Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sỹ Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2023): Người chiến sĩ bản lĩnh, người nghệ sĩ kỳ tài

19:00 16/11/2023

Nhạc sỹ Văn Cao (1923 - 1995) tên thật là Nguyễn Văn Cao, nguyên quán ở tỉnh Nam Định (còn gọi Thành Nam) - một vùng đất học hành, khoa bảng, đất văn chương. Ông sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng - thành phố Cảng trấn giữ Biển Đông, đồng thời là cửa ngõ giao lưu đón nhận nhiều làn gió mới tiến bộ từ các phong trào cách mạng quốc tế. Hình như tinh hoa hai vùng đất Nam Định, Hải Phòng đã hình hài nên một nghệ sĩ, chiến sĩ Văn Cao tài hoa, bản lĩnh, phong trần, cống hiến trọn đời cho cách mạng, cho Tổ quốc.

Thiên tài âm nhạc

Thời niên thiếu, Văn Cao theo học tại trường Cao đẳng tiểu học Hải Phòng (còn gọi là trường Bonnal, nay là trường THPT Ngô Quyền, ở phường An Biên, quận Lê Chân) - tuy là một cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ cho thực dân Pháp nhưng những người thày, người trò yêu nước của trường đã biến nơi đây thành một cái nôi nuôi dưỡng nhân tài cho đất nước, một cái nôi của cách mạng. Ngôi trường này có ảnh hưởng lớn tớicuộc đời ông.

Trước khi tham gia cách mạng, Văn Cao đã nổi danh về cả âm nhạc và hội hoạ, những bài hát như Buồn tàn thu, Thiên thai, Suối mơ, Cung đàn xưa, Đàn chim Việt v.v được sáng tác khi ông còn rất trẻ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Toàn nhận xét về bài hát Thiên Thai: “Các nhà phê bình cho rằng, Thiên Thai tuy được viết vào thời kỳ tân nhạc Việt Nam còn phôi thai, nhưng cho đến nay, hình như cũng chưa có một ca khúc nào khác vượt qua được, về cả hai phương diện giai điệu và lời ca. Biến đổi tiết tấu và thang âm của ca khúc, hiện tại, nghe lại vẫn thấy mới. Cái thế giới thần thoại của cổ tích không phải chỉ được Văn Cao minh họa bằng những màu sắc tuyệt vời mà hình như ông còn tạo dựng bằng pha lê nữa. Mọi góc cạnh đều rắn, chắc. Màu sắc của nó còn có thể biến đổi tùy thuộc chủ quan của người thưởng ngoạn” (trích bài "Nhạc sĩ Văn Cao" trên Văn nghệ). Năm 2002, bộ phim nổi tiếng Người Mỹ trầm lặng (The Quiet American, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả người Anh Graham Greene) của đạo diễn Phillip Noyce đã dùng ca khúc này làm nhạc nền cho phim.

 Còn bài Bến xuân sáng tác năm 1942 (sau này có một phiên bản là Đàn chim Việt) được đánh giá là "siêu phẩm" của tân nhạc, là đỉnh cao nhất của thời kỳ âm nhạc lãng mạn ở nước ta.

Khi đến với Cách mạng, ông đã sáng tác những bài hát để đời như: Tiến quân ca (sau này được chọn là Quốc ca Việt Nam), Sông Lô, Tiến về Hà Nội, Mùa xuân đầu tiên v.v. Thời kỳ nào sáng tác của ông cũng được đánh giá rất cao, nhạc sĩ Phạm Duy khẳng định: “Trường ca sông Lô phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung”. Còn nhạc phẩm Mùa xuân đầu tiên, Văn Cao sáng tác năm 1976 được gọi là "tuyệt tác cuối cùng". Nhà thơ Tố Hữu ca ngợi: "Lời ca của Văn Cao lấp lánh ánh sáng tư duy cao sâu của một nghệ sĩ bậc thầy về sử dụng tiếng Việt hiện đại."

Bức ảnh về Văn Cao đoạt giải nhất Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cuối thập niên 1980.

Tài năng hội họa

Mặc dù chỉ là thính giả tự do hai năm ở trường Mỹ thuật Hà Nội, song Văn Cao cũng bộc lộ tài năng và gặt hái được những thành công. Năm 1943 tranh sơn dầu của Văn Cao đã được triển lãm ở Nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội, nổi bật là bức tranh “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử”. Sau khi kháng chiến thành công, ông trở lại Hà Nội, tham gia sáng tác nhạc, viết và là họa sĩ nổi tiếng về minh hoạ trên báo và bìa sách. Theo một số nhà nghiên cứu, tài năng hội hoạ của Văn Cao còn là một bí ẩn, chưa được hậu thế khai thác, làm sáng tỏ.

Tài thơ Văn Cao

Trên lĩnh vực thơ ca, Văn Cao cũng thể hiện tài năng và là tác giả có dấu ấn trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam.

Ngược dòng thời gian chúng ta trở về với Phong trào "Thơ mới" (1932 – 1945), trong đó giai đoạn từ 1936 đến 1939 có thể coi là chặng đường thịnh vượng của phong trào này với sự xuất hiện của hàng loạt các tên tuổi danh tiếng: "Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên và tha thiết, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu" (trích Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân). Phong trào này để lại nhiều thành tựu rực rỡ cho văn học Việt Nam, tuy nhiên đến giai đoạn 1940 đến năm 1945, "Thơ mới" bước vào giai đoạn thoái trào. Tập phê bình văn học "Thơ, phản thơ" (NXB Văn học, 1997) của tác giả Trần Mạnh Hảo (nhà thơ, nhà lý luận phê bình) được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, tổng kết: "Thật may mắn cho Thơ mới, khi nó bắt đầu suy thoái, đấng cứu thế của nó không ai khác hơn là cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại. Nếu không có cuộc cách mạng này, không biết các nhà thơ mới sẽ xoay sở ra sao trước hai triệu đồng bào chết đói khi họ đã tàn canh trong cuộc than mây khóc gió". Giai đoạn này, Văn Cao có sáng tác thơ, ông không phải là tác giả danh tiếng được tôn vinh trong “Thi nhân Việt Nam” nhưng ông lại ngẫu nhiên là người có sứ mệnh kết thúc Phong trào này: "Văn Cao với bài thơ thật hay Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc viết năm 1945 chính là tiếng kèn đám ma đưa đám cả một thời đại cũ. Tiếng kèn đưa đám của Văn Cao dù vẫn còn hơi hám điệu bát âm "Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!" của Huy Cận, song nó đã mang một tinh thần khác: nhập thế một cách đoạn trường và quyết liệt" (trích sách đã dẫn).

Nhà thơ Vũ Quần Phương bình luận: "Từ bài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, viết năm 1945, ông đã tạo ra một giọng thơ khác lạ. Khác lạ ở chỗ gọn và sắc. Lời gọn và ý sắc. Các hình ảnh liên tiếp xuất hiện như những biểu tượng ôm chứa nhiều cấp ý nghĩa đời sống. Ý nọ bồi đắp cho ý kia, không dựa vào ý mạch lạc hay sự nối liền của văn phạm ngôn ngữ. Chất liệu thơ ông như gạch xếp lên nhau mà thành công trình, không cần vôi vữa. Ông không nói ý mình vào bài thơ, ông để hình ảnh, đúng hơn là những biểu tượng, tự lên tiếng". 

Văn Cao đã khép lại "Thơ mới" để hân hoan đón chào Cách mạng tháng Tám năm 1945 hồi sinh dân tộc, rồi cùng các văn nghệ sĩ yêu nước khác trên toàn quốc tham gia kháng chiến cứu nước, tiếp tục mang tài năng cống hiến cho nền văn nghệ cách mạng của nước Việt Nam độc lập non trẻ, "để khởi đầu một cuộc cách tân mới của thơ với nguồn thi hứng mới kéo theo một hệ thi pháp mới, với những thành tựu mới, tiến xa hơn cao hơn thời “Thơ mới” (giáo sư Trần Thanh Đạm), đổi mới thể thức diễn đạt phù hợp với tâm hồn thời đại mới, làm cho hình thức "Thơ mới" - lúc này được gọi là thơ "tiền chiến" tan vỡ. Văn Cao bằng trường ca Những người trên cửa biển (1956) đã khai phá, mở đường cho thể loại trường ca phát triển mạnh sau này.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bày tỏ khâm phục Văn Cao: “Những bài thơ của ông khiến chúng tôi nổi da gà, kinh ngạc vì thán phục. Thơ ông đẹp một cách quyết liệt. Thơ ông thật đến siêu thực. Thơ ông mới, bất ngờ như mầm cây vừa đội đất trồi lên.”

 

Văn Cao với lực lượng Công an nhân dân

Theo người thân trong gia đình và những người gần gũi với nhạc sĩ Văn Cao cho biết: Năm 1946, ông được cách mạng giao chuyên chở vũ khí và tiền vào mặt trận Nam Bộ, sau đó phụ trách tổ điều tra của Công an Liên khu III (đơn vị hành chính - quân sự hình thành trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, bao gồm 08 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình). Đến năm 1947, ông được cử phụ trách một bộ phận điều tra đặc biệt ở biên giới phía bắc của Công an Liên khu X (gồm 08 tỉnh: Mai Đà, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Yên).

Năm 1965, nhân kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (1945-1965), Văn Cao đã sáng tác bài hát “Người Công an thân yêu” để tặng ngành Công an” (bản gốc ca khúc này có bút tích và chữ ký của nhạc sỹ hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Công an nhân dân, Hà Nội). Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha – một đồng hương người Hải Phòng, cũng là một người gần gũi Văn Cao nhất nhận xét bài hát “Người Công an thân yêu” “như một nốt nhạc trầm giữa đời sống náo động”, khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Công an âm thầm hy sinh giữa sự sôi động bộn bề của cuộc sống.

Trong ca khúc này, ông sử dụng cụm từ “đội ngũ thân yêu”, có nhà nghiên cứu cho rằng Văn Cao dùng cụm từ này để thể hiện tình cảm của ông -  một người đã có thời gian hoạt động trong lực lượng Công an, với những người đồng đội của mình.

Năm 1996, nhạc sĩ Văn Cao được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (lĩnh vực Văn học - Nghệ thuật) đợt đầu tiên, với các ca khúc: Tiến quân ca (1945), Chiến sĩ Việt Nam (1945), Làng tôi (1947), Tiến về Hà Nội (1948), Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1950) và Trường ca Sông Lô (1947). Ông cũng đã được trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý.

Để tưởng nhớ và vinh danh ông, quê hương Nam Định, Hải Phòng và nhiều địa phương khác như: Hà NộiThành phố Hồ Chí MinhHuếĐà Nẵng,... đã lấy tên Văn Cao đặt cho đường phố.

Còn giới nghiên cứu, các văn nghệ sĩ thì tôn vinh ông bằng các tượng đài, tranh ảnh và danh hiệu “Ông hoàng âm nhạc » hay « Bậc kỳ tài thế kỷ »…

Nguyễn Dương

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông