp pháp theo quy định pháp luật, người mua sẽ làm căn cứ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ nhằm bảo vệ quyền lợi cho cá nhân, gia đình khi có tranh chấp, khiếu nại về chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đã tiêu dùng hoặc xảy ra bất kỳ sự việc bất khả kháng khác...

Ngoài ra, việc người mua lấy hóa đơn còn có hiệu quả trong thực hiện các thủ tục thế chấp. Theo đó, khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn ngân hàng đều phải có tài sản thế chấp (hồ sơ thế chấp phải có hoá đơn chứng minh nguồn gốc tài sản) hoặc vay tín chấp bảng lương (phải có hoá đơn sử dụng các dịch vụ cố định như điện, nước, điện thoại,… để chứng minh).

Đồng thời hóa đơn còn là căn cứ để doanh nghiệp hạch toán chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, khấu trừ thuế GTGT đầu vào (đối với doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ); tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách nhà nước

Xin lưu ý hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ bản gốc, liên 2 (liên giao khách hàng) phải ghi đầy đủ các chỉ tiêu, nội dung theo quy định và phải nguyên vẹn. Số liệu, chữ viết, đánh máy hoặc in trên hóa đơn phải rõ ràng, đầy đủ, chính xác theo đúng quy định, không bị tẩy xóa, sửa chữa.

Cục Thuế TP Hải Phòng mong nhân dân khi mua hàng hóa dịch vụ thì yêu cầu bên bán hàng hóa, dịch vụ xuất hóa đơn, góp phần đẩy lùi hóa đơn bất hợp pháp, tạo nguồn thu ngân sách, góp phần xây dựng thành phố, tạo an sinh xã hội.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi

BÙI HẠNH thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông